Thực nghiệm chỉ vỏn vẹn một tháng
TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Trường đại học Sư phạm Hà Nội nêu ra một số hạn chế trong khâu triển khai chương trình mới trong năm học 2020 - 2021: Việc tăng từ 10 lên 12 tiết học với môn Tiếng Việt khiến chương trình quá tải. Theo chương trình mới, mỗi tuần tăng hai tiết Tiếng Việt đồng nghĩa học sinh (HS) phải học số lượng âm nhiều hơn. Việc đẩy nhanh tiến độ học vần, học viết và đọc cho thấy gánh nặng, áp lực của chương trình mới đối với cả HS và giáo viên.
TS Hương phân tích: “Số tiết học tăng lên nhưng do không có thực nghiệm trước nên chúng ta không thể biết được rằng 12 tiết học đó có thật sự phù hợp năng lực HS không? Liệu rằng các em có thể tiếp thu lượng kiến thức nhiều như vậy? Hệ quả là khi triển khai thực hiện, hầu hết giáo viên phản ánh chương trình quá nặng, quá tải và gây khó khăn trong giảng dạy”.
Bên cạnh đó, sau hơn một tháng triển khai, có bộ SGK đã bộc lộ những vấn đề khiến dư luận phản ứng. “Ngoài việc sử dụng những từ ngữ khó hiểu, không phù hợp thì việc phân bổ nội dung bài học trong sách cũng nhiều hạn chế”, TS Hương khẳng định. Thí dụ, câu chuyện “Hai con ngựa” trong sách Tiếng Việt 1 thuộc bộ sách Cánh Diều. Câu chuyện này được chia làm hai phần, cắt ngang nội dung và gây hiểu lầm về ý nghĩa… “Rõ ràng, tất cả những vấn đề trên xảy ra là do chúng ta không có thời gian thực nghiệm một cách nghiêm túc đối với chương trình SGK lớp 1. Thời gian thực nghiệm cần kéo dài từ một đến hai năm. Nhưng trên thực tế, cả chương trình giáo dục phổ thông mới lại được thực nghiệm chỉ vỏn vẹn một tháng!”, TS Hương cho biết.
Có những câu hỏi còn đặt ra với công tác tập huấn cho giáo viên khi triển khai chương trình mới. Năm học 2019 - 2020, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời gian học online kéo dài đã gây nhiều áp lực cho giáo viên, thời gian tập huấn cho chương trình mới cũng bị hạn chế. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố khách quan thì công tác tập huấn cũng chưa được thực hiện một cách chuẩn mực. Thực tế, nhiều giáo viên đã lúng túng, khó khăn trong khi dạy học.
Bộ GD&ĐT chưa phản hồi kịp thời
Liên quan đến việc SGK Tiếng Việt 1 bị cho là quá nặng khiến giáo viên quá tải, nhất là bộ sách Cánh Diều có nhiều “sạn”, dư luận đang đặt câu hỏi ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước xã hội, các phụ huynh và học sinh về bộ sách này?
Theo khoản 3 Điều 32 Luật Giáo dục được Quốc hội ban hành năm 2019, có hiệu lực từ ngày 1-7-2020, Bộ trưởng GD&ĐT chịu trách nhiệm về SGK giáo dục phổ thông. Bộ trưởng cũng là người phê duyệt SGK để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định SGK thẩm định. Đồng thời, quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu thành viên của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK và hội đồng thẩm định cấp tỉnh.
Trong cuộc họp tại trụ sở Chính phủ vào chiều 12-10 về việc xử lý các ý kiến về SGK Tiếng Việt 1 mới, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa nhận bản thân ông chịu trách nhiệm về SGK và chương trình. Tuy nhiên, Bộ trưởng không phải là người có chuyên môn sâu về SGK, theo quy định thì hội đồng thẩm định sẽ giúp cho Bộ trưởng. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, ông đã chỉ đạo nghiêm túc theo đúng quy định và đang thực hiện theo đúng quy trình này.
Cũng tại Điều 32 Luật Giáo dục 2019, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK do Bộ trưởng GD&ĐT thành lập theo từng môn học. Hội đồng và thành viên Hội đồng phải chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định.
Ngày 15-10, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về SGK lớp 1. Theo đó, Phó Thủ tướng chỉ rõ, năm học 2020 - 2021 là năm đầu tiên sử dụng SGK lớp 1 mới. Vừa qua, có nhiều ý kiến cho rằng SGK tiếng Việt lớp 1 trong bộ sách Cánh Diều (là một trong năm bộ sách được Bộ trưởng GD&ĐT phê duyệt) có nhiều điểm không phù hợp. Các ý kiến này chưa được Bộ GD&ĐT phản hồi kịp thời.
Ngay sau đó, trong tối 15-10, Bộ GD&ĐT đã phát thông cáo về việc tiếp thu, điều chỉnh nội dung chưa phù hợp trong SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều. Theo đó, Hội đồng thẩm định đã tổ chức rà soát, làm việc với tác giả SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều. Hội đồng thẩm định và tác giả đã thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa SGK cho phù hợp hơn. Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu nhà xuất bản và tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính, gửi Hội đồng thẩm định để thẩm định, báo cáo Bộ trưởng GD&ĐT xem xét phê duyệt nội dung chỉnh sửa trước ngày 15-11-2020.
Không thể sửa theo cách chắp vá...
Thời gian gần đây, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã nhận được rất nhiều ý kiến, sự quan tâm của cử tri đối với lĩnh vực giáo dục, nhất là từ đầu năm học 2020 - 2021 đến nay. Trong đó, vấn đề bức xúc nhất là sự cố sai sót trong bộ sách giáo khoa lớp 1 gắn với việc đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh: “Đặt mục tiêu lấy người học làm trọng tâm, phát huy năng lực của HS mà rồi ngay từ những ngày đầu đến trường, bài học đầu đời đã không tỏa ra nguồn năng lượng tươi vui tích cực, kích thích sự ham học hỏi của trẻ, chỉ khiến cho trẻ sợ học, thì có nghĩa bài học ấy đã đi ngược lại với phương châm giáo dục, là phản tác dụng rồi”.
Nếu quan sát và lắng nghe dư luận, nhất là đối với những phụ huynh có con học lớp 1, với lượng âm vần phải học nhiều, bài tập đọc trúc trắc, nội dung khó hiểu, tập viết thì tốc độ nhanh hơn bình thường khiến nhiều phụ huynh phàn nàn. Để giúp con có thể ôn bài, kịp nhớ bài học, hằng đêm họ sẽ phải cùng con lật từng trang sách, làm quen từng mặt chữ, cẩn trọng theo con từng nét viết, ráp âm và đánh vần, giải thích ý nghĩa từng câu từ, ngôn ngữ con tiếp nhận đầu đời... Không ít phụ huynh đã lúng túng, cáu gắt và mệt mỏi với con mình. “Các giáo viên sẽ phải thay đổi giáo án ra sao? Đối với các trường đã lỡ chọn bộ Cánh Diều, từ đây đến khi điều chỉnh xong thì sẽ cho HS học bộ sách nào hay lại tiếp tục để các cháu trải nghiệm một cuốn sách đầy rẫy các lỗ hổng?”, đại biểu Hiền chỉ ra.