Theo đó, qua 2 năm không tăng lương tối thiểu vùng thì đời sống, thu nhập của một bộ phận người lao động đang rất khó khăn, Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất và đã tiến hành thảo luận, thương lượng để tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động ở doanh nghiệp.
Sau một buổi sáng thảo luận với nhiều ý kiến và phương án khác nhau, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã quyết định chọn 1 phương án thống nhất tăng 6% từ 1/7/2022 để bỏ phiếu.
Kết quả, 15/17 thành viên đồng ý tăng lương tối thiểu vùng ngay từ 1/7/2022 đến 31/12/2023 và 2/17 thành viên đồng ý tăng từ 1/1/2023.
Vùng 1 tăng 260.000 đồng, từ mức 4,42 triệu đồng lên 4,68 triệu đồng đồng.
Vùng 2 tăng 240.000 đồng, từ 3,92 triệu đồng lên 4,160 triệu đồng.
Vùng 3 tăng 240.000 đồng từ 3,42 triệu đồng lên 3,63 triệu đồng.
Vùng 4, tăng 180.000 đồng từ 3,07 triệu đồng lên 3,250 triệu đồng.
Trước đó, mức tiền lương tối thiểu vùng gần nhất là từ ngày 1/1/2020 với vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu; vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng.
Trao đổi với báo chí ngay sau cuộc họp sáng 12/4, ông Hoàng Quang Phòng, phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho hay cộng đồng doanh nghiệp đang rất khó khăn, bắt đầu mới phục hồi như người ốm rất lo ốm lại nên cần điều chỉnh phù hợp.
Tuy vậy, ông Phòng cho biết kỳ vọng chung của cộng đồng doanh nghiệp là mức điều chỉnh tiền lương nên tăng từ 1/1/2023, còn điều chỉnh ngay từ 1/7/2022 thì khó khăn. Khi đó, doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh lại phương án sản xuất kinh doanh, các chỉ số tăng trưởng…