Nguyễn Văn Huy (SN 1989), trú tại thôn Lương Quán, xã Việt Hùng, Đông Anh, Hà Nội đã quyết tâm chọn nghề làm đinh sắt, tiếp nối truyền thống gia đình để phát triển sự nghiệp và làm giàu trên quê hương. Huy kể, từ khi còn bé, những tiếng búa rèn chát chúa, lẻng xẻng của sắt thép va vào nhau đã trở nên quen thuộc với cậu. Lớn lên, Huy vẫn thấy bố mẹ quanh năm tháng bận rộn với nghề làm sắt. Trước đây, gia đình Huy làm gia công, tạo ra nguyên liệu sắt để cung cấp cho các xưởng sản xuất.
Năm 2003, gia đình Huy mở xưởng sản xuất đinh sắt. Huy nhớ lại, hồi ấy, bố mẹ cậu dốc toàn bộ số tiền dành dụm, tích cóp được đầu tư xây dựng nhà xưởng rộng 150m2, sắm hai chiếc máy dập đinh công nghiệp, mỗi chiếc gần 70 triệu đồng và nhập nguyên liệu đầu vào hết gần 200 triệu đồng tiền vốn. Khó khăn nhất là những ngày đầu tiên mở xưởng, mặc dù gia đình Huy đã có kinh nghiệm trong nghề sắt nhưng sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, giá cả biến động liên tục, yêu cầu cao của khách hàng nên người sản xuất phải rất cẩn thận trong từng khâu, từng công đoạn.
“Làm ra một cây đinh từ cỡ nhỏ đến cỡ lớn không hề dễ dàng, nguyên liệu đầu vào cũng phải chọn lựa kỹ lưỡng, phải chọn sắt không được cứng quá hoặc mềm quá, định phải đẹp mà giá cả phải chăng thì mới có chỗ đứng trên thị trường”, Huy chia sẻ.
“Gia đình mình đã có sự phân công công việc rất rõ ràng. Bố lo quán xuyến quá trình sản xuất, mẹ lo thị trường, còn mình thì lo các công đoạn kỹ thuật, sửa máy móc, giao nhận hàng”, Huy cho biết. Lúc ấy, tuy còn nhỏ tuổi nhưng tay nghề của chàng trai đã rất “cứng”, Huy trở thành thợ sửa chữa máy móc, làm đinh rất chuyên nghiệp.
Công việc quen thuộc như “ngấm vào máu” khiến Huy đam mê lĩnh vực cơ khí lúc nào không hay. Học hết cấp 3, cậu “đầu quân” vào trường Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Cùng với kiến thức học trong nhà trường và việc làm thực tế, đến khi tốt nghiệp đại học, chàng trai được bố mẹ giao cho quản lý xưởng sản xuất mà không còn phải lo lắng gì.
Năm 2011, lấy xong bằng đại học, Huy chuyên tâm hơn với công việc ở xưởng sản xuất đỉnh. Dẫu biết rằng nghề làm sắt rất vất vả, từ môi trường làm việc, bụi bặm độc hại, có lúc phải bốc vác hàng tấn định... Chỉ nghe đến tên nghề thôi cũng thấy nhọc nhằn nhưng Huy không bỏ nghề. Bởi nó không chỉ là nghề gia truyền mà còn đem lại thu nhập ổn định cho gia đình cậu và những người làm công tại xưởng.
Ban đầu gia đình Huy chỉ bán buôn cho một số đại lý trong huyện. Sau thời gian nỗ lực phát triển, xưởng sản xuất định của Huy đã ổn định thị trường trong thành phố Hà Nội và tiếp tục mở rộng ra ngoại tỉnh như Bắc Giang, Thái Nguyên... Với 5 máy dập đinh, mỗi ngày xưởng sản xuất cho ra lò gần 1,5 tấn, định tương ứng với hơn 20 triệu đồng, mỗi năm bình quân hơn 500 tấn đinh, mang lại doanh thu hơn 1 tỷ đồng. Xưởng sản xuất của gia đình Huy còn tạo công ăn việc làm cho một số người lao động của địa phương với thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng /tháng.
Làm kinh tế giỏi, Nguyễn Văn Huy còn tham gia hoạt động Đoàn, Hội rất sôi nổi. Cậu là bí thư chi đoàn thôn Lương Quán, xã Việt Hùng (Đông Anh, Hà Nội). Anh Nguyễn Đức Bình, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Việt Hùng nhận xét: “Huy là nhân tố mới làm kinh tế giỏi của xã và là một “thủ lĩnh” Đoàn năng động, nhiều năng khiếu. Trong dịp tổng kết công tác tình nguyện hè và phong trào thanh thiếu niên của xã, Huy được biểu dương, khen thưởng với nhiều thành tích: Phụ trách thiếu nhi tiêu biểu, thanh niên tiêu biểu trong hoạt động hè của huyện Đông Anh; Chi hội trưởng xuất sắc chi hội HLHTN Việt Nam thôn Lương Quán (Việt Hùng, Đông Anh)”.