Thực hiện Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó, điều chỉnh chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40-70% lên 100%. Thời gian áp dụng từ ngày 1/1/2022 đến 31/12/2023. Đến ngày 15/2/2023, Bộ Y tế đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2023/NĐ-CP. Tuy nhiên, khi áp dụng Nghị định số 05/2023/NĐ-CP, một số viên chức công tác trong ngành Y tế tỉnh Kon Tum (chế độ phụ cấp dưới 40%) lại không thuộc đối tượng được thụ hưởng phụ cấp ưu đãi này, đây là bất cập khiến nhiều viên chức trong ngành Y tế tỉnh Kon Tum bức xúc.
Một nhân viên y tế công tác tại một phường ở thành phố Kon Tum bức xúc nói, khi sáp nhập về Trạm y tế, viên chức dân số là thành viên của Trạm y tế phải trực trạm, tiêm chủng, kiêm nhiệm thêm chương trình của y tế, trong khi mức phụ cấp hưởng thấp hơn viên chức y tế. Khi COVID-19 bùng phát, dưới sự phân công của lãnh đạo Trung tâm y tế, các nhân viên không ngại vất vả cùng cả hệ thống chính trị thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch. Các nhiệm vụ như lấy mẫu, tiêm chủng, truy vết, làm việc ngày đêm cùng các lực lượng khống chế, đẩy lùi COVID-19 đều được bảo đảm. Như vậy, các viên chức dân số có chuyên môn y tế đã cống hiến hết mình trong công cuộc phòng, chống dịch, tuy nhiên Nghị định 05/2023/NĐ-CP lại không nhắc đến đối tượng này.
Đồng quan điểm trên, một viên chức ở Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum cho biết thêm, khi dịch bùng phát, ngoài chuyên môn truyền thông, viên chức còn tham gia chống dịch, đi truy vết xuyên ngày đêm. Một số người phải trực xét nghiệm, phân luồng cho việc lấy mẫu xét nghiệm đối với các đối tượng từ vùng dịch trở về. Công việc vất vả, phụ cấp thấp hơn so với đồng nghiệp trong cùng đơn vị, nhưng Nghị định 05/2023/NĐ-CP không ghi nhận công sức của viên chức truyền thông.
Ghi nhận đóng góp của các viên chức Dân số-Kế hoạch hóa gia đình và công tác truyền thông giáo dục sức khỏe tại Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, Trung tâm kiểm soát bệnh tật trong công tác phòng, chống dịch, bác sỹ Võ Văn Thanh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết, thực tế các viên chức truyền thông, dân số là nhân viên y tế, hưởng 30% phụ cấp. Thời điểm dịch, ngành Y tế huy động tất cả nguồn lực, (trong đó có viên chức dân số, truyền thông) để kiểm soát, khống chế, không để dịch bùng phát. Họ đều có đóng góp, thực hiện các nhiệm vụ về phòng, chống dịch theo sự phân công của lãnh đạo.
Sở Y tế tỉnh cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh có kiến nghị bổ sung các đối tượng được hưởng phụ cấp theo Nghị định số 05/2023/NĐ-CP. Bộ Y tế đã có văn bản trả lời (số 3102/BYT-TCCB ngày 23/5/2023) trường hợp không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định số 05/2023/NĐ-CP thì tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề.
Qua rà soát, thống kê, toàn tỉnh Kon Tum có 1.296 viên chức thuộc đối tượng áp dụng Nghị định này với tổng số tiền gần 68,1 tỷ đồng. Viên chức chưa được xem xét thụ hưởng theo Nghị định số 05/2023/NĐ-CP là 270 người với số tiền gần 18 tỷ đồng.