COVID-19: Những điều tưởng đúng mà... sai

Bác sĩ nội khoa Nguyễn Phương Mai đang làm việc tại London (Anh) giải đáp những câu hỏi liên quan đến SARS-CoV-2.
hinh-anh-covid-19-1646037078.jpg
Ảnh minh họa

1. Nhiễm SARS- CoV-2 đồng nghĩa bị bệnh COVID-19?

Không. Nhiễm SARS-CoV-2 đơn giản là virus vào cơ thể. Bệnh COVID-19 (mà hay làm người ta lo lắng đến) là khi miễn dịch của cơ thể gây phản ứng quá mẫn dẫn đến tổn thương phổi và nặng hơn là các cơ quan khác. Để nhận định dấu hiệu tổn thương phổi cần theo dõi nồng độ oxy (SpO2). Miễn dịch quá mẫn nếu có thường xảy ra ngày 5-10 từ khi có triệu chứng vì vậy thời gian theo dõi sức khỏe là 10 ngày từ khởi phát triệu chứng.

2. Nhiễm SARS-CoV-2 phải vào viện điều trị?

Không. Nếu đã tiêm vaccine thì 99% triệu chứng nhẹ và không chuyển thành bệnh COVID-19 theo định nghĩa ở câu trên. Mà không có bệnh thì không cần điều trị/chữa cũng không cần vào viện, miễn là ở nhà kiên trì theo dõi SpO2 đủ 10 ngày. Người bị bệnh tiểu đường thì khuyên thêm là cần kiểm tra đường huyết thường xuyên hơn bình thường.

3. Bệnh COVID-19 có thể điều trị tại nhà?

Không. Bệnh COVID-19 có nghĩa là đã có tổn thương phổi (biểu hiện ra là khó thở, tụt oxy) hoặc biến chứng khác. Một khi đã có bệnh thì phải vào viện, vì còn cần nhiều biện pháp theo dõi/thuốc khác chỉ dùng được ở viện, hoặc có các biến chứng chỉ chẩn đoán/điều trị được ở viện.

4. Test nhanh âm tính là khỏi bệnh?

Không. Test nhanh âm tính là nguy cơ lây thấp vì còn ít hoặc không còn virus ở đường hô hấp trên. Điều này không liên quan đến bệnh COVID-19 (ở phổi). Khi lượng virus xuống là khi miễn dịch lên và có thể thành quá mẫn và chuyển thành bệnh COVID-19. Vậy nên ngày thứ 5 test nhanh âm tính thì không được chủ quan mà vẫn phải theo dõi SpO2 đủ 10 ngày.

5. Test PCR dương tính tức là vẫn còn bệnh?

Không. Một là như câu trả lời đầu tiên, không phải ai nhiễm SARS-CoV-2 cũng có bệnh COVID-19. Hai là xét nghiệm PCR nhận định đoạn gene của virus, không phân biệt được virus đó sống hay chết. Nếu một người có miễn dịch bình thường (ví dụ không uống thuốc ức chế miễn dịch hay bị ung thư máu,...), qua 10 ngày theo dõi và khỏe nhưng PCR vẫn dương tính thì đó là xác virus - không có khả năng lây bệnh hay gây bệnh. Nhìn chung test lại PCR ở đa số F0 không có nghĩa lý gì cả, chỉ tốn tiền. Test lại PCR âm hay dương cũng không liên quan gì đến nguy cơ hậu COVID.

6. Cứ có thuốc uống là tốt?

Không. Cần đính chính lại là có thuốc đúng và uống đúng thời điểm là tốt. Các thuốc đúng có thể dùng ở cộng đồng, theo độ quan trọng:

- Vaccine. Thời điểm đúng là sớm nhất có thể ở người lớn và trẻ trên 12 tuổi. Loại vaccine thì khó bàn vì là chính sách.

- Corticoid. Thời điểm đúng là khi bắt đầu có dấu hiệu tụt SpO2. Dùng thuốc sớm quá lúc virus đang nhân chia nguy cơ gây bùng phát nặng hơn, dùng muộn quá (ví dụ do chủ quan không theo dõi SpO2) thì lỡ thời cơ ngăn chặn tổn thương phổi tiến triển. Dùng 1 liều sau đó xin mời vào viện theo dõi và điều trị tiếp.

- Molnupiravir có nguồn gốc tin cậy. Thời điểm đúng là trước ngày thứ 5 của triệu chứng. Thuốc này mọi người bảo “như thần”, uống vào test âm rất nhanh - nhưng đọc lại câu 4 bên trên thì thấy là test âm rồi vẫn phải theo dõi đủ 10 ngày. Thuốc này không dùng được cho phụ nữ có thai. Và tôi khuyên nam nữ trẻ tuổi cũng không dùng.

Phân loại các thuốc và "thuốc" còn lại như sau:

- Thuốc chữa triệu chứng dù không thay đổi lộ trình bệnh (paracetamol để hạ sốt, oresol bù điện giải).

- Thuốc đã chứng minh không có tác dụng với COVID-19 và thậm chí có hại: aspirin, hydroxychloroquine, ivermectin, azithromycin, thuốc xanh đỏ...

- "Thuốc" bổ không thay đổi lộ trình bệnh (vitamin C, thymomodulin, các thể loại thực phẩm chức năng). Hơi oái oăm là như giải thích ở câu 1, bệnh COVID-19 là bệnh do miễn dịch quá mẫn, thuốc điều trị hiệu quả đều là thuốc ức chế miễn dịch, nhưng hiện nay nhiều người cứ hô hào nhau uống vitamin C để “tăng sức đề kháng”.