Đắk Lắk luôn sẵn sàng "kết duyên lành" với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế

Võ Việt
Sau 7 lần tổ chức, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã trở thành sự kiện nổi bật, để lại nhiều ấn tượng đẹp với người dân trong nước và du khách quốc tế qua các hình ảnh, hoạt động văn hóa. Qua đó, mở ra cơ hội kết nối, hợp tác giữa địa phương với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
ca-phe-26-1678856558.jpg
Trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, địa điểm diễn ra lễ hội cà phê lần thứ 8

Tiếp nối thành công những năm trước, bên cạnh các hoạt động truyền thống Khai mạc, Lễ hội đường phố,… Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm nay được tổ chức với đa dạng, mở rộng với các hoạt động mới như Cuộc thi video clip giới thiệu về cà phê Buôn Ma Thuột; Ca kịch Khát vọng Dam Săn; Hội thi chế tác sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà phê,… mang đậm dấu ấn văn hóa vùng đất Tây Nguyên và làm nổi bật chủ đề “Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới”.

ca-phe-48-1678857351.jpg
Cà phê Việt Nam, được trồng chủ yếu ở vùng Tây Nguyên

Theo dữ liệu, diện tích cà phê Việt Nam năm 2022 khoảng 710.000 ha với sản lượng 1,84 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu trên 4 tỉ USD. Đây là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam, được trồng chủ yếu ở vùng Tây Nguyên - chiếm 91% diện tích và 93% sản lượng của cả nước. Ngành cà phê đã tạo việc làm và thu nhập cho trên 600.000 hộ nông dân, với 2 triệu lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, Tây Bắc và một số vùng trồng cà phê khác trên cả nước.

ca-phe-38-1678856558.jpg
Sản phẩm cà phê của huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên tham gia lễ hội cà phê Buôn Ma Thuật lần thứ 8

Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ NN-PTNT cho biết trong “làn sóng thứ ba” của cà phê thế giới hiện nay, quan điểm về chất lượng không chỉ gói gọn trong từng hạt cà phê mà còn mở rộng ra cả quá trình từ chọn giống, trồng, thu hái, sơ chế, chế biến, bảo quản, đến cả cách thưởng thức.

ca-phe-34-1678856558.jpg
Du khách và nhân dân của tỉnh về tham gia lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8

Dù đã đạt được những thành tựu không nhỏ song ngành cà phê Việt Nam vẫn còn phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, niên vụ 2021-2022, Việt Nam chủ yếu vẫn xuất khẩu cà phê Robusta với 1,5 triệu tấn, kim ngạch 2,97 tỉ USD; cà phê nhân Arabica chỉ xuất 60.000 tấn, kim ngạch 260 triệu USD; cà phê nhân đã khử caffeine 26.000 tấn, kim ngạch 76,9 triệu USD.

ca-phe-45-1678857733.jpg
Màn diễu hành lễ hội đường phố mang đậm chất Tây Nguyên

Trong thương mại, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, sau đó được trộn lẫn với cà phê từ các nước để chế biến nhiều sản phẩm khác nhau nên người tiêu dùng không biết đến cà phê Việt. Giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn trung bình thế giới nên dù đứng hàng đầu về sản lượng xuất khẩu, Việt Nam chỉ đứng thứ 10 về giá trị.

ca-phe-43-1678857818.jpg
Nhiều đoàn khách Quốc tế về tham dự lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8

Ông Phạm Ngọc Nghị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, Phó trưởng Ban thường trực chỉ đạo Lễ hội nhấn mạnh: “Dịp lễ hội lần này, bên cạnh các hoạt động quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại nhằm nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm cà phê thì còn có các hội nghị giao thương quốc tế cùng nhiều hoạt động văn hóa, triển lãm mang đậm bản sắc Tây Nguyên. Đặc biệt là sự kết nối thành công, chú trọng phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản Việt Nam, đưa Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk trở thành điểm đến cà phê trên thế giới”.

ca-phe-32-1678856558.jpg
Cậu chuyện kết duyên trong một trường Tây Nguyên

Đắk Lắk luôn sẵn sàng "kết duyên lành" với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, để những ý tưởng, dự án đầu tư sớm trở thành hiện thực trên vùng đất bazan chan chứa tình người”, ông Nghị nói.

Võ Việt