Thi tốt nghiệp THPT 2025: Dự kiến Lịch sử sẽ là môn thi bắt buộc

Đinh Thảo
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 để lấy ý kiến xã hội. Trong đó, Lịch sử sẽ trở thành môn thi bắt buộc. Nhiều ý kiến cho rằng, phương án này là phù hợp, tuy nhiên phải tính toán kỹ để tạo thuận lợi, tránh gây áp lực cho học sinh.
mon-lich-su-1679385595.jpg
Khi Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc (Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ)

Theo dự thảo, phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được xây dựng trên các nguyên tắc kế thừa, phát huy kết quả tổ chức kỳ thi THPT quốc gia giai đoạn 2015 - 2019 và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, 2021, 2022; chủ động tiếp nhận và ứng dụng những thành tựu và kinh nghiệm tốt của quốc tế trong đổi mới công tác thi tốt nghiệp THPT.

Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên triển khai chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 cấp THPT. Theo chương trình, học sinh lớp 10 đang học 4 môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử (đối với GDPT); Ngữ văn, Toán, Lịch sử (đối với giáo dục thường xuyên) và các môn học lựa chọn gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Thực hiện nguyên tắc bám sát chương trình GDPT 2018, Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ tổ chức thi theo môn. Thí sinh học chương trình THPT dự thi 4 môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn lựa chọn trong số 4 môn đã chọn học.

Thí sinh học chương trình chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT dự thi 3 môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Lịch sử và 2 môn lựa chọn trong số 4 môn đã chọn học.

Như vậy điểm mới của Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đó là không có bài thi tổ hợp (Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội) và dù học chương trình nào (THPT hay giáo dục thường xuyên) thì Lịch sử vẫn là môn thi bắt buộc.

Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực.

Góp ý kiến về Dự thảo trên, nhiều cán bộ quản lý, giáo viên cấp THPT đều đồng tình khi Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc.

Khi có thêm Lịch sử, số môn thi bắt buộc là 4 môn (thay vì 3 môn so với trước đó) cộng 2 môn lựa chọn, tưởng chừng kỳ thi sẽ nặng hơn nhưng thực tế không phải vậy.

Những năm trước đó, học sinh cũng phải thi 6 môn bao gồm: 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và một bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Lý - Hóa - Sinh) hoặc một bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân).

Vậy, việc đưa môn Lịch sử - một môn học thuộc khối Khoa học xã hội trở thành môn thi bắt buộc có tạo áp lực cho học sinh có định hướng thi những khối khoa học tự nhiên như (A00, A01, B00…) không?

Theo các nhà giáo thì hoàn toàn không phải vậy bởi kiến thức thi tốt nghiệp THPT chủ yếu nằm trong chương trình đã học và tất cả học sinh dù thi khối nào cũng đều học lượng kiến thức Lịch sử đại trà như nhau.

Khi Lịch sử là môn thi bắt buộc, vai trò của giáo viên dạy Sử tiếp tục được nhắc đến trong việc đổi mới phương pháp dạy, tránh tình trạng đọc - chép, truyền thụ kiến thức một chiều; hạn chế việc học sinh sợ môn Lịch sử.

Theo yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, giáo viên dạy Sử toàn quốc đã thành lập các mạng lưới để sinh hoạt, trao đổi chuyên môn. Các khu vực cũng có nhóm riêng cùng sẻ chia, giúp nhau cải tiến phương pháp dạy học.

Ngày 17/3/2023, Bộ GD&ĐT công bố rộng rãi Dự thảo Phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 để xin ý kiến góp ý. Thời gian nhận góp ý: 17/3 - 17/5/2023.
Phương Thảo - TH