Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bậc dũng tướng và nhân tướng trong thời đại Hồ Chí Minh (Phần I)

Đinh Thảo
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Tổng Tư lệnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng - vị tướng của nhân dân, vị tướng vì hoà bình, mãi lưu danh lịch sử, niềm tự hào của con người Việt Nam và sự ngưỡng mộ sâu sắc của bạn bè năm châu. Ông là bậc dũng tướng và nhân tướng trong thời đại Hồ Chí Minh: “Võ công truyền quốc sử. Văn đức quán nhân tâm”.
vng-1680496882.jpg
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh: VGP)

Đại tướng, sử gia Anh Peter Macdonald - tác giả cuốn Giap - an assessment, bản tiếng Pháp Giap - les deux guerres d’Indochine(77) đã viết: “30 năm trước, trước khi nổ ra cuộc Đại chiến thế giới lần thứ I, ngày 25 tháng 8 năm 1911, ở làng An Xá (tỉnh Quảng Bình), gần vĩ tuyến 17, đã sinh ra một con người sẽ là một trong những người hiếm hoi làm chuyển dịch dòng chảy của lịch sử. Người ấy sẽ xuất hiện trước toàn thế giới như vị tướng của một quân đội sơ khai nhưng đã chiến thẳng hai cường quốc phương Tây, đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho, thuộc một dòng họ lớn, có tiếng tăm, từng tham gia Phong trào Văn Thân và Phong trào Cần Vương. Ông có bố và vợ đều là liệt sỹ, hy sinh trong thời kỳ chống Pháp.

Ký giả nổi tiếng Oriana Fallaci, trong bài phỏng vấn nhan đề "Mỹ sẽ thua, tướng Giáp khẳng định" (Americans will lose, says General Giap), đăng trên báo Washington Post, ngày 6 tháng 4 năm 1969, mô tả về ấn tượng khi được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp như sau: "Đôi mắt của Giáp! Hẳn đây là đôi mắt thông minh nhất mà tôi từng được thấy. Sắc sảo, linh lợi, tươi vui, dữ dội - tất thảy mọi thứ. Một đôi mắt long lanh như hai tia sáng, xuyên thấu người ta tựa như hai lưỡi kiếm, ánh mắt đầy quyết đoán, uy nghi".

Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, bằng ý chí và nghị lực phi thường, sự phân đấu không ngừng nghỉ, Đại tướng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam. Đại tướng là nhà quân sự xuất chúng, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.

Có thể nói, bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Võ Nguyên Giáp là ngày 3 tháng 5 năm 1940, với bí danh là Dương Hoài Nam, ông đã cùng Phạm Văn Đồng lên Lào Cai rồi vượt biên sang Trung Quốc để gặp Hồ Chí Minh. Từ đây, ông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp giáo dục, rèn luyện. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương trong năm này và bắt đầu các hoạt động của mình trong Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội, một tổ chức chống phát-xít và đấu tranh cho độc lập của Việt Nam. Mùa xuân năm 1941, Võ Nguyên Giáp cùng Hồ Chí Minh trở về Cao Bằng. Trong thời gian ở hang Pác Bó, giữa lúc Cách mạng Việt Nam đang rất khó khăn, Hồ Chí Minh tiên đoán chuẩn xác cách mạng sẽ thành công vào năm 1945: "Trong 5 năm nữa (tính từ 1941) cách mạng sẽ thành công, điều chúng ta mong đợi sẽ tỏa sáng". Lời tiên đoán chuẩn xác đó đã giúp Võ Nguyên Giáp và các đồng chí có thêm niềm tin vào tương lai.

Ngày 22 tháng 12 năm 1944, theo chỉ thị của Hồ Chí Minh, ông thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại chiến khu Trần Hưng Đạo với 34 chiến sỹ, được trang bị vũ khí thô sơ. Đây là tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngay sau đó hai ngày (25 tháng 12 năm 1944), ông đã chỉ huy đội quân này lập chiến công đầu tiên là tập kích diệt gọn hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần, mở đầu truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông được cán bộ, chiến sĩ Quân đội yêu mến, kính trọng, suy tôn là "Người Anh Cả" của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Năm 1945, ông trở thành uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó là ủy viên Thường vụ Trung ương, tham gia Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc.

Trong thời kỳ ở Việt Bắc, nhiều người bối rối dao động, e ngại làm sao Cách mạng thành công khi không có súng để đánh địch. Những lúc ấy, ông không bao giờ quên lời dạy của Hồ Chủ tịch, tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân: "Chúng ta sẽ dựa vào sức mình là chính cùng với một ít viện trợ từ nước ngoài. Mọi việc đều do nhân dân mà nên. Người trước sủng sau, có nhân dân là có tất cả.".

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ông là một trong những người sáng lập nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được đánh giá là "người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Năm 1946, cả nước lại bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần làm nên những chiến thắng vĩ đại, trở thành một vị tướng huyền thoại, một thiên tài quân sự... và được sự ngưỡng mộ, kính trọng của nhiều, chính khách, học giả và đông đảo nhân dân thế giới.

Mặc dù không được đào tạo tại bất kỳ trường quân sự nào trước đó, không phải trải qua các cấp bậc quân hàm trong quân đội, nhưng ông được phong quân hàm Đại tướng vào ngày 28 tháng 5 năm 1948 (theo sắc lệnh 110/SL Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 20 tháng 1 năm 1948) trở thành Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam khi 37 tuổi.

Ông là Tư lệnh kiêm Chính uỷ, Bí thư Đảng uỷ của các chiến dịch trong cuộc Kháng chiến chống Pháp (1946-1954). Đặc biệt, năm 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng tin tưởng trao cho toàn quyền chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước khi ra trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò: "Trận này chỉ được thẳng không được thua" và trao cho toàn quyền “Tướng quân tại ngoại”. Ông lên kế hoạch và chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam tấn công Điện Biên Phủ. Sau 56 ngày đêm, đội quân nhà nghề được trang bị hiện đại của Liên hiệp Pháp bị đánh bại. Chiến thắng này đã chấm dứt lịch sử 83 năm đô hộ của Pháp tại Đông Dương và đã đưa Võ Nguyên Giáp đi vào lịch sử thế giới như là một danh nhân quân sự Việt Nam, một người hùng của các nước Thế giới thứ ba đang bị thực dân đô hộ.

(Còn tiếp)


(77) https:/vw.wikipedia.org/wiki/V%C3%B5_Nguy%C3%AAn_Gi%C3%A1p#cite_note-tuoitre-126

Thiếu tướng, Nhà giáo Nhân dân, GS.TS Nguyễn Văn Tài (Nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Danh nhân)