Những năm qua, công tác an toàn vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Bình được triển khai mạnh mẽ bằng nhiều giải pháp, góp phần thay đổi nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động trong các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trên bình diện chung, nhận thức về công tác an toàn lao động của các doanh nghiệp vẫn chưa cao, dẫn đến những vụ tai nạn lao động xảy ra trong quá trình sản xuất.
Nguyên nhân của các vụ tai nạn lao động trong sản xuất chủ yếu là lỗi của người lao động không chấp hành tốt nội quy, quy định làm việc an toàn; một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, người sử dụng lao động chưa chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, phòng ngừa tai nạn lao động tại nơi sản xuất; chưa chú trọng việc tổ chức huấn luyện công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Theo báo cáo của các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh năm 2021, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra 37 vụ tai nạn lao động làm 37 người bị nạn. Trong đó 11 người chết, 26 người bị thương nặng.
Rủi ro trong lao động sản xuất dẫn đến xảy ra tai nạn lao động là điều mà hầu hết người lao động không mong muốn. Song đôi khi, một chút bất cẩn khiến người lao động bị tai nạn. Lúc đó mới thấm thía được sự cần thiết của chính sách bảo hiểm xã hội, trong đó có chế độ trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Chị Lê Thị Bắc (SN 1984, trú tại xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) là một trong hàng chục lao động đang được hưởng chế độ tai nạn lao động hàng tháng tại Quảng Bình.
Theo chị Bắc, năm 2021, chị là công nhân của một công ty vệ sinh tại huyện Tuyên Hóa. Trong lúc làm việc tại nhà máy xi măng, người phụ nữ này không may gặp tai nạn dẫn đến gãy tay, chân và phải nghỉ việc ở nhà từ đó đến nay. Sau khi được giải quyết các chế độ bảo hiểm về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hiện chị Bắc đang được trợ cấp mỗi tháng gần 1,5 triệu đồng.
"Gần cả năm trời không đi làm được, con cái còn học hành nên gần 1,5 triệu đồng tiền chế độ bảo hiểm tai nạn lao động đối với tôi rất quý. Nhờ có số tiền này, tôi cũng đỡ vất vả hơn, giờ chỉ mong nhanh chóng hồi phục sức khỏe để quay trở lại làm việc", chị Bắc nói.
Cũng như chị Bắc, anh Hoàng Văn Thạnh, trú tại xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn cũng là một nạn nhân của tai nạn lao động. Anh Thạnh là công nhân xây dựng. Năm 2017, trong lúc làm việc, anh đã bị ngã từ mái nhà xuống dẫn đến chấn thương vùng đầu. Nhờ có bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, suốt 5 năm qua, anh Thạnh đều được hỗ trợ mỗi tháng gần 1 triệu đồng.
Với người lao động, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được xem là "điểm tựa" khi không may gặp rủi ro trong quá trình làm việc. Đóng bảo hiểm tai nạn lao động là bắt buộc đối với người sử dụng lao động, để đảm bảo quyền lợi với người lao động.
Trong những năm qua, các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã tích cực chăm lo, đảm bảo an toàn, tính mạng, sức khỏe cho người lao động, tài sản của Nhà nước và nhân dân, mang lại quyền lợi chính đáng cho người động, là điểm tựa cho họ mỗi khi không may gặp rủi ro trong quá trình làm việc.
Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Bình cũng đã tổ chức tuyên truyền tới hàng chục nghìn lượt người lao động về chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Ngoài ra, các đơn vị cũng phổ biến chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm phổ biến sâu rộng quyền lợi và mức hưởng của chế độ; trách nhiệm tham gia các loại bảo hiểm của người sử dụng lao động và người lao động.
Theo cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Bình, địa phương này hiện có 43 trường hợp đang hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động hàng tháng. Trong năm 2021, Bảo hiểm xã hội Quảng Bình cũng đã giải quyết chi trả trợ cấp tai nạn lao động một lần cho 14 người lao động với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng.