Bệnh viện lớn nhất xứ Nghệ nhận giải Kim cương của Tổ chức Đột quỵ thế giới

Tổ chức Đột quỵ thế giới vừa vinh danh giải thưởng Kim Cương đối với Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An về những thành tích, sáng kiến trong điều trị bệnh.

Hội nghị Đột quỵ TP.HCM năm 2023 vừa diễn ra ngày 19-20/8. Trong khuôn khổ chương trình, ngày 18/8, Hội nghị Quản lý chất lượng đột quỵ tại Việt Nam cũng đã diễn ra dưới sự điều hành của đoàn chủ tọa gồm Giáo sư Jeyaraj Durai Pandian, Chủ tịch Tổ chức Đột quỵ thế giới; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đột quỵ Thành phố Hồ Chí Minh và Phó Giáo sư; Tiến sĩ Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai.

Đây là dịp mà các đơn vị, khoa, trung tâm đột quỵ của các bệnh viện trong cả nước tham gia Sáng kiến Angels được vinh danh các giải thưởng Vàng, Bạch kim và Kim cương của Tổ chức Đột quỵ thế giới về quản lý chất lượng đột quỵ.

Theo kết quả, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An được Tổ chức Đột quỵ thế giới vinh danh Giải thưởng Kim cương. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hòa (Phó Giám đốc Bệnh viện) và Thạc sĩ Lê Quang Toàn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An) - đại diện bệnh viện đã nhận giải thưởng này.

ntnl-trao-thuong-1692592116.jpg

Giáo sư Jeyaraj Durai Pandian và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Thắng trao tặng Giải thưởng Kim cương từ Tổ chức Đột quỵ thế giới cho đại diện Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An (Ảnh: Ngọc Hòa)

Phát biểu chia sẻ kinh nghiệm, ông Nguyễn Ngọc Hòa (Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An) cho hay, việc áp dụng các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng đột quỵ mang lại nhiều lợi ích thiết thực, như giúp cho các bệnh viện đánh giá được thực trạng về quản lý đột quỵ, từ đó, đưa ra mục tiêu và giải pháp để cải thiện và duy trì liên tục chất lượng, hiệu quả trong quản lý đột quỵ; nâng cao nhận thức, thái độ và thực hành của nhân viên y tế và cộng đồng về đột quỵ; tăng cường kỹ năng làm việc nhóm và kết nối mạng lưới giữa các y, bác sĩ giữa các khoa, phòng và trung tâm trong bệnh viện, giữa các bệnh viện tuyến dưới và tuyến trên, giữa y, bác sĩ và bệnh nhân.

Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000 ca đột quỵ, khoảng 50% trong số đó tử vong. Nhiều người may mắn sống sót sau đột quỵ, nhưng phải chịu các di chứng nặng nề, thậm chí mất khả năng lao động, tạo ra gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An khuyến cáo, khi có các dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ như đột ngột xuất hiện miệng méo, nói khó, yếu tay chân một bên... hãy nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất có khả năng dùng biện pháp tái thông mạch não (dùng thuốc tiêu sợi huyết tĩnh mạch, lấy huyết khối mạch não bằng dụng cụ cơ học).

Việc đưa đến các cơ sở y tế thiếu các biện pháp tái thông mạch não không giúp ích gì hơn cho người bệnh mà còn làm trì hoãn điều trị và giảm cơ hội cứu sống và phục hồi của bệnh nhân.

huu-nghi-6268-1624929254-1692594781.jpg
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. (Ảnh: Hải Chi)

Đây là lần thứ 2 liên tiếp, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An nhận được giải thưởng Kim cương từ Tổ chức Đột quỵ thế giới.

Hải Chi