Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới: Thực hiện kế sách "giữ nước từ khi nước chưa nguy"

Bài 2: Xây dựng, củng cố tiềm lực quốc phòng trong thời bình

Đinh Thảo
Một trong những giải pháp quan trọng nhất để thực hiện kế sách “giữ nước từ khi nước chưa nguy” là xây dựng và củng cố tiềm lực quốc phòng trong thời bình. Tiềm lực quốc phòng bao gồm nhiều thành tố như tiềm lực chính trị; tiềm lực quân sự; tiềm lực an ninh; tiềm lực kinh tế, văn hóa, xã hội; tiềm lực khoa học-công nghệ...

Tiềm lực quốc phòng là khả năng về nhân lực, vật lực, tài chính, tinh thần ở trong nước và ngoài nước có thể huy động được để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Tiềm lực chính trị là thành tố cơ bản của tiềm lực quốc phòng, chứa đựng trong tố chất con người, truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc và trong hệ thống chính trị; là khả năng tiềm tàng về chính trị có thể huy động nhằm tạo ra sức mạnh để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Xây dựng tiềm lực chính trị quyết định khả năng huy động các yếu tố khác của tiềm lực quốc phòng.

Tiềm lực chính trị biểu hiện ở nhận thức, ý chí, niềm tin, tâm lý, tình cảm, trách nhiệm của nhân dân và lực lượng vũ trang đối với nhiệm vụ quốc phòng của đất nước; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, là kết quả của quá trình xây dựng lâu dài dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự tiếp nối truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc qua hàng nghìn năm lịch sử.

bv-tq-1-1703661886.png
Phi công Trung đoàn 937, Sư đoàn 370 (Quân chủng Phòng không-Không quân) giảng bình sau chuyến bay huấn luyện. Ảnh: CÔNG GIANG

Tiềm lực chính trị được xây dựng trong quá trình xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện chính sách tự do tôn giáo và bình đẳng giữa các dân tộc; thông qua thực hiện dân chủ rộng rãi theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Cùng với xây dựng tiềm lực chính trị, để thực hiện kế sách “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, trong quá trình xây dựng, củng cố tiềm lực quốc phòng thời bình cũng cần phải đặc biệt chú trọng các tiềm lực khác như: Tiềm lực về kinh tế, văn hóa, xã hội; tiềm lực về khoa học-công nghệ; tiềm lực về quân sự...

Tiềm lực về kinh tế, văn hóa, xã hội được xây dựng đồng thời với việc phát triển đất nước giàu mạnh gắn với xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc từ đường lối, chính sách đến biện pháp cụ thể, từ Trung ương đến địa phương. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; điều chỉnh quy hoạch các vùng, miền có tầm quan trọng chiến lược đối với quốc phòng, an ninh. Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Tiềm lực khoa học-công nghệ là thành tố có vai trò ngày càng quan trọng trong tiềm lực quốc phòng, tác động trực tiếp đến sự phát triển của khoa học-công nghệ trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, cơ cấu tổ chức lực lượng vũ trang, công tác chỉ huy và quản lý bộ đội... Những yếu tố cơ bản của tiềm lực khoa học-công nghệ là khả năng và trình độ, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực; cơ sở vật chất phục vụ cho công tác nghiên cứu, phát triển, phổ biến, ứng dụng khoa học-công nghệ.

Tiềm lực quân sự là khả năng về sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân, dân quân tự vệ và khả năng huy động nhân lực, vật lực phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; là bộ phận nòng cốt của tiềm lực quốc phòng, được xây dựng trên nền tảng của tiềm lực chính trị-tinh thần, kinh tế, văn hóa-xã hội, khoa học-công nghệ. Tiềm lực quân sự bao gồm hai yếu tố cơ bản là con người và vũ khí, trang bị, trong đó con người là nhân tố quyết định.

Tiềm lực quân sự thể hiện ở khả năng duy trì, hoàn thiện và không ngừng phát triển sức mạnh chiến đấu, trình độ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang, biểu hiện ở nguồn dự trữ về sức người, sức của phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng, quân sự. Tiềm lực quân sự còn thể hiện ở khả năng động viên công nghiệp, nông nghiệp, khoa học kỹ thuật, giao thông vận tải và các ngành dịch vụ khác phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

10 năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã luôn kiên định, bám sát mục tiêu, nguyên tắc của xây dựng, củng cố tiềm lực quốc phòng trong thời bình để hoạch định đường lối, chính sách, chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Từ phương châm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, "giữ nước từ khi nước chưa nguy" nói chung, chúng ta đã từng bước xây dựng được các thế trận bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, trên các môi trường tác chiến và một số loại hình, lĩnh vực hoạt động xã hội khác.

Thành tích đáng ghi nhận là trong những năm qua chúng ta đã thường xuyên bám sát cơ sở, địa bàn, chủ động đấu tranh với các âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, bất tuân dân sự... của các thế lực thù địch, xử lý đúng đắn mọi tình huống tranh chấp, gây mất ổn định chính trị-xã hội, kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thông qua việc kiên quyết xử lý những vụ vi phạm pháp luật, bảo đảm "không có vùng cấm"; đẩy mạnh đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng, trong đó có đường lối, quan điểm, phương châm về bảo vệ Tổ quốc.

10 năm qua, mặc dù trên thực tế đã xảy ra không ít vướng mắc, bất đồng, nhưng việc giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn giữa nước ta và các quốc gia khác đã giữ vững và tuân thủ có hiệu quả phương châm giữ “trong ấm, ngoài êm”, giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy; giữ vững ổn định chính trị, kinh tế, xã hội, có thái độ kiên trì, nhẫn nại, tránh nóng vội chủ quan; bằng các biện pháp hòa bình, chống dùng vũ lực, hoặc đe dọa dùng vũ lực; trên cơ sở luật pháp quốc tế; tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân trong nước và quốc tế.

Chúng ta đã kiên trì đi từ tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, đối thoại, sử dụng toàn diện các biện pháp kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, an ninh, ngoại giao, pháp lý... (tức là các biện pháp phi bạo lực), đến tạo áp lực trong dư luận quần chúng nhân dân cả trong nước và quốc tế lên án, phản đối; kết hợp đấu tranh pháp lý với đấu tranh trên thực địa để kiên quyết giữ vững chủ quyền, lợi ích quốc gia-dân tộc.

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới vừa qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Tuy nhiên, việc xây dựng, dự trữ tiềm lực quốc phòng trong những năm qua cũng còn bộc lộ một số hạn chế, như: Công tác bám nắm tình hình, nhất là tình hình cơ sở và những diễn biến phức tạp trên một số địa bàn chiến lược, trọng điểm, vùng biên giới, biển, đảo, kể cả không gian mạng có lúc, có nơi, có việc còn chậm, chưa thật chắc chắn, xử lý có việc còn lúng túng, chưa kịp thời, hiệu quả. Kế sách “giữ nước từ khi nước chưa nguy” trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng; bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc trên không gian thực và không gian mạng, không gian vũ trụ; tác chiến chiến lược trong một số loại hình chiến tranh mới là những vấn đề lớn, đặt ra sự cần thiết phải đổi mới việc xây dựng và dự trữ tiềm lực quốc phòng.

(còn nữa)