Học phí trường Đại học Y Hà Nội dự kiến tăng lên gấp 3,5 lần

Đinh Thảo
Trường Đại học Y Hà Nội vừa công bố đề án tuyển sinh năm 2023 với dự kiến mức thu học phí cao nhất đối với ngành Y khoa và Y học cổ truyền là 55,2 triệu đồng, tăng gấp 3,5 lần so với trước.
327c6c90-174c-4eca-b12c-73163ab76f07-1686215748.png
Trường Đại học Y Hà Nội công bố dự án tuyển sinh năm 2023 (Ảnh: HMU)

Năm nay, Trường Đại học Y Hà Nội dự kiến tuyển sinh tổng 1.370 chỉ tiêu cho 10 ngành đào tạo, tăng 200 chỉ tiêu so với năm 2022.

Trong đó, ngành Y khoa tuyển nhiều nhất với 520 chỉ tiêu (400 chỉ tiêu tại cơ sở chính, 120 chỉ tiêu tại phân hiệu Thanh Hóa). Ngành Điều dưỡng chương trình tiên tiến dự kiến tuyển 130 chỉ tiêu tại cơ sở chính, 80 chỉ tiêu cho chương trình đại trà tại phân hiệu Thanh Hóa.

Mỗi ngành Y học dự phòng, Dinh dưỡng, Răng - Hàm - Mặt tuyển 100 chỉ tiêu. Ngành Y học cổ truyền, Kỹ thuật xét nghiệm y học dự kiến tuyển 80 em/ngành. Khúc xạ nhãn khoa sẽ tuyển 70 chỉ tiêu và 60 là chỉ tiêu của ngành Y tế công cộng.

Ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng bắt đầu tuyển sinh từ năm 2023 dự kiến tuyển 50 chỉ tiêu.

Trường áp dụng 2 phương thức tuyển sinh, bao gồm: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT và Trường Đại học Y Hà Nội (không quá 25% chỉ tiêu mỗi ngành). Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, tổ hợp 3 bài thi: Toán, Hóa học, Sinh học.

Riêng ngành Y khoa, Y khoa phân hiệu Thanh Hóa, Răng - Hàm - Mặt, Điều dưỡng (chương trình tiên tiến) có thêm phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Ở phương thức này, điều kiện bắt buộc là thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh và tiếng Pháp hợp lệ, có giá trị sử dụng đến ngày nộp hồ sơ. Các chứng chỉ được trường công nhận đối với ngành Y khoa, Răng - Hàm - Mặt gồm IELTS 6.5, TOEFL iBT 79-93 hoặc TOEFL ITP 561-589 đối với tiếng Anh; DELF B2, TCF 400 điểm đối với tiếng Pháp.

Đối với ngành Điều dưỡng chương trình tiên tiến, các chứng chỉ tiếng Anh được chấp nhận gồm IELTS 5.0, TOEFL iBT 35-45 hoặc TOEFL ITP 485-499. Điểm trúng tuyển theo phương thức xét kết hợp điểm tốt nghiệp THPT và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sẽ thấp hơn tối đa 3 điểm so với xét thuần bằng điểm thi.

Theo đề án, Trường đại học Y Hà Nội công bố mức học phí dự kiến với sinh viên chính quy; lộ trình tăng học phí tối đa cho từng năm. Học phí dự kiến dao động 20,9 - 55,2 triệu đồng/năm.

Trong đó, ngành y khoa và y học cổ truyền có học phí cao nhất với 55,2 triệu đồng/năm; thấp nhất là ngành y tế công cộng, dinh dưỡng, điều dưỡng phân hiệu tỉnh Thanh Hóa với học phí 20,9 triệu đồng/năm.

Trong đó, 6 ngành là Y khoa, Y học cổ truyền, Khúc xạ nhãn khoa, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng và Điều dưỡng chương trình tiên tiến tại trụ sở Hà Nội thuộc nhóm phải tự đảm bảo chi thường xuyên. Nhóm này có học phí dự kiến từ 41,8 đến 55,2 triệu đồng một năm.

Nhóm còn lại là các đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên, gồm Răng-Hàm-Mặt, Y học dự phòng, Y tế công cộng, Dinh dưỡng, Y khoa và Điều dưỡng tại phân hiệu Thanh Hóa. Học phí nhóm này từ 20,9 đến 27,6 triệu đồng.

Nhà trường cho biết sẽ áp dụng mức tăng học phí cho các năm sau theo quy định tại nghị định 81/2021/NĐ-CP.

Hiện, kỷ lục về học phí Y khoa thuộc về trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (TP HCM) với mức thu 250 triệu đồng một năm ở ngành Răng-Hàm-Mặt. Ở các trường công lập, chương trình Y khoa Việt-Đức của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch thu cao nhất với 209 triệu đồng một năm. Tiếp đến là là chương trình Răng-Hàm-Mặt của Đại học Y Dược TP HCM với 77 triệu đồng một năm.

Phương Thảo - TH