Cẩn trọng với hình thức làm thêm tại nhà

Nhu cầu tìm kiếm công việc làm thêm tại nhà không phải mới xuất hiện bởi đây là nhu cầu chính đáng của nhiều người muốn có thêm thu nhập ngoài thời gian đi học hoặc làm công việc chính.

Tuy nhiên, lợi dụng lòng tin và đánh vào tâm lý “kiếm thêm thu nhập mà không cần phải ra ngoài”, các chiêu thức và đường dây lừa đảo hết sức tinh vi xuất hiện bằng những lời chào mời “có cánh”.

can-trong-voi-hinh-thuc-lam-them-tai-nha-1663378216.jpeg
Các trang web chào mời làm thêm tại nhà xuất hiện nhiều trên mạng internet. 

Chị Nguyễn Hoàng Trang (27 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) cho biết: “Thông qua mạng xã hội Facebook, tôi biết đến công việc tuyển cộng tác viên (CTV) tại nhà cho Shopee từ trang “Việc làm online 4.0”. Khi nhắn tin hỏi nội dung công việc, tôi được người tuyển dụng nói đây là công việc trả lương theo ngày, làm trên điện thoại, chỉ cần trên 23 tuổi, có tài khoản ngân hàng, liên hệ ngay với Zalo ID zalo.me/84935xxx để được hướng dẫn trở thành CTV và thực hiện nhiệm vụ. Khi liên hệ vào Zalo ID trên, tôi được một đối tượng giới thiệu là nhân viên của bộ phận chăm sóc khách hàng cho công việc của Shopee Mall, gửi chứng minh thư, thẻ nhân viên Shopee nhưng tất cả thông tin đều là giả mạo để tạo ra uy tín”.

Tiếp theo, đối tượng lừa đảo yêu cầu CTV thực hiện các bước: Xác thực đơn hàng bằng cách chụp lại màn hình sản phẩm và chuyển tiền vào tài khoản của công ty. Ở những nhiệm vụ đầu tiên, đối tượng sẽ dụ dỗ CTV bằng những đơn hàng có trị giá nhỏ, khoảng vài trăm nghìn đồng. Sau khi CTV giao dịch thành công, đối tượng nhanh chóng chuyển lại tiền sản phẩm gốc và 10% hoa hồng cho CTV, tạo niềm tin đúng như sự hứa hẹn. Tuy nhiên, “phía dưới hoa hồng là những chiếc gai”, nhận thấy chị Trang “cắn câu”, đối tượng lừa đảo bắt đầu “xuất chiêu” đánh vào lòng tham của con người bằng cách ở những đơn hàng tiếp theo, mức tiền bỏ ra để giao dịch sẽ từ vài triệu cho đến vài chục triệu đồng, tương ứng với đó tiền hoa hồng tăng lên từ 20 đến 25%. “Tưởng làm theo cách cũ là sẽ được hoàn trả gốc và lãi ngay, nhưng không, kẻ lừa đảo đổ lỗi cho tôi không đọc kĩ nhiệm vụ của đơn hàng, ghi sai nội dung nhiệm vụ trong chuyển khoản và yêu cầu tôi phải thực hiện giao dịch đó liên tiếp 2 đến 3 lần mới được hoàn trả. Tuy nhiên, nếu giao dịch đúng, chúng sẽ lại có lý do là thực hiện quá thời gian cho phép nên hệ thống bị đóng băng hoặc đang bảo trì, không rút được tiền và chặn luôn liên hệ với tôi”, chị Nguyễn Hoàng Trang kể lại.

Trao đổi với phóng viên, TS, luật sư Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Công ty Luật Gattaca cho biết, thủ đoạn lừa đảo thông qua tuyển dụng việc làm qua mạng xã hội, tin nhắn không phải là mới nhưng gần đây “nở rộ” thêm nhiều hình thức và ngày càng phổ biến, trắng trợn hơn. Nạn nhân của thủ đoạn này thường là những người có thu nhập thấp muốn được cải thiện thu nhập nên đã nhận làm CTV, nhân viên làm ngoài giờ để được hưởng phần trăm doanh số bán hàng, nhưng sau đó lại bị đối tượng lừa đảo lừa chuyển những khoản tiền lớn rồi chiếm đoạt và cắt đứt liên lạc. Do sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản nên dấu hiệu phạm tội lừa đảo của các đối tượng nêu trên khá rõ ràng, cơ quan điều tra hoàn toàn có thể thực hiện các nghiệp vụ điều tra để truy quét các đối tượng này. Tuy nhiên, do thủ đoạn này được thực hiện một cách tinh vi qua mạng xã hội (che giấu danh tính), hoặc tin nhắn điện thoại (sim rác), các nội dung chuyển tiền lại là giao dịch thanh toán tiền hàng thông thường và sau khi nhận được đối tượng thường tìm cách rút tiền ngay nên việc điều tra của cơ quan công an sẽ khó khăn, mất nhiều thời gian. “Để hạn chế và triệt tiêu thủ đoạn lừa đảo này, bên cạnh việc cơ quan công an cần tăng cường điều tra, xử lý dứt điểm, thì vai trò của các nhà mạng trong việc loại bỏ tin nhắn rác cũng rất quan trọng. Hơn hết, mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, bởi thực tế không có thứ “việc nhẹ lương cao” nào mà không phải trả giá đắt”, TS, luật sư Nguyễn Thành Nam nhấn mạnh.