Hội nghị quốc tế về quản lý đường thở WAAM

Ngày 13/4, tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc - Phúc Trường Minh (Hà Nội), “Hội nghị Quản lý đường thở WAAM 2024” đã tổ chức ngày họp đầu tiên trong số 02 ngày họp, kéo dài từ 13-14/4, tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc và Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức.

Hội nghị vinh dự được chào đón sự góp mặt của các vị đại biểu, đại diện cho Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam, Liên minh Thế giới về Quản lý đường thở (WAAM) và tổ chức từ thiện Facing The World,... cũng như sự tham gia của gần 600 y, bác sĩ tham dự trực tiếp và 1.000 bác sĩ tham dự trực tuyến.

Tại hội nghị, các khách mời đã được nghe một số tham luận có tính thực tiễn cao tới từ những tham luận viên - là những chuyên gia cao cấp về gây mê trên thế giới và Việt Nam. Qua đó khẳng định: Một trong những nhiệm vụ chính của bác sĩ gây mê là hạn chế các tác động bất lợi của quá trình gây mê lên hệ thống hô hấp, bằng cách giữ cho đường thở thông thoáng và đảm bảo cung cấp oxy cũng như thông khí đầy đủ...

tran-van-thuan-1712998289.jpg
GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Y tế phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Đây là hội nghị khoa học quan trọng và có ý nghĩa thực tiễn đối với ngành Y tế Việt Nam, với sự tham gia của các đơn vị tổ chức y tế trong và ngoài nước. Đây là cơ hội để các y bác sĩ, các chuyên gia về Gây mê hồi sức của Việt Nam được trao đổi chuyên môn với các chuyên gia đầu ngành trên thế giới về quản lý đường thở, từ đó nâng cao kiến thức và tay nghề để nâng cao và tăng cường hơn nữa công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân”.

Giáo sư Anil Patel, đại diện WAAM cho biết: Có 2 loại đường thở khó, bao gồm: Đường thở khó định trước và đường thở khó không định trước. “Đường thở khó định trước” được xác định trong quá trình khám mê, đánh giá tiếp cận đường thở, dựa trên các dấu hiệu tiên lượng; trong khi đó, “Đường thở khó không định trước” là những bệnh nhân nằm ngoài những yếu tố tiên lượng, và chỉ được xác định trong quá trình gây mê. Việc phổ biến các kiến thức phân loại, phối hợp cả ekip theo kế hoạch và xử trí với từng bệnh nhân có định trước hoặc không định trước chính là chìa khóa then chốt đảm bảo an toàn thông khí cho mọi ca bệnh.

bui-thanh-tien-1712998493.jpg
Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc - Phúc Trường Minh Bùi Thanh Tiến phát biểu tại Hội nghị

Với yêu cầu trang bị cho các bác sĩ kỹ năng tiên lượng khó khăn trong kiểm soát đường thở cũng như khả năng triển khai chiến lược gây mê phù hợp với từng thể trạng bệnh, “quy trình quản lý các đường thở khó” đã được tổ chức Liên minh Thế giới về Quản lý đường thở WAAM xây dựng. Hội nghị chỉ rõ vai trò của chiến lược quản lý đường thở khó trong các ca bệnh có đường thở khó, cách ứng dụng chiến lược này trong từng trường hợp bệnh lý giúp hạn chế tối đa biến chứng trong gây mê. Tuy nhiên cũng chỉ ra những khó khăn còn tồn tại chủ yếu do sự thiếu đồng bộ và thiếu cơ hội ứng dụng thực tiễn trong quy trình gây mê ở nhiều bệnh viện. Để có thể áp dụng quy trình này, đòi hỏi sự hiểu biết của từng cá nhân trong ekip gây mê về quản lý, cũng như sự đồng lòng, đồng nhất trong quy trình xử lý.

anh-3-chuyen-gia-1712998652.jpg
Các chuyên gia tham dự Hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, ThS. BS Nguyễn Thị Thu Ba, Trưởng khoa Gây mê Hồi sức Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc cho biết: “Khoa Gây mê Hồi sức Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc đã ứng dụng chiến lược chiến lược quản lý đường thở khó trong cấp cứu và gây mê chủ động từ nhiều năm nay trong tất cả các bước: Tiếp cận khám, lập kế hoạch, xử trí đường thở khó, rút nội khí quản. Thực tế, từ ngày ứng dụng chiến lược quản lý đường thở khó, biến chứng trong quản lý đường thở ở Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc gần như không có, gia tăng tỷ lệ thành công cho nhiều ca cấp cứu và phẫu thuật. Để có áp dụng được quy trình này, tất cả các thành viên trong ekip gây mê đều được đào tạo để hiểu và có tư duy đồng bộ, luôn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong mọi trường hợp”.

anh-4-toan-canh-1712996963.png
Toàn cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, các khách mời đã được nghe một số tham luận tính thực tiễn cao như: Quản lý đường thở của u thanh quản, Đánh giá trước phẫu thuật đường thở khó, Hiệu quản dự trữ oxy, Rút ống nội khí quản khó, Đường thở khó ở trẻ em... Hội nghị cũng đã thảo luận các chủ đề liên quan đến quản lý đường thở và cách xử lý nhằm hạn chế tối đa nguy cơ tử vong như đánh giá trước phẫu thuật về đường thở khó; phương pháp xử lý đa phương thức đối với đường thở khó; đường thở khó ở trẻ em; và quản lý đường thở đối với u thanh quản, đối với bệnh hiểm nghèo và trong các tình huống đặc biệt…

Hội nghị tiếp tục ngày làm việc thứ hai (14/4) tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức. Đây tiếp tục là cơ hội để các y bác sĩ, các chuyên gia về gây mê hồi sức của Việt Nam được trao đổi chuyên môn với các chuyên gia đầu ngành trên thế giới về quản lý đường thở.

Nguyễn Liên