Công tác quản lý về phòng cháy chữa cháy tại các khu chung cư hiện nay

Võ Việt
Những ngày qua người dân cả nước bàng hoàng và đau xót trước vụ cháy tại chung cư mini tại phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Con số thiệt hại về người và của là vô cùng lớn, vấn đề đặt ra cho các Cơ quan chức năng là công tác quản lý, giải pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tại các tòa nhà cao tầng, nhà ở riêng lẻ.

Dân số Việt Nam hiện nay khoảng 99 triệu người, là nước đông dân thứ 14 trên thế giới. Tổng diện tích đất hơn 310 nghìn km2, mật độ dân số của Việt Nam là 322 người/km2 cao nhất trong khu vực. Tính đến đầu năm 2023, Hà Nội có khoảng 8.5 triệu người, trong đó, có gần 1,8 triệu người tạm trú. Trong 10 năm (2009 - 2019), tốc độ tăng dân số bình quân của Thành phố là 2,15%/năm. Bên cạnh áp lực về ùn tắc giao thông mà hằng ngày nhìn thấy được thì việc gia tăng dân số tạo thêm những áp lực rất lớn về y tế, giáo dục, môi trường, văn minh đô thị và nhà ở.

Theo Bộ Xây dựng, dự báo nhu cầu về nhà ở giai đoạn 2021-2030 sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt tại khu vực đô thị. Trong bối cảnh nhu cầu tăng nhưng nguồn cung của các dự án nhà ở còn hạn chế, giá căn hộ chung cư tại các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM khó hạ nhiệt. Theo số liệu báo cáo từ Bộ Xây dựng năm 2022, nhu cầu về nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp hiện nay rất lớn và cấp bách trong giai đoạn 2021-2030 là khoảng 2,6 triệu căn hộ. Trong đó, từ năm 2021-2025 là khoảng 1,3 triệu căn.

hoa-hoan-1-1694765118.jpg
Đám cháy lớn nằm sâu trong ngõ 29/70 Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, hiện có khoảng 60 - 70% dân số tại các đô thị Việt Nam, đặc biệt là tại 2 thành phố lớn là: Hà Nội và TP.HCM có nhu cầu mua nhà ở giá rẻ, nhưng nguồn cung của thị trường không đủ. Từ những áp lực về nhà ở tại các thành phố lớn nêu trên, dân nhập cư từ nhiều tỉnh khác về các thành phố lớn tìm đến những chung cư mini, nhà ở riêng lẻ, tại đó căn hộ có diện tích nhỏ phù hợp với thu nhập của họ. Tuy nhiên, công tác phòng cháy chữa cháy tại tòa nhà cao tầng, nhà ở riêng lẻ lâu nay chưa được chú trọng nhiều, chỉ đến khi xảy ra các vụ hỏa hoạn thương tâm vấn đề an toàn về phòng cháy chữa cháy và lối thoát hiểm tại các tòa nhà cao tầng, nhà ở riêng lẻ mới thực sự được quan tâm.

Ngày 30/12/2021, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định số 32 quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP, theo đó đối với nhà ở riêng lẻ kể từ ngày 10-1 phải có lối thoát nạn. Các quốc gia phát triển quy định rất chi tiết nội dung này khi xây dựng công trình. Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh - Ủy viên thường trực ban chấp hành Hội Kiến trúc sư Hà Nội đặt vấn đề: nhiều vụ cháy ở các đô thị, trong đó có Hà Nội và TP.HCM cho thấy thiệt hại rất lớn về tài sản cũng như con người. Để giảm các vụ cháy thương tâm, cần thực hiện nghiêm công tác phòng cháy, chữa cháy cũng như bắt buộc phải có lối thoát nạn. Nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh nếu không đảm bảo an toàn phòng cháy thì nhất quyết không cho hoạt động, đồng thời, cơ quan chuyên môn cần phải có hướng dẫn chi tiết hơn để người dân thực hiện,

Đồng quan điểm, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho biết: "Việc Hà Nội đưa ra quy định nhà riêng lẻ phải có lối thoát nạn là cần thiết, tuy nhiên không nên áp dụng máy móc vì nhà ở mỗi khu vực khác nhau". Theo ông Tùng, quy định phòng cháy, chữa cháy phải có lối thoát nạn khi xây dựng nhà ở riêng lẻ cần phải được ban hành từ nhiều năm trước. "Bộ Xây dựng cần sớm ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy nhà ở, trong đó có nhà ở đô thị, khu đô thị mới, để áp dụng trên cả nước. Người dân cũng cần phải nâng cao ý thức để bảo vệ mình, không nên bịt kín cửa sổ, ban công vì khi xảy ra cháy không có đường thoát", ông Tùng nói. Trước quy định này, nhiều người dân - nhất là đang ở trong các khu ngõ, hẻm - phàn nàn, cho rằng quy định mới sẽ khó thực hiện do những căn nhà trong ngõ, hẻm không thể mở được lối thoát nạn.

Thời gian qua, trên địa bàn các tỉnh, thành phố xảy ra nhiều vụ cháy công trình cao tầng, nhà ở riêng lẻ gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản, để lại hệ luỵ và lo ngại bất ổn về công trình cao tầng, nhà ở riêng lẻ(một số chung cư mini) trong dư luận nhân dân và xã hội. Nguyên nhân cháy công trình có thể kể đến do quy hoạch, do thiết kế, do các biện pháp thi công; do chủ đầu tư các công trình dự án chưa thực hiện đúng trách nghiệm nghĩa vụ, do Ban quản lý, Ban Quản trị trong quá trình vận hành chưa thực hiện nghiệm quy định phòng cháy chữa cháy (PCCC) về tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng trang thiết bị, chưa thực hiện chuẩn mực công tác bảo hành bảo trì phòng cháy, chữa cháy và phần lớn là do ý thức của người dân khi làm việc và sinh sống tại các công trình cao tầng, nhà ở riêng lẻ để xảy ra hoả hoạn. Mặt khác, các quy định pháp luật về Phòng cháy, chữa cháy từ khâu quy hoạch, thiết kế, quy chuẩn, tiêu chuẩn, giám định chất lượng, nghiệm thu, quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư và Ban quản lý dự án khi vận hành, những vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp... cần được nhận diện, bàn luận.

hoa-hoan-2-1694765118.jpg
Kiểu xây dựng bịt kín gây nguy cơ mất an toàn về PCCC và thoát hiểm

Nguyên nhân khác tồn tại phải kể đến: Ở Việt Nam, nhiều công trình cao tầng hoạt động trong nhiều năm (chung cư mini, văn phòng khách sạn, nhà nghỉ cao tầng), nhà dân sau một thời gian sử dụng lại chuyển đổi mục đích kinh doanh và chưa đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC. Nhiều công trình xây dựng không đúng quy hoạch, giấy phép xây dựng, không đảm bảo các yêu cầu về an toàn PCCC, việc trang bị các thiết bị chưa đáp ứng đúng yêu cầu về an toàn PCCC hiện nay, hệ thống thiết bị điện, bảo trì bảo dưỡng, hệ thống báo cháy hư hỏng, thiếu đồng bộ trong quy hoạch xây dựng nên không đảm bảo về điều kiện giao thông khoảng cách, an toàn PCCC và nguồn nước PCCC.

Về thực trạng PCCC nhà cao tầng, tốc độ đô thị hóa cao, mật độ dân số, mật độ xây dựng gia tăng dẫn đến nhu cầu lớn cho việc phát triển công trình nhà ở, trong đó có công trình nhà cao tầng để tận dụng tối đa quỹ đất, tạo diện mạo hiện đại, phát triển cho các đô thị. Với đặc điểm của nhà cao tầng là công năng đa dạng, phức tạp, thường xuyên tập trung đông người, với đặc điểm về độ tuổi, nhận thức, sức khỏe khác nhau, cũng như việc bố trí mặt bằng, lối, đường thoát nạn phức tạp mà công trình cao tầng, nhà ở riêng lẻ hiện nay luôn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn PCCC.

Để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) và thoát nạn khi xảy ra cháy ở các công trình cao tầng, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (C07) Bộ Công an khuyến cáo người quản lý, người dân cần thực hiện nghiêm các biện pháp, khuyến cáo của lực lượng chức năng. Cục Cảnh sát PCCC chỉ ra các biện pháp an toàn cháy nổ nhà cao tầng như sau: Có niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc ở những nơi có nguy cơ xảy cháy; Nơi đun nấu, nơi được phép sử dụng lửa phải có quy định đảm bảo an toàn PCCC và giải pháp ngăn cháy lan; Lắp đặt thiết bị bảo vệ cho hệ thống điện của toàn bộ công trình, từng tầng, từng phòng và từng thiết bị điện có công suất lớn. Có biện pháp đảm bảo an toàn PCCC khi sử dụng thiết bị điện, đặc biệt là thiết bị điện sinh nhiệt; Hộp, ống kỹ thuật thông tầng hoặc thông giữa các hệ thống được làm bằng vật liệu không cháy và chèn kín bằng vật liệu không cháy; Lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động đảm bảo chữa cháy được trên toàn bộ diện tích; Lối thoát nạn phải có đủ diện tích, bố trí phòng lánh nạn tạm thời, lối thoát nạn dự phòng, đèn chỉ dẫn hướng và đường thoát nạn….

hoa-hoan-5-2-1694765533.jpg
Mật độ xây dựng chung cư ở Hà Nội

Những giải pháp về đảm bảo PCCC cho công trình cao tầng: cần tiếp tục củng cố hoàn thiện hành lang pháp lý để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các công trình cao tầng; tăng cường đẩy mạnh công tác phối hợp trong việc thẩm định, phê duyệt PCCC đối với các công trình xây dựng. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật về PCCC. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần mạnh tay có các biện pháp cưỡng chế đối với các trường hợp sai phạm; các doanh nghiệp, đơn vị quản lý, cơ quan chức năng phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC, nâng cao nhận thức của chủ đầu tư, người dân trong công tác đảm bảo an toàn PCCC trong công trình nhà cao tầng, nhà ở riêng lẻ để giảm thiểu nguy cơ những vụ cháy thương tâm.

Minh Hòa – Nam Lê