Tại phiên họp Quốc hội ngày 4/10 vừa qua, đại biểu Nguyễn Thị Yến (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt vấn đề, các y bác sĩ là những chiến sĩ thầm lặng trên mặt trận chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, chế độ phụ cấp trực đêm, ca mổ đã hơn 10 năm qua chưa được thay đổi.
Vì vậy, đại biểu đề nghị quan tâm điều chỉnh tăng các khoản phụ cấp để động viên và hỗ trợ tinh thần cho đội ngũ y tế.
Bên cạnh đó, nữ đại biểu nêu thực tế thi vào ngành y đã khó, thời gian học lại dài, học phí lại cao hơn ngành học khác. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét áp dụng chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên ngành y tương tự như ngành giáo dục hiện nay.
Trả lời phỏng vấn liên quan đến vấn đề này, Ths.BSNT Hoàng Văn Tâm, Giảng viên Trường ĐH Y Hà Nội cho rằng, về mặt chủ trương đây là một việc tốt, giúp giảm áp lực cho sinh viên, thu hút nhân tài vào khối ngành y khoa. “Dưới góc độ người học, tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất này, tuy nhiên nhìn trên bình diện chung, thì đề xuất này không thực tế, rất khó để thực hiện. Nếu miễn học phí cho sinh viên ngành y sẽ tạo áp lực rất lớn cho ngân sách, bởi để đào tạo ra một bác sĩ, mức chi phí vô cùng tốn kém”.
Ths.BSNT Hoàng Văn Tâm cho biết thêm, trong 6 năm học đại học, sinh viên không chỉ học lý thuyết mà còn cần thực hành rất nhiều, khâu này đòi hỏi chi phí đào tạo lớn. Các trường đào tạo nhóm ngành y khoa rất khó để giảm mức học phí. Tuy nhiên, khi so sánh học phí đào tạo ngành Y ở các nước trên thế giới, thì ở Việt Nam con số này vẫn ở mức thấp.
Giảng viên này cho rằng không nên so sánh chi phí đào tạo ngành sư phạm với ngành y, bởi chi phí để đào tạo ra một bác sĩ lớn hơn rất nhiều so với chi phí đào tạo ra một giáo viên.
Song, Ths.BSNT Hoàng Văn Tâm cũng thẳng thắn cho rằng, mức học phí hiện nay cũng đang là rào cản lớn cho nhiều sinh viên muốn theo đuổi ngành y. Không chỉ chi phí học đại học lớn, quá trình đào tạo sau đại học cũng rất tốn kém. Nhưng khi ra trường, mức lương đội ngũ y bác sĩ trẻ nhận được chưa tương xứng. Đơn cử như bác sĩ nội trú, khi đi làm cũng chỉ được tính theo theo hệ số là 2,67 và hệ số của cử nhân ngành y là 2,34. Dù cộng thêm các khoản phụ cấp khác thì mức thu nhập vẫn thấp, đặc biệt là đội ngũ y bác sĩ ở các tuyến dưới.
Ý kiến miễn, giảm học phí cho sinh viên Y, Dược cũng đã được đại biểu Quốc hội đề xuất trong các phiên họp trước đây.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Tại Khoản 14 Điều 15 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (Nghị định số 81) đã quy định đối tượng miễn học phí gồm: "Học sinh, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh học một trong các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Giám định pháp Y, Pháp y tâm thần và Giải phẫu bệnh tại các cơ sở đào tạo nhân lực y tế công lập theo chỉ tiêu đặt hàng của nhà nước".
Ngoài ra, sinh viên học các ngành lĩnh vực sức khỏe nếu thuộc đối tượng chính sách (người dân tộc thiểu số rất ít người, dân tộc thiểu số ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, thuộc hộ nghèo, cận nghèo…) được miễn giảm học phí theo quy định tại Nghị định số 81.
Như vậy, hiện nay nhà nước đã có các chính sách miễn giảm học phí đối với người học một số chuyên ngành đặc thù thuộc lĩnh vực sức khỏe và thuộc đối tượng chính sách.
Đối với các đối tượng khác, Bộ GD&ĐT cho biết ghi nhận ý kiến của cử tri và sẽ phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí cho học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đặc biệt các ngành, chuyên ngành khó tuyển, các ngành phục vụ cho hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở khi điều kiện ngân sách nhà nước cho phép để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.