Cao Lỗ với Nỏ thần Liên Châu
Cao Lỗ (chưa rõ năm sinh, mất năm 179 trước Công nguyên) còn gọi là Cao Nỗ, Cao Thông, Đô Lỗ, người ở xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Ông là danh tướng kiệt xuất của An Dương Vương Thục Phán. Cũng chính ông là người được An Dương Vương giao nhiệm vụ thiết kế, chỉ huy xây dựng thành Cổ Loa.
Cao Lỗ sáng chế ra nỏ Liên Châu (nỏ thần). Theo sách Lĩnh Nam chích quái, “cứ đem nỏ ra chĩa vào quân giặc là chúng không dám đến gần”. Phát minh ra nỏ thần, lại có tài bắn nỏ, Cao Lỗ được người dân gọi là “Ông Nỏ”. Khi Triệu Đà cho quân xâm lược Âu Lạc, quân Triệu bị nỏ Liên Châu bắn tên như mưa, thây chết đầy nội đến nỗi phải lui binh. Đương thời, nỏ thần trở thành thứ vũ khí vô địch của Âu Lạc.
Hiện nay, tại Gia Lâm, Từ Liêm thuộc Hà Nội, và nhiều vùng khác vẫn còn đền thờ tướng quân Cao Lỗ.
Hồ Nguyên Trừng và Súng thần cơ
Hồ Nguyên Trừng là con trai cả của Hồ Quý Ly. Dưới triều nhà Trần, Hồ Nguyên Trừng từng giữ chức Thượng Lân tự, Tư đồ. Là một người có tài năng về khoa học hiếm có, Hồ Nguyên Trừng đã tổ chức những xưởng đúc súng lớn, phát minh, chế tạo nhiều loại súng có sức công phá sấm sét. Từ việc cải tiến, chế thuốc súng, hiểu rõ sức nổ của thuốc đạn, Nguyên Trừng phát minh ra phương pháp đúc súng mới gọi là súng thần cơ (hỏa pháo cải tiến).
Sau khi Hồ Nguyên Trừng cùng gia tộc bị bắt giải về Trung Quốc, do có tài năng chế tác vũ khí, ông được nhà Minh trọng dụng. Sau này, ông được thăng chức Công bộ Thượng thư. Trong Vân Đài Loại Ngữ, Lê Quý Đôn từng viết rằng: "Quân Minh khi làm lễ tế súng đều phải tế Trừng".
Cao Thắng và Súng trường
Cao Thắng (1864-1893) quê ở Hương Sơn, Hà Tĩnh, là tướng xuất sắc của Phan Đình Phùng, trong phong trào Cần Vương.
Cao Thắng được Phan Đình Phùng tin tưởng giao nhiệm vụ tổ chức nghĩa quân và xây dựng lực lượng. Không chỉ là một nhà chỉ huy quân sự đầy mưu lược, ông còn là một kỹ sư quân giới tài năng. Nhận thức được vai trò của vũ khí trong đấu tranh, ông đã tự tìm hiểu để chế tác vũ khí cải tiến từ súng lấy được của quân Pháp.
Cao Thắng cho tập trung những thợ rèn giỏi trong vùng, nghiên cứu từ chiếc súng lấy được của quân Pháp. Chẳng bao lâu những kho vũ khí lớn của nghĩa quân đã được trang bị hàng trăm khẩu súng cùng rất nhiều đạn dược. Súng bắn rất hiệu quả, khiến quân địch vô cùng hoang mang và khiếp sợ. Cao Thắng mất năm 1893 khi ông mới 29 tuổi. Sự hy sinh của ông là tổn thất lớn của nghĩa quân Phan Đình Phùng.