Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội, hầu hết cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố đều có bước chuẩn bị tốt về các điều kiện triển khai; chú trọng đổi mới quản trị theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của cơ sở và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên. Đội ngũ giáo viên biết vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh... góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Ðối với cấp Tiểu học, 100% học sinh lớp 1, lớp 2 hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch; chất lượng học tập đảm bảo chuẩn đầu ra theo yêu cầu cần đạt của chương trình. Cấp Trung học Cơ sở, tỷ lệ học sinh lớp 6 có kết quả học tập từ đạt trở lên chiếm 94,98%; kết quả rèn luyện từ đạt trở lên chiếm 99,97%. Ngành đã triển khai đảm bảo tiến độ, lộ trình. Cụ thể: năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10.
Tính đến đầu năm học 2022- 2023, cấp Trung học Phổ thông có 38 trường (trong đó có 9 trường ngoài công lập), với trên 33.160 học sinh, tỷ lệ huy động đúng độ tuổi đạt 70%. Tỷ lệ giáo viên trực tiếp giảng dạy đạt chuẩn về trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2019 khá cao, đạt 99,06%; đây là điều kiện để thành phố thực hiện có hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông mới.
Tuy nhiên, theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị trường học, ngành Giáo dục thành phố vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: tiêu chuẩn về diện tích phòng học, phòng chức năng, quy mô học sinh/lớp, quy mô lớp/trường ở một số địa phương chưa đạt theo quy định; chưa đảm bảo đủ các phòng chức năng để tổ chức các hoạt động dạy học và giáo dục. Tình trạng thiếu, thừa cục bộ vẫn còn xảy ra, gây khó khăn trong công tác phân công giảng dạy; nhất là thiếu giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật, giáo viên dạy môn học tích hợp theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Dự báo, để đảm bảo thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, toàn ngành còn thiếu 459 giáo viên, trong đó cấp Trung học Phổ thông là 138 giáo viên. Giáo viên gặp khó khăn trong việc nghiên cứu, thẩm định sách giáo khoa khi không được cung cấp bảng sách in; thiếu thiết bị phục vụ giảng dạy, đặc biệt thiết bị các môn Âm nhạc và Mỹ thuật...
Đại diện đoàn giám sát, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ Đào Chí Nghĩa đánh giá cao sự chuẩn bị, phối hợp hỗ trợ đoàn của lãnh đạo UBND, ngành Giáo dục thành phố trong những ngày qua; đồng thời đề nghị UBND thành phố bổ sung, điều chỉnh, nhất là các kiến nghị cụ thể, phù hợp để hoàn chỉnh báo cáo trước 15 giờ ngày 13/2. Ngành Giáo dục thành phố tăng cường truyền thông về các Nghị quyết của Quốc hội; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành hữu quan để thực hiện hiệu quả đổi mới chương trình, sách giáo khoa Giáo dục phổ thông 2018.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện tiếp thu ý kiến góp ý của Đoàn giám sát và đề nghị ngành Giáo dục xem xét thực hiện, hoàn chỉnh báo cáo; đồng thời mong muốn Đoàn giám sát nghiên cứu, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho ngành Giáo dục thành phố.