Bất bình đẳng giới cản trở nhiều phụ nữ có việc làm được trả lương

Huyền Văn
Gánh nặng công việc chăm sóc không lương nặng nề và bất bình đẳng đối với phụ nữ đã cản trở nhiều phụ nữ trong độ tuổi lao động có việc làm được trả lương và việc làm bền vững.

Bất bình đẳng giới trong công việc chăm sóc không được trả lương là một trong những yếu tố gây ra khoảng cách giới trong kết quả lao động, chẳng hạn như tham gia lực lượng lao động, tiền lương và chất lượng công việc.

Giải quyết các định kiến và chuẩn mực giới là bước đầu tiên trong việc phân bổ lại trách nhiệm chăm sóc, nội trợ giữa phụ nữ và nam giới. Từ đó, người phụ nữ có thể tham gia công bằng vào thị trường lao động, tạo thu nhập cho bản thân, gia đình và nâng cao vị thế, tiếng nói của họ trong các quyết định liên quan.

nlntv-1657813560.jpg
Hầu hết công việc chăm sóc không được trả lương tập trung vào phụ nữ. Điều này gây thiệt thòi cho chị em, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số (Ảnh: G.Đ).

Đó là nội dung được đưa ra tại hội thảo "Công việc chăm sóc không lương đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp" do Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 12/7, tại Hà Nội.

Theo nghiên cứu tại Việt Nam, gánh nặng công việc chăm sóc không lương nặng nề và bất bình đẳng đối với phụ nữ đã cản trở nhiều phụ nữ trong độ tuổi lao động có được việc làm được trả lương và việc làm bền vững. Khi dân số Việt Nam già hóa, gánh nặng chăm sóc người cao tuổi không được trả công tăng lên, ảnh hưởng rất lớn đến phụ nữ.

Trên khắp thế giới, phụ nữ dành thời gian cho công việc chăm sóc không lương nhiều hơn nam giới từ 2 đến 10 lần. Sự phân bổ không đồng đều về trách nhiệm chăm sóc này có liên quan đến các thể chế xã hội còn định kiến về vai trò giới. Bên cạnh đó, những nguyên nhân khác dẫn đến gánh nặng công việc chăm sóc không lương bao gồm các công trình hạ tầng chưa đề cao tính nhạy cảm về giới hay thiếu dịch vụ chăm sóc có chất lượng.

Tại hội thảo, bà Trần Thị Bích Loan - Phó vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ một thực trạng, phụ nữ trong giai đoạn nuôi con nhỏ, người chồng nếu muốn phụ giúp vợ những công việc như giặt quần áo, rửa bát, nấu cơm thì phải làm... lén, làm khi không có sự chứng kiến của bố mẹ, anh chị em trong nhà.

Bà Loan lấy dẫn chứng, thực tế nhiều người mẹ, các thế hệ phụ nữ lớn tuổi vẫn còn tư tưởng "việc nhà là việc phụ nữ phải làm, không thể để người chồng, người đàn ông trong gia đình làm việc nhà". Một số phụ nữ tâm sự "nếu chồng muốn làm giúp thì phải làm khi không có mẹ ở đó".

"Tư tưởng phân biệt ăn sâu vào các thế hệ phụ nữ lớn tuổi, vì họ coi chuyện làm việc nhà là trách nhiệm, thiên chức phụ nữ. Đó là rào cản từ phía xã hội, dẫn tới việc chính những phụ nữ tự nhận thức đó là trách nhiệm của mình", bà Loan nói.

d3fbae60e8312a6f7320-1657813406.jpg
Gánh nặng công việc chăm sóc không lương nặng nề và bất bình đẳng đối với phụ nữ đã cản trở nhiều phụ nữ trong độ tuổi lao động có được việc làm được trả lương và việc làm bền vững (Ảnh: G.Đ).

Phó vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới nhấn mạnh, phải thay đổi quan điểm "nam giới là trụ cột trong gia đình, nam giới phải là người kiếm tiền, nam giới phải gánh vác gánh nặng về kinh tế còn phụ nữ phải gánh vác trách nhiệm chăm sóc gia đình", nhất là khi do tâm lý, sức khỏe, công việc của nam giới chưa đạt được mà phải gồng mình thể hiện vai trò trụ cột trong gia đình.

Bà Loan chia sẻ mô hình vợ chồng cùng ghi nhật ký rất thành công. Sau một năm thí điểm, người chồng hiểu được vô vàn việc trong nhà như chơi với con, cho con ngủ, nấu cơm, rửa bát… nên "xắn tay" vào cùng vợ chăm sóc mái ấm gia đình. Kết quả của mô hình chỉ ra thời gian làm việc nhà của phụ nữ giảm 1 giờ đồng hồ mỗi ngày, còn thời gian làm việc của nam giới tăng lên, dù không đáng kể.