"Người dân lo mắc Covid-19 quá mức nên mua kit test bất kể giá nào"

Theo đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn, nỗi lo mắc Covid-19 của người dân đang quá mức dẫn đến việc nhà nhà đi mua kit test. Từ đó dẫn đến khan hiếm hàng, đẩy giá kit test và thuốc chữa bệnh lên cao.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, người thân của ông đi mua cùng một loại kit test Covid-19 ở hai cửa hàng khác nhau mà giá đã khác nhau rất nhiều.

"Chưa thấy cửa hàng thuốc "làm giá" kit test bị xử lý"

Những ngày sau Tết Nguyên đán, dịch bệnh bùng phát ở Hà Nội và nhiều địa phương khác trong cả nước đã đẩy kit test Covid-19 và thiết bị, vật tư y tế lên cao gấp nhiều lần. Ông có vấp phải tình cảnh tương tự hay không?

- Thực tế khi đi mua kit test Covid-19 tôi cũng gặp tình cảnh như vậy. Khi người thân trong gia đình tôi mua kit test ở hai cửa hàng thuốc khác nhau đã thấy giá khác nhau rất nhiều. Cụ thể, cùng bộ kit test của Hàn Quốc ở một cửa hàng giá là 65.000 đồng, nhưng khi sang cửa hàng khác thì giá đã bị đẩy lên là 95.000 đồng.

nlntv-lay-mau-kit-test-1645850999139-1646008684.jpeg
Sau Tết Nguyên đán giá kit test Covid-19 "nhảy múa" ở nhiều nơi.

Khi dịch bệnh bùng phát, giá khẩu trang và nhiều thiết bị y tế khác bị đẩy lên chóng mặt. Lần này lặp lại tình cảnh tương tự với giá kit test và thuốc chữa bệnh. Qua đó, người dân băn khoăn với việc cơ quan quản lý nhà nước chưa làm hết trách nhiệm?

- Thực tế Bộ Y tế đã vào cuộc rất quyết liệt trong việc thanh tra, kiểm tra giá thiết bị, vật tư y tế trong thời gian qua. Tuy nhiên, do dịch bệnh bùng phát, các mặt hàng khan hiếm, trong khi đó người dân lại quan tâm đến sức khỏe, bằng mọi giá phải mua được kit test, nên giá mặt hàng này bị đẩy lên cao.

Trước đây, khi dịch bệnh mới bùng phát, tôi thấy lực lượng chức năng kiểm tra và xử lý nghiêm các đơn vị đẩy giá khẩu trang và thiết bị, vật tư y tế. Tuy nhiên, lần này tôi chưa thấy đơn bị nào bị xử lý giá kit test Covid-19 tăng cao quá mức.

Qua hơn 3 năm dịch bệnh bùng phát, kinh tế nhiều gia đình đã rất kiệt quệ. Vậy mà giá cả các loại thuốc chữa bệnh và kit test lại tăng cao sẽ tác động vào thu nhập của nhiều gia đình, khiến họ càng gặp nhiều khó khăn hơn. Do vậy, theo tôi cơ quan chức năng phải sớm vào cuộc để kit test Covid-19 và thiết bị, vật tư y tế được bán đúng với bảng giá. 

 Các bác sĩ đã đưa ra lời khuyên người dân không nên hoang mang khi dịch bệnh bùng phát đi mua kit test tràn lan như hiện nay dẫn đến lãng phí. Mà chỉ khi nào xuất hiện triệu chứng như ho, sốt, đau họng thì mới test. Theo ông ngành y tế nên đưa ra khuyến cáo cụ thể như thế nào để nhân dân an tâm hơn trong thời điểm này? 

- Từ khi dịch bệnh bùng phát, ngành y tế và cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều hướng cụ thể để người dân phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, nỗi lo sợ mắc bệnh của người dân hiện nay đang vượt quá những khuyến cáo, hướng dẫn của ngành y, nên họ nghĩ rằng cứ mua kit test Covid-19 về để kiểm tra xem có dương tính hay không càng sớm càng tốt. Đó là lý do vì sao nhiều người họ chấp nhận bỏ qua những khuyến cáo của ngành y.

Theo ông chúng ta có nên mua kit test Covid-19 tràn lan như hiện nay hay không?

- Chúng ta nên tin vào khoa học, bởi những khuyến cáo của ngành y tế đã được cơ quan chuyên môn nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Và khi chúng ta tin vào khoa học thì sẽ bình tĩnh hơn khi dịch bệnh bùng phát. Từ đó, mới có thể thích ứng an toàn với dịch bệnh khi mở cửa nền kinh tế. 

Không nên tước đi quyền tới trường của trẻ em

Qua đợt bùng phát dịch bệnh từ sau Tết Nguyên đán, các trạm y tế bị quá tải khi nhiều người đến xác nhận mắc Covid-19. Ông đánh giá thế nào về năng lực của y tế cơ sở hiện nay?

- Dịch bệnh bùng phát cho chúng ta thấy rõ năng lực của ngành y tế mà trong điều kiện bình thường không nhận ra được. Một trong những tồn tại được chúng ta nói nhiều trong thời gian qua đó là năng lực của y tế cơ sở.

Từ trước đến nay, chúng ta vẫn nói mạng lưới y tế của chúng ta phủ khắp đến tận xã phường, làng xóm. Nhưng rõ ràng, qua đợt dịch bệnh lần này mới thấy rằng mạng lưới y tế có thể rộng lớn nhưng chất lượng y tế cơ sở còn có vấn đề. Đó là lý do vì sao, khi dịch bệnh bùng phát gây áp lực cho hệ thống y tế từ cơ sở đến Trung ương.

Do vậy, chúng ta phải tìm kiếm giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng ngành y, nhất là y tế cơ sở. Từ đó tránh được tình trạng đẩy toàn bộ bệnh nhân lên tuyến trên, gây quá tải hệ thống y tế. 

nlntv-hoc-sinh-tro-lai-truong-1645779026411-1646008741.jpeg
Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn ủng hộ việc mở cửa trở lại trường học (Ảnh: Tố Linh).

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, mở cửa trường học trong bối cảnh hiện nay gây tâm lý lo lắng cho phụ huynh, nhưng đây là lộ trình không thể nào khác được. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

- Nghị quyết 128 của Chính phủ về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" khi được ban hành đã tính toán kỹ lưỡng mọi vấn đề trên cơ sở khoa học rồi. Chính vì thế chúng ta cần tuân thủ nghiêm quy định này trên cơ sở linh hoạt nhưng phù hợp điều kiện thực tế của từng địa phương. 

Theo tôi, mặc dù các trường mở cửa trở lại có thể xuất hiện nhiều F0 trong trường, lớp nhưng phải bình tĩnh để xử lý. Như Bộ Y tế đã thông tin, đa phần trẻ em mắc Covid-19 với diễn biến nhẹ. Và nếu các em được tiêm vaccine rồi thì lại càng an tâm hơn khi đến trường. 

Thực ra, việc đi học là quyền của trẻ em. Trong trường hợp không quá đặc biệt thì chúng ta không nên tước đi quyền tới trường của trẻ em thêm nữa. Vì không được đến trường ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em sau này, cũng như sự phát triển của đất nước.

Do vậy, với cá nhân tôi ủng hộ việc mở cửa lại trường học. Tuy nhiên, để không ảnh hưởng đến hoạt động chung của nhà trường, chúng ta phải có những giải pháp nhất định với các F0 xuất hiện trong lớp. 

Xin cảm ơn ông!