Tinh hoa đại ngàn hội tụ tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I

Tối 29/11, tại Quảng trường Kon Tum, Bộ VH - TT & DL phối hợp với UBND tỉnh Kon Tum tổ chức khai mạc Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I năm 2023.

Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I là sự kiện văn hóa có quy mô lớn, nhằm góp phần bảo tồn và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống.

1-1701323459.jpg
Tiết mục văn nghệ tại Lễ khai mạc Ngày hội văn hóa đa sắc màu Tây Nguyên lần thứ I năm 2023

Tham dự buổi lễ, có Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an; ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL cùng lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên. Về phía tỉnh Kon Tum có ông Dương Văn Trang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Lê Ngọc Tấn - Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh cùng hơn 1.000 diễn viên là những ca sỹ, nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên quần chúng và đông đảo bà con đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum.

2-1701323458.jpg
Sự giao thoa các nền văn hóa của đồng bào dân tộc Tây Nguyên

Đây là sự kiện văn hóa có quy mô lớn nhằm góp phần bảo tồn và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc vùng Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng. Qua đó, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Ngày hội còn là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng các tỉnh Tây Nguyên có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao ý thức trách nhiệm trong giữ gìn các giá trị truyền thống dân tộc.

3-1701323593.jpg
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu tại ngày hội

Phát biểu khai mạc ngày hội, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định: "Tây Nguyên là nơi còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể vô cùng đặc sắc, phong phú, vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị thẩm mỹ độc đáo như: nhà rông, đàn đá, các lễ hội và kho tàng văn học dân gian với những bản trường ca, truyện cổ, truyện ngụ ngôn, làn điệu dân ca đậm đà bản sắc, trong đó có Trường ca Đam San huyền thoại của đồng bào Ê đê, các lễ hội gắn với “Không gian văn hóa Cồng chiêng” đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại".

Ngày hội diễn ra với mục đích tạo dựng không gian kết nối văn hoá, giới thiệu, quảng bá đến công chúng về văn hoá, không gian cồng chiêng, nét văn hoá nương rẫy truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Qua đó, còn góp phần tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, địa phương, thúc đẩy phát triển du lịch, phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng Tây Nguyên.

4-1701323459.jpg
Một số chương trình nghệ thuật đặc sắc mang âm hưởng các dân tộc Tây Nguyên tại lễ hội “ Đại ngàn Tây Nguyên – Tinh hoa hội tụ’’ 

Trong khuôn khổ Ngày hội, có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc như: Trình diễn, giới thiệu các lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống; Không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống của địa phương; Liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc vùng Tây Nguyên; Triển lãm "Đặc trưng văn hóa các dân tộc vùng Tây Nguyên trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam" và các hoạt động thể thao và trò chơi dân gian và chương trình xúc tiến quảng bá du lịch.

Đoàn Khôi – Tạ Nghiệp