5 Đặc trưng nổi bật của thời kỳ đầu chiến tranh Việt Nam thời phong kiến

Lương Đàm
Nhìn xuyên suốt lịch sử Việt Nam thời đại phong kiến, có thể thấy việc nhận thức và xử lý các vấn đề của thời kỳ đấu chiến tranh có một số đặc trưng nổi bật:
nha-tay-son-1683728715.jpg
100.000 quân Tây Sơn di chuyển liên tục và đánh tan quân Thanh vào mùng 5 Tết Kỷ Dậu (1789). Đó là cuộc hành quân có một không hai trong lịch sử quân sự nước nhà.

Một là, do nước ta “đất không rộng, người không đông" và kẻ xâm lược luôn là những đạo quân lớn mạnh, nên các triều đại luôn thấu suốt tư tưởng cốt lõi “di dân vi bản” và phát huy tính chất chính nghĩa, nhân đạo, nhân văn của chiến tranh toàn dân để giữ nước. Triều đình chỉ có thể dựa vào toàn dân đánh giặc, tuy đến các đời Lý, Trần, Lê,... đã xây dựng quân đội chuyên biệt, song yếu tố toàn dân vẫn là trực tiếp, ở cả ba cấp độ dân nuôi quân, dân làm hậu thuẫn cho quân và dân trực tiếp làm quân. Ngay từ thời kỳ đầu chiến tranh thời nào cũng đều có đông đảo dân binh, thổ binh sát cánh cùng đại quân triều đình. Những sự kiện thất bại từng diễn ra trước hết là do không thực hiện được chiến tranh toàn dân. Để dựa được vào dân, các triều đại phong kiến tiến bộ coi trọng giáo dục và động viên dân chúng hăng hái chiến đấu, “dĩ dân” đã gắn kết nhất định với “vị dân” và trở thành một số chính sách khá nhất quán. Thời Lý, đó là tiến hành chiến tranh “cốt cứu dân khỏi nơi chìm đắm”. Thời Trần chủ trương “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”. Sự trưởng thành và chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn gắn với tư tưởng “việc nhân nghĩa cốt ở an dân”. Quang Trung từ khởi nghĩa nông dân tiến lên chiến tranh toàn dân đại phá quân Thanh xâm lược. Đây vừa là kinh nghiệm lớn ở thời kỳ phong kiến, vừa là bài học quý báu cho thời hiện đại.

Hai là, thường xuyên cảnh giác, luôn giữ thế chủ động chiến lược, nắm vững tình hình và so sánh lực lượng, xác định quyết tâm chiến lược đứng đắn. Với vị thế nước ta như “chiếc chìa khoá" mở xuống phương Nam, thì một kinh nghiệm để đời là không để bị bất ngờ chiến lược. Mặt khác, cùng với việc luôn nhìn thấu tâm can kẻ thù, ông cha ta còn biết đánh giá đúng so sánh lực lượng, rằng kẻ thù thường mạnh, nhất là khi mới tràn sang xâm lược, nhưng bao giờ cũng có điểm yếu, nhất là khi buộc phải đánh lâu dài. Tuy nhiên, phát huy cái mạnh của ta, khoét sâu điểm yếu của địch lại là vấn đề thuộc bản lĩnh, tài năng của bộ thống soái và các danh tài quân sự, nhất là ở thời kỳ đầu chiến tranh. Chính cái chỗ yếu chí tử của quân xâm lược phương Bắc trên chiến trường Đại Việt là xa nguồn tiếp tế hậu cần và không hợp thủy thổ đã được người Việt khai thác để hình thành sách lược phù hợp như rút lui bảo toàn lực lượng, làm kế thanh dã triệt nguồn lương địch, chọn đánh vào những mùa mà quân địch thường bị dịch bệnh, ốm đau, mỏi mệt. Chỉ đến khi ta phát triển đủ mạnh và thế giặc lắng dần, cuộc chiến tranh giải phóng mới mở rộng quy mô ra cả nước.

Ba là, liên tục tạo thế, tranh thời và chuyển lực, chủ động tiến công địch để bảo vệ từ xa và dựa vào địa hình thiên hiểm để phá thế đánh nhanh của địch. Trong lịch sử dân tộc ta, các triều đại phong kiến độc lập đã vận dụng sáng tạo những vấn đề về tạo thế tranh thời và chuyển lực nhằm chủ động tiến công địch, nhất là ở thời kỳ đấu chiến tranh. Địch thường rất mạnh khi mới tiến vào nước ta, nhưng không phải vì thế mà không bộc lộ những sơ hở như đội hình tiến công chưa ổn định, ý mạnh nên dễ chủ quan, và trong điều kiện chiến tranh bạch khí thì việc địch tổ chức tiến hành trinh sát nắm tình hình không hề dễ dàng. Với những người đứng đầu đất nước biết cách tạo thế, tranh thời và chuyển lực thì hoàn toàn có thể dựa vào địa hình thiên hiểm để phá thế đánh nhanh của địch, chủ động đánh địch để bảo vệ từ xa và làm cho địch bị sa lầy chiến lược.

Bốn là, không ngừng sáng tạo và vận dụng cách đánh phù hợp với chiến trường nước ta trong thời kỳ đầu chiến tranh. Nghệ thuật quân sự của dân tộc ta được hun đúc qua các thời đại, trở thành truyền thống và luôn được vận dụng trong các cuộc chiến tranh bảo vệ, giải phóng đất nước. Các hoạt động tác chiến được phát triển sáng tạo phong phú, đặc sắc về nghệ thuật quân sự. Ta thường dùng phương cách phù hợp với điều kiện cụ thể, cũng như vận dụng sức mạnh tổng hợp buộc địch đánh theo cách đánh của ta. Trước thế giặc mạnh, ta không thiên về ỷ lại thành cao, hào sâu để có giữ trận tuyến, mà thiên về “rút thế nào” để “giành lại ra sao”. Cách đánh lợi dụng địa hình thiên hiểm, triển khai nhiều mũi chặn giặc đánh rộng khắp bằng chiến tranh du kích nhằm tiêu hao sinh lực địch, trong chiến tranh bảo vệ, cũng như kết hợp nội công ngoại kích, tập trung lực lượng đột phá vào nơi mỏng yếu, kết hợp giữa vây thành với diệt viện, kết hợp giữa đánh và đàm… trong chiến tranh giải phóng đã trở thành di sản nghệ thuật quân sự giữ nước độc đáo của dân tộc.

Năm là, phát huy nhân tố tinh thần nhằm nhân bội sức mạnh tổng hợp của quân và dân ngay tức thời kỳ đầu chiến tranh. Các cuộc chiến tranh bảo vệ, giải phóng đất nước dưới thời phong kiến nước ta về cơ bản đều là chính nghĩa, vì sự sống còn của nền độc lập, sự trường tồn và bền vững của dân tộc. Từ rất sớm dân ta đã có ý thức tự đảm đương sự nghiệp giữ làng, giữ nước, vì quyền sống của giống nòi, của gia đình và bản thân, nên tinh thần sẵn sàng hy sinh chiến đấu đã thấm sâu vào mọi cộng đồng dân cư. Nhận thức được giá trị đó, các nhà lãnh đạo đã biết khai thác làm vũ khí và sức mạnh đánh thắng kẻ thù. Điển hình như bài hịch Phạt Tống lộ bố văn và bài Thơ Thần trên phòng tuyến sông Cầu thời nhà Lý; Hịch tướng sĩ, biểu tự “Sát Thát” trên cánh tay người lính, tiếng hô “quyết đánh” ở điện Diên Hồng thời nhà Trần; chủ trương “mưu phạt tâm công" từ bước khởi nghiệp đến bước tiến công “hãm thành - diệt viện” thời nhà Hậu Lê; ý chí “đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” thời Tây Sơn. Lịch sử cũng chứng tỏ khi các nhà lãnh đạo không phát huy được nhân tố tinh thần ấy thì luôn thất bại, điển hình là nhà Hồ, nhà Nguyễn,...

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến