Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”

Lương Đàm
Trải qua 8 năm tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam (1945-1953), thực dân Pháp bị thiệt hại ngày càng nặng nề. Trước tình thế sa lầy và bị động của Pháp, Mỹ can thiệp sâu vào cuộc chiến tranh Đông Dương, ép Pháp phải kéo dài và mở rộng chiến tranh; đồng thời, tích cực chuẩn bị thay thế Pháp.
chien-thang-dien-bien-phu-mang-tam-voc-thoi-dai-1683028715.jpg
Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu; ảnh tư liệu.

Ngày 07/5/1953, được sự thỏa thuận của Mỹ, chính phủ Pháp cử tướng Navarre làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Chỉ sau một thời gian ngắn, viên tướng này đã cho ra đời một bản kế hoạch quân sự mới có quy mô lớn với hy vọng trong vòng 18 tháng sẽ giành lấy một thắng lợi quyết định để “kết thúc chiến tranh trong danh dự”.

Để phá tan “kế hoạch Navarre” của địch, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi, tháng 9/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đề ra chủ trương mở những cuộc tiến công vào những hướng địch sơ hở, buộc địch phải phân tán lực lượng, tạo thời cơ tiêu diệt sinh lực của chúng, đẩy mạnh hoạt động ở các chiến trường trên cả nước, tiến lên giành thắng lợi quyết định. Phương châm tác chiến là: “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt, đánh chắc, tiến chắc”.

Cuối tháng 11/1953, bộ đội chủ lực của ta tiến lên Tây Bắc. Để bảo vệ Lai Châu và Thượng Lào, thực dân Pháp cho quân chiếm Điện Biên Phủ; nhanh chóng xây dựng nơi đây một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất ở Đông Dương, thách thức và chấp nhận trận quyết chiến chiến lược với ta tại Điện Biên Phủ.

Đầu tháng 12/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ nhằm đánh bại cố gắng quân sự cao nhất và cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Như vậy, cả ta và địch đều chọn Điện Biên Phủ làm trận đánh then chốt để kết thúc chiến tranh.

13 giờ ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đây là chiến dịch lớn nhất của quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Lực lượng bộ đội tham gia chiến dịch đông nhất với trang bị hiện đại nhất lúc đó, tiến hành chiến dịch liên tục, dài ngày, bao gồm những trận đánh quyết liệt với nhiều hình thức khác nhau: công kiên, cường tập, mật tập, bao vây, chia cắt,…

Sau 03 đợt tiến công dũng mãnh của quân ta, đến ngày 07/5/1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của địch hoàn toàn bị tiêu diệt: 16.200 tên, kể cả bộ chỉ huy mặt trận của địch bị tiêu diệt hoặc bị bắt sống; toàn bộ kho tàng, vũ khí và phương tiện chiến tranh của địch bị thu hoặc bị phá hủy, hàng chục máy bay địch bị bắn rơi.

Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng có ý nghĩa lịch sử to lớn; chứng tỏ sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; giáng một đòn mạnh mẽ, quyết định, đập tan hoàn toàn kế hoạch Navarre của địch; chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị của thực dân Pháp trên đất nước ta và các nước trên bán đảo Đông Dương; bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945; mở ra một giai đoạn cách mạng mới: miền Bắc được giải phóng và bước vào thời kỳ tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa; miền Nam tiến hành cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai, thực hiện hòa bình và thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trực tiếp đưa Pháp ngồi vào bàn đàm phán, ký kết Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lại hoà bình ở Việt Nam.

Chiến thắng Điện Biên Phủ mang tầm vóc thời đại sâu sắc, góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ của nhân dân thế giới; giáng một đòn chí mạng vào nền móng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đánh sập thành lũy của chủ nghĩa thực dân cũ ở vị trí xung yếu nhất, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. Đó là chiến thắng chung của các nước trên bán đảo Đông Dương, chiến thắng của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, của phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.

Chiến thắng Điện Biên Phủ của Nhân dân ta đã chứng minh một chân lý của thời đại: Các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược nếu có ý chí kiên cường và đường lối đúng đắn, sáng tạo, biết đoàn kết đấu tranh vì độc lập, tự do thì dân tộc đó nhất định giành được thắng lợi.

Chiến thắng Điện Biên Phủ, khúc khải hoàn ca của Nhân dân ta đã được nhà thơ Tố Hữu phản ánh trong bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” đậm chất sử thi:

Hoan hô chiến sĩ Điện Biên!

Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp!

Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp

Vinh quang Tổ quốc chúng ta

Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa

Vinh quang Hồ Chí Minh, cha của chúng ta ngàn năm sống mãi!

Quyết chiến quyết thắng, cờ đỏ sao vàng vĩ đại

Kháng chiến ba nghìn ngày

Không đêm nào vui bằng đêm nay

Đêm lịch sử Điện Biên sáng rực

Trên đất nước, như Huân chương trên ngực

Dân tộc ta dân tộc anh hùng!

Điện Biên vời vợi nghìn trùng

Mà lòng bốn biển nhịp cùng lòng ta

Đêm nay bè bạn gần xa

Tin về chắc cũng chan hòa vui chung.