Măng là sản vật kết hợp giữa sự giàu có của thiên nhiên và sự tận tâm của con người. Vùng Tây Bắc nằm trong khu vực nhiệt đới núi cao, với khí hậu mát mẻ và nhiều mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của những cây măng chính phẩm. Rừng Tây Bắc có nhiều loại măng như: Măng tre, măng nứa, măng trúc, mang mai, măng giang,… Măng được hái từ các cánh rừng măng tự nhiên, không sử dụng bất kỳ loại phân bón hay chất bảo quản nào, mang trong mình hương vị tươi ngon và thuần khiết.
Để thu hoạch được loại măng tươi ngon nhất, người dân phải dậy từ sớm, đi bộ sâu vào trong cánh rừng măng để thu hoạch tới chiều muộn mới về do cung đường khó đi. Nếu thu hoạch được ít, người dân sẽ bán tươi, còn nếu nhiều, măng sẽ được phơi khô để xuất bán đi các nơi.
Măng không chỉ gây ấn tượng bởi vẻ ngoài xanh tươi, mịn màng mà còn bởi vị thanh mát và độc đáo. Măng hội tụ đủ các vị ngọt, bùi, giòn, đắng nhẹ... Tất cả hòa hợp, tạo nên hương vị đặc trưng, riêng biệt khó có thể nhầm lẫn. Do được nhiều người ưa chuộng nên có rất nhiều món ăn được chế biến cùng loại ẩm thực này như: măng luộc, măng khô nấu móng giò, măng xào thịt bò, vịt nấu măng,...
Măng không chỉ có giá trị về mặt ẩm thực mà còn có tiềm năng phát triển và giá trị kinh tế cao. Với nguồn cung ổn định và chất lượng đảm bảo, măng đã trở thành một nguồn thu nhập quan trọng cho người dân tại vùng Tây Bắc. Sản phẩm cũng đã góp phần làm phong phú và đa dạng hóa nguồn thực phẩm đặc sản của Việt Nam.
Măng không chỉ đơn thuần là “lộc rừng”, một món ăn đặc sản, mà nó còn mang trong đó giá trị văn hóa và khí chất của vùng đất Tây Bắc. Mỗi đợt cắt măng, mỗi món ăn từ măng đều giới thiệu đến thực khách một phần của văn hóa và lịch sử đặc biệt. Ngoài ra, việc bảo vệ và phát triển loại đặc sản này cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ và phục hồi giá trị văn hóa của vùng Tây Bắc.