Cùng dự có Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, các Bộ trưởng; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm
Báo cáo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm 2022, mặc dù có nhiều khó khăn, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng trên các lĩnh vực, đóng góp lớn cho sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước. Theo đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) 9,03%, cao hơn bình quân chung cả nước.
Tuy nhiên, sang quý I/2023, GRDP của Thành phố tăng thấp (0,7%), kéo chỉ số tăng trưởng kinh tế của cả nước xuống thấp (3,32%). Chỉ số IIP quý I giảm 0,9%. Nhiều ngành có mức độ lan tỏa cao đang giảm sâu như: giá trị tăng thêm ngành xây dựng giảm 20%, hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 16,2%; có thể ảnh hưởng đến các tỉnh, thành phố khác.
Trong năm 2022, Thủ tướng đã tổ chức 2 đoàn công tác làm việc với lãnh đạo Thành phố; có 25 nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện. Đến nay, 21/25 nhiệm vụ cơ bản hoàn thành, 4/25 nhiệm vụ gần hoàn thành.
Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập Tổ công tác của Chính phủ nghiên cứu các động lực, cơ chế phát triển đột phá Thành phố; chỉ đạo triển khai sớm các dự án giao thông trọng điểm vùng, liên vùng và quan tâm đầu tư trang thiết bị y tế cho 3 bệnh viện cửa ngõ Thành phố; xem xét sửa đổi, bổ sung một số văn bản liên quan quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; quy định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề; cơ chế đặc thù thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà; sắp xếp lại các cơ sở nhà đất của các bộ, ngành trên địa bàn Thành phố; tháo gỡ vướng mắc thị trường bất động sản…
Tại buổi làm việc, Thường trực Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương thảo luận, phân tích, đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh; rà soát việc thực hiện các văn bản vừa ban hành thời gian qua nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực; kiểm điểm sự phối hợp giữa Thành phố với các bộ, ngành Trung ương; đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố trong thời gian tới; giải đáp các đề xuất, kiến nghị của Thành phố.
Các đại biểu đề nghị xử lý ngay các vướng mắc liên quan các quy định về phòng cháy, chữa cháy; các vấn đề liên quan đăng kiểm xe cơ giới; thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp tình hình mới; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là tại các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; thực hiện thật tốt các Nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển bền vững các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, khơi thông tín dụng, lao động việc làm, du lịch, mở rộng thị trường xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng; đặc biệt xóa bỏ tâm lý sợ tránh nhiệm trong một số cán bộ, doanh nghiệp…
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại; là đô thị lớn, đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; là cực tăng trưởng của Vùng và cả nước. Đặc biệt, người dân Thành phố Hồ Chí Minh có truyền thống cách mạng, anh hùng; cần cù, năng động, sáng tạo, ham học hỏi, không ngừng đổi mới sáng tạo, chu đáo, mến khách, nghĩa tình, luôn khát vọng vươn lên làm giàu cho quê hương đất nước.
Trong 10 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng trên các lĩnh vực, đóng góp lớn cho sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước. Riêng trong năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song Thành phố Hồ Chí Minh có tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9,03%; đóng góp 30% tổng thu ngân sách nhà nước của cả nước; đứng đầu cả nước về thu ngân sách, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, xuất khẩu…
Trong quý I/2023, một số ngành có mức tăng trưởng khá, trong đó ngành dịch vụ, lưu trú ăn uống tăng 24,24%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa với công nghiệp và dịch vụ chiếm 86,3%; thu ngân sách Nhà nước đạt gần 125 nghìn tỷ đồng, đạt 26,6% dự toán năm... Thành phố góp phần vào thành tựu chung của cả nước: ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng GRDP đạt thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc giải ngân đầu tư công chậm, chưa dẫn dắt đầu tư tư; hấp thụ vốn của doanh nghiệp thấp; thị trường bị thu hẹp…
Tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển
Phân tích tình hình trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến phục hồi và triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong khi nền kinh tế nước ta với độ mở lớn sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức do chịu tác động kép cả từ các yếu tố bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế.
Như vậy, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, do đó phải vượt qua thách thức, tháo gỡ khó khăn bằng các cơ chế, chính sách, công cụ; các cấp, ngành điều hành, tổ chức thực hiện, tạo động lực, truyền cảm hứng cho người dân, doanh nghiệp tham gia giải quyết khó khăn. Đặc biệt, phải kiên trì, kiên định, cương quyết thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Về các giải pháp, Thủ tướng chỉ đạo Thành phố phải tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình trong nước, ngoài nước, của Thành phố, bình tĩnh, chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, với tinh thần không cầu toàn, không nóng vội, không bi quan; triển khai quyết liệt, đồng bộ các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Quốc hội, các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ gần đây; tập trung tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, tạo nhiều sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ.
Thủ tướng cho rằng phải tạo hành lang pháp lý để tạo điều kiện hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu, bất động sản; tháo gỡ vướng mắc về quy định phòng cháy, chữa cháy đúng tình hình, sát thực tế, khả thi; tập trung làm tốt việc giao đất, định giá đất; đẩy mạnh thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế; kích cầu đầu tư; tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tập trung chỉ đạo cho 3 động lực tăng trưởng: tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.
Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta vừa phải giải quyết các vấn đề trước mắt, vừa phải xử lý các vấn đề lâu dài. Trước mắt là tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính; tích cực chuyển đổi số.
“Các bộ, ngành cùng Thành phố rút kinh nghiệm những việc đã làm, xây dựng cơ chế, chính sách nêu cao tinh thần trách nhiệm, tạo môi trường, hành lang pháp lý an toàn cho cán bộ làm việc; động viên, khuyến khích người dám nói, dám nghĩ, dám làm; xử lý dứt điểm những tồn đọng liên quan công tác cán bộ; sắp xếp, bố trí cán bộ phù hợp; coi trọng công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông chính sách, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, Thủ tướng lưu ý.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh, với sự hỗ trợ của các bộ, ngành tập trung hoàn thành quy hoạch Thành phố để có căn cứ phát triển; xây dựng các giải pháp để tăng hấp thụ vốn, giãn nợ, khoanh nợ, giảm thuế, phí, lệ phí, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh; giải quyết cụ thể các dự án về bất động sản, nhất là các dự án đã có kết luận; tập trung xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; tập trung giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án trọng điểm về giao thông; tập trung cải cách thủ tục hành chính, quản trị, điều hành, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tâm lý xã hội bằng hành động cụ thể, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp; rà soát lại công tác cán bộ…, tránh 2 khuynh hướng sợ trách nhiệm và tham nhũng; thành lập Tổ công tác do Chủ tịch UBND Thành phố làm tổ trưởng, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, dự án...
“Các bộ, ngành, thành viên Chính phủ căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ động phối hợp, hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện kịp thời, quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững; trên tinh thần cả nước vì Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh vì cả nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đối với 29 đề xuất, kiến nghị của Thành phố, Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng ý xem xét, giải quyết và giao nhiệm vụ cho từng bộ, ngành phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện.