Cơ hội cho các doanh nghiệp chế biến chế tạo nước ngoài:
Ngành công nghiệp chế biến chế tạo được ví như là xương sống của nền kinh tế, là động lực dẫn dắt tăng trưởng toàn nền công nghiệp, vì thế phát triển lĩnh vực công nghiệp là một trong những mục tiêu quan trọng của nước ta. Việt Nam có những thế mạnh lớn trong phát triển cũng như lợi thế cạnh tranh trong ngành công nghiệp nói chung và trong lĩnh vực chế biến chế tạo nói riêng, hội tụ đủ “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”: Theo số liệu của Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý IV năm 2022 là 52,1 triệu người, lực lượng lao động đã qua đào tạo từ trình độ “Sơ cấp” trở lên 9 tháng năm 2022 ước tính là 13,5 triệu người, chiếm 26,2%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong khi phí nhân công lao động tại Việt Nam hiện nay vẫn thấp hơn so với nước ngoài với tổng chi phí nhân công trung bình là 108.196 USD mỗi tháng.
Việt Nam nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương - khu vực phát triển năng động, có vai trò ngày càng quan trọng đối với phát triển kinh tế thế giới. Trong khu vực, có nhiều nền kinh tế lớn, có tiềm lực tài chính, khoa học – công nghệ mạnh, phát triển năng động như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, có những thị trường lớn, các nguồn vốn đầu tư lớn, trong đó vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo đang là một trong những xu hướng của đầu tư kinh tế thế giới. Là một nước nằm trong khu vực phát triển năng động nay, thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, cũng tạo ra những cơ hội phát triển cho Việt Nam trên lĩnh vực công nghiệp này.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng như sự bùng phát lây lan toàn cầu của đại dịch Covid-19 đã khiến cho Việt Nam trong thời gian trở lại đây càng được thế giới nhìn nhận là một trong những thị trường công nghiệp chế biến chế tạo đầy tiềm năng. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài có xu hướng dịch chuyển nhà máy về Việt Nam, trong đó có các tập đoàn lớn như Apple, Samsung… Bên cạnh đó, với mục tiêu phục hồi kinh tế sau đại dịch cũng như nắm bắt xu hướng chuyển dịch của thế giới, Chính phủ Việt Nam đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp góp phần tạo dựng sự tin tưởng và thu hút doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư tại Việt Nam theo đường lối của Đại hội Đảng lần thứ XIII: “"Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao… Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học và công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu."
TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - nhận định, Việt Nam đang trong giai đoạn lịch sử, đứng trước cánh cửa của những cơ hội lớn. Và có thể nói rằng, đây cũng là giai đoạn quan trọng cho các doanh nghiệp nước ngoài làm bàn đạp tiến vào thị trường Việt Nam.
Thách thức của các doanh nghiệp Việt Nam?
Không thể phủ nhận rằng ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam phát triển ngày một nhanh, nhưng sự có mặt tại thị trường Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài có đang là thách thức với các doanh nghiệp Việt Nam?
Apple và Samsung là một trong những “ông lớn” hiện đang có những nhà máy chế biến lắp ráp chế tạo trong chuỗi cung ứng được đặt tại Việt Nam. Và đây vẫn là hai brand điện tử chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường tại Việt Nam. Theo ước tính về thị trường smartphone quý 3/2022 được Canalys công bố, Apple xếp thứ 2 với thị phần 18%, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, Samsung tăng từ 21% lên 22%. Những đối thủ nội địa như Bphone hay Vinsmart có thị phần khiêm tốn, thậm chí Vinsmart đã tuyên bố dừng nghiên cứu sản xuất smartphone chỉ trong vòng gần ba năm bởi không còn tạo ra được giá trị cũng như tính đột phá để thu hút khách hàng.
Bên cạnh điện thoại, những sản phẩm khác của ngành công nghiệp chế biến chế tạo bao gồm máy móc cơ khí, phụ kiện công nghiệp, linh kiện điện tử… cũng chịu sự cạnh tranh vô cùng gay gắt. Ông Le Qi - Tổng giám đốc Công ty TNHH Haitian Precision Machinery Việt Nam chuyên sản xuất các máy móc công nghiệp - chia sẻ: “Những sản phẩm của công ty chúng tôi cạnh tranh phần lớn với các đối thủ đến từ Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Trung Quốc đại lục. Còn sản phẩm đến từ các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa đủ chất lượng để cạnh tranh.”
Bên cạnh việc cạnh tranh về thị trường, các doanh nghiệp chế biến chế tạo Việt Nam cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu. Theo báo cáo của Bộ Công thương, trong tháng 4/2022, có gần 89% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam là nhóm hàng cần nhập khẩu (nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) với kim ngạch đạt 106,6 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ. Nền công nghiệp Việt Nam nói chung chịu sự ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là khi Trung Quốc triển khai chính sách “Zero Covid”. Trong giai đoạn khó khăn nhất, khi tuyến đường bộ không được thông quan, nhiều doanh nghiệp phải chuyển qua thuê máy bay để kịp thời cung cấp nguyên vật liệu, và hệ quả là chi phí doanh nghiệp tăng lên, trong khi vẫn chất lượng chưa được cải tiến, dẫn tới mất dần ưu thế cạnh tranh trên thị trường vào tay các doanh nghiệp nước ngoài.
Vì những lẽ trên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đã và đang miệt mài tìm kiếm, sáng tạo, học hỏi những kỹ thuật mới để cho ra đời những sản phẩm ưu việt nhất về cả chất lượng cũng như giá thành để phục vụ khách hàng, trong đó có không ít những doanh nghiệp đã thành công, gây tiếng vang không chỉ ở trong nước mà còn cả quốc tế. “Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài tiến vào Việt Nam do chương trình hội nhập, đây là cơ hội cũng như là thách thức đối với Nam Sơn. Tuy nhiên Nam Sơn không bị ảnh hưởng nhiều vì có đội ngũ kỹ thuật chuyên nghiệp với 20 năm kinh nghiệm và chính sách hỗ trợ trực tiếp khách hàng”, theo ông Dương Văn Huệ, Sales Supervisor của doanh nghiệp Nam Sơn chia sẻ - doanh nghiệp đầu tiên đưa các sản phẩm về máy khắc laser thuần “Made in Vietnam” ra mắt thị trường khó tính như Nhật Bản, Trung Quốc...
Vấn đề về nguyên vật liệu đầu vào cũng đã và đang được các doanh nghiệp và Nhà nước chú ý quan tâm. Một số doanh nghiệp đang tập trung đầu tư vào việc nghiên cứu phát triển nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất, nâng cao tính chủ động nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.Về phía Bộ Công thương sẽ hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp kết nối với nhà cung cấp nước ngoài khi được yêu cầu.
Chưa bao giờ doanh nghiệp chế biến chế tạo nước ngoài đứng trước những thuận lợi như thế để tiến vào mở rộng tại thị trường Việt Nam. Đây không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức đối với những doanh nghiệp Việt Nam để cạnh tranh phát triển. Các doanh nghiệp cần có những hướng đi đúng đắn, phù hợp với nhu cầu thị trường cũng như thời đại mới để từ đó đưa sản phẩm của Việt Nam ngày một có vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế.