Nhiều trường hợp sập bẫy lừa đảo 'việc nhẹ lương cao' tại Campuchia

Các đối tượng đã dùng thủ đoạn mời chào quảng cáo về công việc nhẹ nhàng, lương cao tại Campuchia. Nhưng khi sang đến nơi, các nạn nhân mới biết công việc, đãi ngộ không như quảng cáo mà còn bị giám sát chặt chẽ, bóc lột sức lao động, bị cưỡng bức làm việc. Thậm chí, có người bị tra tấn, đánh đập rất tàn bạo...

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận những trường hợp sập bẫy lừa đảo "việc nhẹ lương cao" tại Campuchia. Người lao động phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt, thậm chí bị hành hạ về tinh thần lẫn thể chất. Một số trường hợp đã cầu cứu người thân và phải bỏ một khoản tiền lớn để "chuộc" về nước. Về đến quê nhà, các nạn nhân vẫn bị ám ảnh sau những ngày làm việc tại "thiên đường" này.

Sập bẫy "việc nhẹ lương cao"

nhieu-truong-hop-sap-bay-lua-dao-viec-nhe-luong-cao-tai-campuchia-1658579900.jpg
Nạn nhân P.H.N (sinh năm 2005, trú xã Ea Tar, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) kể về thời điểm bị các đối tượng chích điện khi không hoàn thành chỉ tiêu công việc bị giao. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Hơn một tháng sau khi được giải cứu khỏi Campuchia, trên tay của em P.H.N (sinh năm 2005, trú thôn 4, xã Ea Tar, huyện Cư M’gar) vẫn còn những vết sẹo cháy xém do bị chích điện khi không hoàn thành chỉ tiêu lao động. Cùng với nỗi đau thể xác là nỗi ám ảnh tinh thần về những ngày lao động tại "xứ người".

Theo lời kể của em P.H.N, vào đầu tháng 6/2022, ngay sau khi lên mạng xã hội tìm thông tin việc làm, đã có một tài khoản facebook nhắn tin đến giới thiệu việc làm tại Campuchia cùng những lời dụ dỗ hấp dẫn như "làm việc trên máy tính, ở văn phòng, cùng các chế độ tiền lương, phúc lợi hấp dẫn". Đến ngày 2/6, theo hướng dẫn, em P.H.N bắt xe vào Đồng Nai và được các đối tượng đưa xuống tỉnh Long An để xuất cảnh trái phép sang Campuchia. Ở đây, em làm việc trong một công ty tại tỉnh Preah Sihanuok.

Công việc của em P.H.N là lập các tài khoản zalo, facebook giả danh nữ, sau đó tìm kiếm, kết bạn, làm quen với các đối tượng là người Việt Nam ở nước ngoài, dụ dỗ tham gia các trò chơi có nạp tiền trên mạng nhằm lửa đảo chiếm đoạt tiền. Do không đạt yêu cầu lao động của chủ đặt ra nên em P.H.N đã bị nhốt, bỏ đói, đánh đập, chích điện tại công ty làm việc. Sau đó, các đối tượng buộc em P.H.N liên hệ với người thân tại quê nhà, phải chuyển 100 triệu đồng cho công ty để được về Việt Nam. Sau khi chuyển đủ số tiền 100 triệu đồng, các đối tượng lừa đảo đã bán em P.H.N cho một công ty khác. Do đó, người nhà em đã phải chuộc lần 2 với số tiền hơn 60 triệu đồng. Đến ngày 14/6, em P.H.N, được thả và trở về Việt Nam.

Em P.H.N chia sẻ: Vì nhẹ dạ, cả tin và trong hoàn cảnh đang tìm kiếm việc làm nên em đã sập bẫy các đối tượng lừa đảo. Khi đến Campuchia, em bị ép làm việc phạm pháp, bị đánh đập nên luôn tìm cách về Việt Nam. Vì vậy, những bạn trẻ khi tìm kiếm việc làm cần cẩn thận, cảnh giác các thủ đoạn lừa đảo để trách hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Tương tự, anh B.T.T (sinh năm 1993, trú tại buôn Mlăng, xã Ea Tar, huyện Cư M’gar) cũng rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo tuyển dụng lao động làm việc ở Campuchia.

Vào tháng 4/2022, sau khi anh B.T.T tìm kiếm thông tin việc làm trên mạng xã hội ở các tài khoản "Việc làm Campuchia" thì có một tài khoản facebook tiếp cận, nói chuyện, rủ rê đi làm việc ở công ty máy tính tại Campuchia với mức lương khởi điểm là 800 USD/tháng, mọi chi phí đi lại và sinh hoạt đều được công ty chi trả. Để củng cổ niềm tin về chế độ đãi ngộ của công ty, đối tượng lừa đảo đã chuyển trước cho anh B.T.T 2.000.000 đồng chi phí đi lại.

Ngày 15/5/2022, anh B.T.T được một đối tượng sử dụng xe mô tô đến đón (gần khu vực cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh) rồi chở qua biên giới Campuchia bằng đường tiểu ngạch. Ngày 17/5/2022, anh B.T.T được đưa đến tỉnh Preah Sihanuok, vào làm việc tại một công ty liên quan đến trang cá cược bóng đá BET365 với chỉ tiêu phải kiếm được 1.000 USD/tháng. Theo đó, anh B.T.T buộc phải lập các tài khoản facebook giả danh là nữ, tìm kiếm những người Việt Nam đang lao động tại Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… để dụ dỗ tham gia các trò chơi, hoạt động có nạp tiền và công ty sẽ chiếm đoạt số tiền đó.

Đến ngày 20/6/2022, khi kết thúc tháng, do không đạt chỉ tiêu nên anh B.T.T không được nhận lương như thỏa thuận. Sau đó, anh B.T.T đề nghị cho về Việt Nam thì được yêu cầu phải đóng 75 triệu đồng. Anh B.T.T đã liên hệ gia đình để chuyển tiền cho công ty và được trả về Việt Nam.

Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo

nhieu-truong-hop-sap-bay-lua-dao-viec-nhe-luong-cao-tai-campuchia-01-1658579900.jpg
Lực lượng công an xã Ea Tar (Cư M’gar, Đắk Lắk) thăm hỏi, động viên nạn nhân sau khi trở về địa phương. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Theo Công an huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, ngoài hai trường hợp trên đã được gia đình đưa về địa phương. Hiện cũng ghi nhận một trường hợp trú tại xã Cư Suê, huyện Cư M’gar "sập bẫy" lừa đảo với thủ đoạn tương tự. Trường hợp này đã liên hệ về gia đình để cầu cứu với yêu cầu chuyển 3.500 USD (khoảng 80 triệu đồng) đền bù hợp đồng cho công ty để được về Việt Nam. Các cơ quan chức năng đang phối hợp hỗ trợ gia đình nạn nhân "giải cứu" người lao động về nước.

Công an huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, cho biết thêm, qua khai thác thông tin từ những nạn nhân có thể xác định, các đối tượng đã dùng thủ đoạn mời chào quảng cáo về công việc nhẹ nhàng, lương cao tại Campuchia. Nhưng khi sang đến nơi, các nạn nhân mới biết công việc, đãi ngộ không như quảng cáo mà còn bị giám sát chặt chẽ, bóc lột sức lao động, bị cưỡng bức làm việc (từ 15-16 tiếng/ngày). Thậm chí, có người bị tra tấn, đánh đập rất tàn bạo. Những người từ chối làm việc, muốn quay trở về Việt Nam bị bắt ký khống giấy nợ và yêu cầu bồi thường hàng ngàn đô la (1.000 - 8.000 USD/người) mới được thả hoặc bị bán cho công ty khác.

Tình hình lừa đảo đưa người sang Campuchia làm việc chui, không có hợp đồng đang diễn biến phức tạp, các đối tượng thông qua các tài khoản facebook tiếp cận, nhắm vào số thanh niên không có việc làm, nhẹ dạ. Khi về nước lại không dám tố giác với cơ quan chức năng vì chính các nạn nhân cũng tham gia vượt biên trái phép, vi phạm pháp luật.

Do đó, ngành Công an khuyến cáo, người dân hết sức cảnh giác với các thủ đoạn dụ dỗ "việc nhẹ lương cao" tại Campuchia nói riêng và các hoạt động xuất cảnh trái phép đi làm chui tại nước ngoài nói chung. Khi phát hiện có đối tượng dụ dỗ qua mạng xã hội facebook hoặc điện thoại đề nghị, mọi người cần cảnh giác và trình báo với cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.

Ông Y Thôn Niê, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Ea Tar, huyện Cư Mgar, cho biết: Chính quyền địa phương đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức tập hợp quần chúng nhân dân, tuyên truyền, vận động người dân nắm được những thủ đoạn, chiêu trò của các đối tượng lừa đảo để đề cao cảnh giác, tránh bị lừa gạt. Đồng thời, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với đội ngũ trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để đẩy mạnh tuyên truyền đến bà con dân tộc về thủ đoạn, chiêu trò của các đối tượng lừa đảo, từ đó đề cao cảnh giác và không trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo trên.