Thu nhập trên 100 triệu/năm phải đóng thuế
Liên quan đến hoạt động này, khoản 2, điều 4, Thông tư 40/2021 của Bộ Tài chính nêu rõ: Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì không phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.
Như vậy, các cá nhân có phát sinh doanh thu từ các nhà cung cấp ở nước ngoài như YouTube, Google, Facebook… trên 100 triệu đồng/năm thì phải có nghĩa vụ kê khai và đóng thuế. Hai loại thuế mà cá nhân kinh doanh phải đóng là thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.
Về phía các nhà cung cấp ở nước ngoài, theo Thông tư 80/2021 của Bộ Tài chính, họ có thể đăng ký, giao dịch và nộp thuế trực tiếp thông qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc ủy quyền cho tổ chức, đại lý thuế hoạt động theo pháp luật Việt Nam thực hiện thay.
Trong trường hợp các nhà cung cấp ở nước ngoài không thực hiện thì theo quy định tại điểm a, khoản 3, điều 30, Nghị định 126/2020 và điều 81, Thông tư 80/2021 của Bộ Tài chính, ngân hàng thương mại được quyền khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế theo quy định đối với từng loại thuế phải đóng.
Sau khi nhận được văn bản của Tổng cục Thuế thông báo tên, địa chỉ website của nhà cung cấp ở nước ngoài chưa thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế thì hội sở chính của ngân hàng có trách nhiệm thông báo cho các chi nhánh thực hiện kê khai, khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế.
Có thể thấy theo quy định hiện nay các nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài và các cá nhân có thu nhập từ đó đều phải kê khai, đóng thuế theo quy định.
Cơ quan thuế sẽ liên kết chặt chẽ với các ngân hàng để quản lý chặt các dòng tiền thanh toán, để từ đó phát hiện các tổ chức, cá nhân có hành vi không kê khai, đóng thuế và thực hiện truy thu, xử lý theo quy định.
Khởi tố đối tượng kinh doanh trên mạng xã hội trốn thuế hơn 10 tỷ đồng
Từ 6 năm nay, Nguyễn Quỳnh Anh (Đống Đa) đã là chủ nhiều shop bán hàng online với nhiều loại từ quần áo trẻ em đến thực phẩm chức năng.
Do nguồn hàng chuẩn cùng cách thức tiếp thị hấp dẫn nên doanh thu từ kinh doanh qua mạng của cô gái quê Nghệ An cũng khá. Bình quân mỗi ngày các shop online của Quỳnh Anh có doanh thu 3 triệu đồng.
Mỗi tháng, chị Quỳnh Anh chỉ mất khoảng 300 nghìn đồng trả cho nhà mạng, sau đó, thuê một bạn sinh viên công nghệ thông tin thường xuyên đưa các mẫu mới lên quảng bá, còn 6 năm qua không phải đóng thuế gì - chủ shop tiết lộ…
Tuy nhiên, không phải ai cũng “an toàn” để kinh doanh như chị Quỳnh Anh vì gần đây nhất, Công an TP Hà Nội đang củng cố hồ sơ xử lý một cá nhân trốn thuế hơn 10 tỷ đồng. Vụ việc được phát hiện do yêu cầu của cơ quan thuế và các cơ quan đơn vị chức năng thành phố.
Trước đó, ngày 28/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án “Trốn thuế” đối với N.A (sinh năm 1985, ở phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Theo tài liệu điều tra, từ năm 2016 đến 2018, N.A kinh doanh online trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến chủ yếu là Facebook và Google với doanh thu hơn 147 tỷ đồng.
Tuy nhiên, N.A đã không thực hiện việc kê khai và nộp thuế với số tiền hơn 10,3 tỷ đồng từ đó đến nay. Vụ việc đang được điều tra, làm rõ.
Thực tế, việc thu thuế đối với kinh doanh qua mạng rất khó triển khai và chưa có giải pháp hữu hiệu.
Tại Hà Nội nhiều tài khoản Facebook, Zalo kinh doanh có doanh thu hàng tỷ đồng/năm nhưng không hề bị tính thuế.
Trốn thuế phạt cao nhất 3 năm tù
Mở rộng vấn đề, Luật sư Nguyễn Đức Hùng (luatvietnam) cho biết, hiện nay liên quan đến hành vi trốn thuế, tùy tính chất, mức độ của hành vi mà người nộp thuế có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.
Trốn thuế là thực trạng đã và đang trở thành vấn đề nhức nhối hiện nay. Với cá nhân, doanh nghiệp có hành vi trốn thuế có thể bị xử lý hình sự về Tội trốn thuế.
Pháp luật Việt Nam quy định, trốn thuế là hành vi thực hiện các phương thức trái pháp luật nhằm giảm số thuế phải đóng hoặc trốn tránh việc đóng thuế cá nhân, doanh nghiệp.
Theo quy định, trường hợp cá nhân, doanh nghiệp có hành vi trốn thuế nhưng chưa đến mức bị xử lý hình sự thì bị xử phạt hành chính theo quy định tại điều 17, Nghị định 125/2020. Theo đó, mức xử phạt hành chính như sau: Phạt tiền bằng số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên khi thực hiện một trong các hành vi trốn thuế nêu trên; Phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi trốn thuế nêu trên mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; Phạt tiền 2 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi trốn thuế mà có một tình tiết tăng nặng; Phạt tiền 2,5 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi trốn thuế mà có hai tình tiết tăng nặng; Phạt tiền 3 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi trốn thuế mà có ba tình tiết tăng nặng trở lên.
Ngoài ra, cá nhân, doanh nghiệp trốn thuế còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả về hành vi trốn thuế.
Tùy theo mức độ vi phạm, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện hành vi trốn thuế có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội trốn thuế.
Cụ thể, theo quy định tại điều 200, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017, người nào thực hiện một trong các hành vi trốn thuế với số tiền dưới đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội trốn thuế: Từ 100 triệu đồng trở lên; hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội: Tội buôn lậu; Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả… chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Cũng theo điều 200, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017, mức phạt với Tội trốn thuế được quy định cho cả cá nhân và tập thể.
Với cá nhân, hình phạt chính được áp dụng theo 3 khung: Phạt tiền từ 100 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng - 1 năm; Phạt tiền từ 500 triệu đồng - 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 - 3 năm; Phạt tiền từ 1,5 - 4,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 - 7 năm.
Với pháp nhân thương mại: Phạt tiền từ 300 triệu - 1 tỷ đồng; Phạt tiền từ 1 - 3 tỷ đồng; Phạt tiền từ 3 - 10 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng - 3 năm; Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật Hình sự thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 - 3 năm.