Độ tương đương đề thi phải rất cao
Theo dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025, phương thức tổ chức thi và lộ trình thực hiện giai đoạn 2025-2030 là giữ ổn định thi trên giấy đồng thời từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện.
Giai đoạn sau 2030, phấn đấu khi tất cả các địa phương trên toàn quốc đủ điều kiện tổ chức thi trên máy tính, sẽ chuyển sang tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Nguyên Phó Giám đốc, ĐH Quốc gia TP.HCM thông tin, học sinh lớp 10 năm học 2022-2023 học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, sẽ thi tốt nghiệp THPT vào năm 2025.
Với dự thảo "Phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025", Bộ GD- ĐT khẳng định, kỳ thi tốt nghiệp THPT tiếp tục được tổ chức theo luật định và kiên trì với mục tiêu kỳ thi đặt ra từ 10 năm trước đây.
Mục tiêu bao gồm đánh giá kết quả dạy và học của chương trình giáo dục phổ thông; lấy kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT; cung cấp dữ liệu tin cậy để xét tuyển đại học, cao đẳng.
Về cơ bản, kỳ thi tốt nghiệp từ 2025 vẫn ổn định trên nguyên tắc kỳ thi quy mô quốc gia với ngày thi thống nhất, đề thi chung cho cả nước. Việc tổ chức thi, coi thi, chấm thi do các địa phương thực hiện như các kỳ thi tốt nghiệp trước 2025.
Có một số điều chỉnh thay đổi trong dự thảo này - các môn thi bắt buộc và tự chọn, dự kiến thi trên máy tính từ 2030, đối với các môn trắc nghiệm. Thi tốt nghiệp trên máy tính, trừ môn Văn, từ 2030.
Việc tổ chức thi trên máy tính hay trên giấy hoàn toàn mang tính kỹ thuật. Nếu có sự chuẩn bị kỹ về trang thiết bị, đường truyền, các phần mềm chuyên môn... việc thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm quy mô khoảng 1 triệu thí sinh thi cùng thời điểm trên cả nước có thể thực hiện.
Chuyên gia cho rằng, các kỳ thi đánh giá năng lực và đánh giá tư duy đã áp dụng mô hình này, chúng ta có thể rút ra điểm hay/dở của mô hình để áp dụng rộng rãi hơn.
Cụ thể, mô hình thí điểm - kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, thi trên máy tính từ nhiều năm nay, quy mô lên đến 15.000 thí sinh tại một số địa phương tại cùng một thời điểm.
Những khó khăn mang tính kỹ thuật, ví dụ, vừa tổ chức thi tự luận trên giấy môn Văn, vừa tổ chức thi trắc nghiệm trên máy tính các môn còn lại, đòi hỏi huy động cơ sở vật chất nhiều hơn, có phương án xử lý các sự cố kỹ thuật về điện, đường truyền, hỏng hóc máy tính, thay đổi quy định thi và coi thi...
Nếu tổ chức thi trên máy tính nhiều đợt ở các địa phương khác nhau, thời điểm khác nhau, đòi hỏi độ tương đương đề thi phải rất cao là khó khăn không nhỏ cho việc xây dựng ngân hàng đề thi các môn trắc nghiệm, nhất là những môn mới đưa vào thi như Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ, Tin học.
Chuẩn bị kỹ lưỡng về kỹ thuật, có giải pháp chặn gian lận thi cử
Như vậy, ngoài chuẩn bị ngân hàng đề để thi tốt nghiệp THPT trên máy tính, khâu chuẩn bị về kỹ thuật cũng vô cùng quan trọng. Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, nói với VietNamNet, Bộ GD-ĐT phải chuẩn bị kỹ lưỡng và dự trù các phương án xảy ra như đường truyền internet, việc hỏng hóc thiết bị, đang thi phần mềm bị lỗi.
Đặc biệt, ông Tùng nhấn mạnh việc tính toán giải pháp đặc biệt là gian lận thi cử vì thi trên máy tính phải kết nối mạng (kết nối, chuyển đề thi ra ngoài…).
Ông Tùng cũng chia sẻ Trường ĐH FPT đã cho sinh viên thi ngay trên chính máy tính của mình. Tất nhiên, nhà trường có các biện pháp kỹ thuật như sẽ kiểm tra được sinh viên đang làm gì trên máy tính, từ đó hạn chế thấp nhất việc gian lận thi cử.
Ông cũng đề xuất, cần thí điểm ở những nơi có đủ điều kiện sớm, không nhất thiết chờ đến năm sau 2025. Trên cơ sở, Bộ GD-ĐT thí điểm, rút kinh nghiệm và triển khai, mở rộng dần ở những địa phương đủ điều kiện thực hiện. Đồng thời cũng phải tính đến trường hợp là các địa phương khó khăn, đến năm 2030 vẫn chưa triển khai được để thi trên máy tính đồng bộ.
Trước những lo lắng về thi tốt nghiệp THPT trên máy tính, PGS.TS Huỳnh Văn Chương (Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT), thông tin thêm, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả từng bước tổ chức kỳ thi trên máy tính phù hợp với xu hướng quốc tế và việc đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia hiện nay, trong đó có ngành giáo dục. Đây là vấn đề Bộ đã bàn thảo rất nhiều, xin ý kiến các chuyên gia và được xây dựng theo lộ trình phù hợp, chắc chắn.
Các năm 2025, 2026, 2027, kỳ thi vẫn tiếp tục được tổ chức trên giấy; song song với đó, Bộ sẽ thử nghiệm diện hẹp thi trên máy tính tại một số địa phương đủ điều kiện. Sau khi thử nghiệm đồng bộ, có đánh giá tác động, các điều kiện đều đáp ứng cho mỗi địa phương, Bộ mới tính toán triển khai đồng loạt.
Vì vậy, nhà trường và học sinh yên tâm học và ôn tập để tham gia các kỳ thi đạt kết quả cao nhất, mọi chủ trương đều có các bước đi chắc chắn, không gây xáo trộn.