Có nên loại bỏ những phương thức xét tuyển đại học ít thí sinh đăng ký?

Đinh Thảo
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nêu vấn đề, một số phương thức xét tuyển chưa hiệu quả, số thí sinh nhập học rất ít so với chỉ tiêu. Vậy có nên loại bỏ các phương thức này?
z4154323822699-a6a62cf7df82bc71fd1d58104e8d7fcb-1677895079.jpg
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn trả lời những vấn đề do các đại biểu đặt ra tại Hội nghị (Ảnh: N.M)

Tại Hội nghị tuyển sinh năm 2023 do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 3/3, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) đưa ra thực trạng, một số cơ sở đào tạo có quá nhiều phương thức xét tuyển.

Trong đó, có những phương thức chưa hiệu quả như xét tuyển qua phỏng vấn, kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với phỏng vấn, chỉ sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển,…

Điều này gây nhiễu thông tin, nhiều phương thức xét tuyển không có hoặc có rất ít thí sinh đăng ký, chưa đảm bảo công bằng giữa các phương thức.

z4154323826132-cf4f15227d922193d2967daa0173fbbf-1677895079.jpg
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy thông tin tại Hội nghị (Ảnh: N.M)

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, các cơ sở đào tạo cần phân tích, thống kê kết quả các phương thức xét tuyển, đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo từng phương thức xét tuyển, loại bỏ phương thức không hiệu quả, có phương án xét tuyển đảm bảo sự công bằng giữa các phương thức xét tuyển.

z4154341620235-1132e1e889bc5e6b8dcb63ebf2ccff61-1677895389.jpg
Những phương thức xét tuyển không hiệu quả (Ảnh chụp màn hình)

Phát biểu tại Hội nghị về vấn đề này, TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng, câu hỏi có nên loại bỏ các phương thức tuyển sinh trên hay không cần được xem xét một cách toàn diện, kỹ lưỡng. Bởi vì mỗi phương thức xét tuyển thể hiện sự đặc thù và thông điệp của cơ sở đào tạo.

Ông Chính ví dụ, Đại học Quốc gia TPHCM có một phương thức xét tuyển đặc biệt là tuyển thẳng một học sinh giỏi nhất của trường THPT, được nhà trường đó giới thiệu.

"Nếu xét về số lượng thì năm vừa qua, với phương thức này, chúng tôi đã xét tuyển không hiệu quả do có rất ít thí sinh đạt tiêu chí để được tuyển thẳng. Tuy nhiên, đó lại là thông điệp mà nhà trường đưa ra thể hiện rằng chúng tôi mong muốn thu hút nhân tài.

Tương tự, mỗi trường có những phương thức xét tuyển khác nhau như sử dụng điểm IELTS kết hợp với kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển qua phỏng vấn, có những trường xét tuyển kết hợp từ kết quả thi tốt nghiệp THPT, đánh giá năng lực, thi văn hóa và thể thao của các em.

Những phương thức đó thể hiện định hướng của nhà trường, giúp thu hút một số sinh viên phù hợp. Nếu chúng ta chỉ dựa vào việc có ít thí sinh xét tuyển bằng những phương thức ấy mà đánh giá là không hiệu quả thì chưa hoàn toàn chính xác. Chúng ta cũng không nên yêu cầu loại bỏ một số phương thức xét tuyển là đặc thù của mỗi cơ sở đào tạo, thể hiện sự tự chủ của họ", ông Chính chia sẻ.

z4154323830871-92d1fb1e36f3069df6d614ef25cc0aff-1677895080.jpg
TS Nguyễn Quốc Chính tham luận tại Hội nghị (Ảnh: N.M)

Đối với hai phương thức xét tuyển phổ biến nhất là bằng kết quả học tập bậc THPT và kết quả thi tốt nghiệp THPT, TS Nguyễn Quốc Chính cho rằng, Bộ GD&ĐT cần đưa ra những số liệu và các phương tiện giúp các trường có cơ sở đánh giá độ tin cậy, chính xác của các phương thức này.

"Quan trọng nhất là công cụ giúp chúng ta đánh giá được năng lực học sinh. Nên chăng, chúng ta cần phân tích sự tương quan giữa phổ điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ, từ đó giúp các trường có cơ sở để đánh giá thí sinh, chất lượng giảng dạy THPT được quản lý, nâng cao chất lượng đầu vào", ông Chính nói.

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ có đầy đủ dữ liệu các trường và có thể cung cấp thông tin để đánh giá về các phương thức tuyển sinh, cho thấy sự khác nhau giữa các phương thức.

Tuy nhiên, chắc chắn các trường cũng phải có đủ cơ sở dữ liệu của thí sinh xét tuyển vào trường mình, xác định và phân tích sự tương quan giữa các phương thức khác nhau, giữa điểm đầu vào với kết quả học tập của sinh viên khi vào trường. Nếu không phân tích thì không có căn cứ để đưa ra chỉ tiêu cho mỗi phương thức khác nhau.

"Bộ hoàn toàn có đầy đủ dữ liệu để cung cấp, nhưng đây cũng là trách nhiệm của các trường. Khi nhận thí sinh vào thì nhà trường phải có đầy đủ dữ liệu, không chỉ là đầu vào mà quan trọng là trong quá trình học tập. Liệu thí sinh vào trường bằng phương thức này so với phương thức khác thì kết quả trong quá trình học tập có tương quan, tương đồng nhau hay không", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nêu ra vấn đề.