Thủ tướng: Các bộ, ngành, địa phương phối hợp xử lý những vấn đề cấp bách của ngành Y tế

Sáng 21/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững” do Bộ Y tế tổ chức. Hội nghị được thực hiện kết hợp hình thức trực tiếp tại Bộ Y tế với điểm cầu UBND 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
nlntv-tt-1661082893.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Tại hội nghị, Thủ tướng chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, trước mắt là xử lý các vấn đề cấp bách như mua sắm, đấu thầu, đầu tư, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, chế độ, chính sách đối với cán bộ, nhân viên ngành Y tế…

Cùng dự tại đầu cầu Bộ Y tế có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan; Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; lãnh đạo một số Bộ, ngành liên quan. Tại đầu cầu các địa phương có lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Y tế và các sở, ngành liên quan.

Báo cáo tại hội nghị, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã đạt được nhiều kết quả cơ bản, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.

Theo đó, tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế tăng từ 81,7% năm 2016 lên 91,01% năm 2021 (vượt chỉ tiêu Quốc hội giao là 80% năm 2020 sớm hơn 4 năm). Ước vượt chỉ tiêu giao năm 2022 của Quốc hội và Chính phủ về số bác sĩ trên 10.000 dân, và số giường bệnh trên 10.000 dân. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ lĩnh vực y tế. Trong giai đoạn 2000-2021, tỷ số tử vong mẹ trên 100.000 trẻ đẻ sống đã giảm 3,75 lần; tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi và dưới 1 tuổi giảm xấp xỉ 3 lần.

Đến nay, tầm vóc người dân được cải thiện rõ rệt. Tuổi thọ trung bình cao hơn trung bình thế giới và nhiều nước có mức thu nhập bình quân đầu người tương đương. Sản xuất vaccine trong nước bảo đảm 11/12 loại vaccine tiêm chủng; làm chủ các công nghệ và kỹ thuật quan trọng trong sàng lọc, phát hiện tác nhân gây bệnh dịch nguy hiểm (sởi, sốt xuất huyết, SARS, cúm A…).

Hiện Việt Nam là quốc gia có số liều vaccine phòng COVID-19 sử dụng và tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên thế giới; hiệu suất sử dụng vaccine cao và tốc độ tiêm nhanh. Tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trên tổng dân số cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới; tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số quốc gia phát triển như: Mỹ, Đức, Italy, Pháp... Việt Nam đã làm chủ công nghệ ghép tạng và ghép được 6/6 tạng chủ yếu. Một số kỹ thuật cao đã được quốc tế công nhận và trao đổi kinh nghiệm.

Đặc biệt, những thành tích, đóng góp của ngành Y tế, trong hơn 2 năm phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua; góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an sinh xã hội, đẩy nhanh phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

nlntv-q-bo-ytruong-byt-1661083012.jpg
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thành tựu phòng, chống dịch COVID-19 có sự nỗ lực, hy sinh, cống hiến rất lớn của trên 500.000 cán bộ y tế toàn ngành; thể hiện tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, ý chí vươn lên, vượt qua gian khổ, chấp nhận hy sinh, đối mặt với hiểm nguy để giành lại sự sống, bảo vệ sức khỏe của nhân dân; đồng thời nêu cao sứ mệnh cao cả của người thầy thuốc trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tuy nhiên, trong công tác của ngành Y tế hiện vẫn còn bộc lộ tồn tại, hạn chế, cần tập trung xử lý sớm như: Tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế xảy ra tại nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chế độ tiền lương, thu nhập đối với cán bộ y tế còn nhiều khó khăn; hệ thống thể chế còn những vướng mắc; các vấn đề về tài chính y tế còn nhiều bất cập...

Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Y tế, các đơn vị trực thuộc, địa phương phát biểu làm rõ hơn những thành tựu, bài học kinh nghiệm trong chăm sóc sức khỏe nhân dân; đồng thời đề xuất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp nhằm chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững.

Lãnh đạo các bộ, ngành liên quan giải đáp và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp giải quyết các khó khăn, vướng mắc như: Chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực ngành Y tế; sắp xếp cơ cấu tổ chức ngành y tế; nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở; cung ứng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân; công tác quản lý dược, trang thiết bị y tế; về công tác tài chính và bảo hiểm y tế, nhất là giá dịch vụ y tế và cơ chế đầu tư khám, chữa bệnh cho nhân dân; công tác đào tạo nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ y tế...

nlntv-tt2-1661083100.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ, tri ân đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế đã trải qua những khó khăn, nghịch cảnh khi đối mặt với dịch COVID-19 trong hơn 2 năm vừa qua.

Thủ tướng khẳng định, thời gian qua, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế đã trải qua rất nhiều khó khăn, nhiều cung bậc cảm xúc, tâm tư khác nhau. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn thấu hiểu, chia sẻ và tin tưởng vào nỗ lực, quyết tâm vượt khó, trách nhiệm và có những giải pháp để tháo gỡ khó khăn vướng mắc của ngành. “Trong các giai đoạn lịch sử của đất nước, ngành Y tế luôn cố gắng, nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả của mình”, Thủ tướng khẳng định.

Bên cạnh ghi nhận, biểu dương những thành tích, thành tựu của ngành Y tế, Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế; phân tích nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu; các đề xuất của Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ gợi mở một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bật cập để nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững.

Theo đó, Thủ tướng đề nghị phải đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết; “thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu”. Làm việc phải thực chất, “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được thụ hưởng thật”.

Thủ tướng yêu cầu tiếp cận phát triển ngành Y tế một cách tổng thể, toàn diện cả y tế công lập và y tế tư nhân; không phân biệt công lập hay ngoài công lập; triển khai công tác có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm thực hiện tốt những công việc thường xuyên, ứng phó hiệu quả với những vấn đề phát sinh; có lộ trình, kế hoạch và phân công trách nhiệm cụ thể đối với các nhiệm vụ trung, dài hạn.

Đặc biệt, mọi cán bộ, nhân viên y tế đều phải khắc ghi và hành động theo 12 điều y đức khi làm nhiệm vụ; không ngừng trau dồi kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường y đức, làm giàu y lý, nâng cao y thuật.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị, trước mắt tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục bám sát tình hình dịch COVID-19; triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng chống dịch COVID-19, các nội dung về y tế trong chương trình phục hồi, phát triển theo các Nghị quyết của Chính phủ; chủ động, sẵn sàng cho mọi tình huống, dứt khoát không để dịch bệnh bùng phát trở lại.

Nâng cao nhận thức về yêu cầu tiêm vaccine, tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine an toàn, khoa học, hiệu quả. Tiếp tục triển khai hiệu quả 3 trụ cột chống dịch là xét nghiệm, cách ly, điều trị; thực hiện nghiêm 2K+ vaccine, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác.

Thủ tướng chỉ đạo, Bộ Y tế, trực tiếp là Quyền Bộ trưởng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng bộ Bộ Y tế thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đảng viên; đẩy mạnh học tập tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.

Tiếp tục quan tâm kiện toàn lãnh đạo Bộ và lãnh đạo y tế các cấp; khuyến khích, bảo vệ và phát huy vai trò của những cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Lãnh đạo Bộ phải thực sự là những tấm gương sáng về mọi mặt, từ đó xây dựng đội ngũ cán bộ, thầy thuốc thật sự bản lĩnh, vững vàng về chính trị, tinh thông về chuyên môn, giỏi về nghiệp vụ, hiệu quả trong công tác.

Thủ tướng chỉ rõ, khẩn trương rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách y tế cho cả trước mắt và lâu dài; ưu tiên đầu tư nguồn lực, thời gian nhiều hơn nữa cho hoạt động này. Trước mắt, tập trung sơ kết, đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, Nghị quyết số 21-NQ/TW khóa XII.

“Bám sát thực tiễn, phát hiện nhanh các vấn đề phát sinh mà cơ chế, chính sách chưa đề cập để đưa ra giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý. Phải mạnh dạn làm, cần thì thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện dần. Tinh thần là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho cấp dưới, các cơ sở y tế, đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực cán bộ thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Bộ Y tế tập trung thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.

nlntv-tt3-1661083188.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính với lãnh đạo Bộ Y tế và các đại biểu tham dự hội nghị toàn quốc về nâng cao công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành quan tâm động viên, nâng cao chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ y tế, với quan điểm quan điểm “Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt”; quan tâm phát triển hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng kết hợp ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ. Toàn ngành tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp, xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện.

Bộ Y tế rà soát và chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tạo cơ chế đầu thầu thuốc, trang thiết bị y tế đảm bảo nguyên tắc minh bạch, khả thi và tạo sự yên tâm cán bộ thực thi công chức công vụ, tránh tâm lý sợ việc đấu thầu ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Nếu vướng mắc cơ chế, Chính phủ sẽ họp liên ngành để tháo gỡ và xử lý để dứt khoát việc này không ảnh hưởng đến việc khám, điều trị sức khỏe của nhân dân.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo thực hiện đổi mới mạnh mẽ tài chính, bảo hiểm y tế; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia. Toàn ngành cũng cần khẩn trương rà soát các quy định về xã hội hóa, hợp tác công - tư, phát triển y tế tư nhân; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức.

"Sớm hoàn thành phương án thực hiện chủ trương tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; tiếp tục thực hiện lộ trình về tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm Y tế gắn với giảm chi tiền túi của người dân", Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, trước mắt là xử lý các vấn đề cấp bách như mua sắm, đấu thầu, đầu tư, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, chế độ, chính sách đối với cán bộ, nhân viên…; đồng thời phối hợp tham gia xây dựng thể chế, chính sách y tế; đổi mới và nâng cao hiệu quả thông tin truyền thông liên quan tới bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe jhân dân; tập trung phát triển công nghiệp dược...

Đối với các đề nghị của Bộ Y tế, các địa phương, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế tổng hợp, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan giải quyết theo thẩm quyền; những vẫn đề vượt thẩm quyền thì trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét.