Giải nhiệt giá sách giáo khoa

Từ năm học 2020-2021, với chủ trương xã hội hóa, sách giáo khoa mới theo Chương trình giáo dục phổ thông mới có sự tham gia của nhiều nhà xuất bản. Sách giáo khoa mới có sự cải tiến về mặt nội dung và hình thức so với sách giáo khoa trước đây. Tuy nhiên, việc xã hội hóa sách giáo khoa đã khiến giá sách cao gấp 2-3 lần sách cũ, số đầu sách tăng vọt. Việc mua sách giáo khoa trở thành gánh nặng cho nhiều phụ huynh. Chính vì vậy, việc dự thảo Luật giá (sửa đổi), bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá nhận được sự ủng hộ của các đại biểu Quốc hội, dư luận.

Theo quy định tại Luật Giá hiện hành, sách giáo khoa không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá mà do doanh nghiệp (các nhà xuất bản) tự xây dựng, tự chịu trách nhiệm về giá bán và thực hiện kê khai giá với Bộ Tài chính. Sự cạnh tranh giữa các nhà xuất bản trong khâu huy động đội ngũ viết sách; sách được in ấn đẹp, bắt mắt, thêm vào đó chi phí truyền thông, quảng bá, phát hành... đã dẫn đến giá sách bị đẩy lên cao.

7569-1664502903-1-1685236440.jpg
Sách tập đọc lớp một phổ thông của Nhà xuất bản Giáo dục Giải phóng 1976 tại buổi trưng bày sáng 29-9. Ảnh: Bình Minh 

Xã hội hóa sách giáo khoa để có bộ sách tốt là chủ trương đúng đắn. Song, sách giáo khoa thuộc nhóm vật tư giáo dục thiết yếu của học sinh. Việc khó kiểm soát giá sách, để giá sách tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh xã hội, đặc biệt là người dân vùng khó khăn. Chính vì vậy, giá sách cần có sự hài hòa giữa doanh nghiệp, Nhà nước và người tiêu dùng. Theo đó, việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá như quy định tại dự thảo Luật giá (sửa đổi) sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho mọi học sinh được tiếp cận sách giáo khoa với giá hợp lý, cùng với đó tránh tình trạng các nhà xuất bản tăng giá sách giáo khoa một cách tuỳ tiện. Đây cũng là một trong những yếu tố để chúng ta đạt phổ cập giáo dục các cấp học.

Trong thời gian chờ đợi sửa luật, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, đánh giá những khoản chi phí liên quan đến giá sách giáo khoa theo thẩm quyền. Đây cũng là căn cứ để các cơ quan chức năng làm căn cứ thẩm định, rà soát phương án giá sách giáo khoa. Đồng thời, để góp phần tiết giảm chi phí biên soạn, in ấn, phát hành sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan hoàn thiện những văn bản quy định tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với bộ sách giáo khoa về khổ sách, định lượng giấy...; yêu cầu các nhà xuất bản ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong việc in ấn và phát hành sách giáo khoa. Trong năm học 2023-2024, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá sách giáo khoa với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, miền núi, vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số.