Wedding Planner – Kiến trúc sư của những đám cưới trong mơ
Tổ chức đám cưới luôn là nỗi lo của các cặp đôi: áp lực, thiếu thời gian, và mong muốn mọi thứ hoàn hảo. Đó là lý do wedding planner ra đời – người biến giấc mơ thành hiện thực suôn sẻ. Công việc này xuất phát từ Mỹ và đang dần phổ biến tại Pháp nhờ khả năng quản lý mọi khâu – từ tìm nhà cung cấp đến điều phối khách mời.
Ở Việt Nam, rất nhiều cô dâu, chú rể là người nổi tiếng đã tìm đến dịch vụ Wedding Planner này để có được đám cưới trong mơ, gần đây nhất có thể kể đến đám cưới của vợ chồng Salim - Hải Long.

Phi công điều khiển drone
Từng chỉ là món đồ chơi, drone giờ đây đã trở thành công cụ thiết yếu trong nhiều lĩnh vực, từ xây dựng, nông nghiệp đến truyền thông. Nghề phi công drone không chỉ yêu cầu kỹ năng điều khiển mà còn phải nắm rõ kỹ thuật quay phim, chụp ảnh, khảo sát công trình và tuân thủ quy định pháp lý.
Người làm nghề này cần am hiểu công nghệ, có tư duy không gian và khả năng làm việc nhóm. Ở Pháp, muốn trở thành phi công drone bắt buộc phải qua hai giai đoạn: đào tạo lý thuyết và thực hành thực tế, dưới sự giám sát của Cục Hàng không Dân dụng (DGAC).
Nhà khoa học dữ liệu (Data scientist)
Trong thời đại dữ liệu bùng nổ, các doanh nghiệp cần những chuyên gia có thể phân tích, lọc và chuyển hóa dữ liệu thô thành thông tin chiến lược. Đó là vai trò của data scientist – người có nền tảng vững chắc về lập trình, thống kê, machine learning và toán học.
Để theo nghề, thường yêu cầu trình độ từ Bac+5 (tương đương thạc sĩ), nhưng vẫn có các lộ trình đào tạo ngắn hạn từ Bac+2. Khả năng phân tích logic và tư duy khoa học là yếu tố then chốt.
Chuyên gia khai vấn cuộc sống (Life Coach)
Không phải bác sĩ tâm lý, cũng không phải chuyên gia nhân sự, life coach là người đồng hành để bạn vượt qua khủng hoảng, đạt được mục tiêu và lấy lại sự tự tin. Một nghề đang lên trong thời đại ai cũng đi tìm ý nghĩa cuộc sống, với điều kiện tiên quyết: bạn phải thật sự hiểu con người.
Dù không yêu cầu bằng cấp, nghề này đòi hỏi đào tạo chuyên sâu, có thể thực hiện hoàn toàn từ xa. Chứng chỉ coach nghề nghiệp được Nhà nước công nhận là một lựa chọn uy tín để khởi nghiệp trong lĩnh vực phát triển con người.
Chuyên gia huấn luyện động vật (Comportementaliste animalier)
Khi mối quan hệ giữa con người và vật nuôi gặp khó khăn, chuyên gia huấn luyện động vật sẽ vào cuộc. Họ phân tích hành vi của chó/mèo để tìm nguyên nhân các vấn đề như hung dữ, lo âu, tiểu tiện sai chỗ…
Với nghề này, yêu cầu bạn phải hiểu biết sâu về động vật, kỹ năng sư phạm và khả năng tương tác tốt với con người. Có thể theo học các khóa đào tạo chuyên môn để hành nghề một cách chuyên nghiệp.
Chief Happiness Officer (viết tắt CHO, tạm gọi: Người gieo hạnh phúc trong văn phòng)
Ra đời tại Thung lũng Silicon, chức danh nghe có vẻ hài hước này thực chất nắm giữ vai trò quan trọng: tạo dựng môi trường làm việc tích cực, gắn kết nhân viên và tăng động lực làm việc.
CHO không chỉ tổ chức sự kiện nội bộ, mà còn quan sát, lắng nghe và đưa ra các sáng kiến giúp cải thiện chất lượng đời sống nơi công sở. Dù chưa có chương trình đào tạo chính quy, nền tảng về nhân sự hoặc truyền thông là điểm xuất phát phù hợp để theo đuổi nghề này.
Thợ nấu bia thủ công (Brasseur)
Ngày càng nhiều người đam mê bia thủ công từ bỏ công việc văn phòng để mở microbrasserie – nhà máy bia mini. Nghề nấu bia là sự kết hợp giữa thủ công, khoa học và sáng tạo. Từ chọn nguyên liệu đến kiểm soát lên men, chất lượng sản phẩm và bán hàng, người làm nghề cần nắm vững nhiều kỹ năng. Các khóa học về kỹ thuật nấu bia và vận hành microbrasserie là bước đệm vững chắc cho những ai muốn biến đam mê thành sự nghiệp.
Chuyên gia bảo vệ dữ liệu (Data Protection Officer - DPO)
Kể từ khi GDPR có hiệu lực, bảo vệ dữ liệu cá nhân trở thành nghĩa vụ bắt buộc. DPO là người giám sát việc tuân thủ quy định, bảo đảm dữ liệu nhạy cảm không bị lộ lọt.
Nghề này yêu cầu phải có kiến thức chuyên sâu về pháp lý và công nghệ – DPO vừa phải hiểu an ninh mạng, vừa nắm rõ quy định để hướng dẫn, đào tạo và tư vấn cho doanh nghiệp. Nghề này đang rất được săn đón, đặc biệt là tại các tổ chức lớn.
Chuyên viên thẩm mỹ xã hội (Socio-esthéticienne)
Đây là nghề kết hợp giữa thẩm mỹ và chăm sóc tâm lý cho những người đang trải qua bệnh tật, tuổi già hoặc hoàn cảnh khó khăn. Làm việc tại bệnh viện, viện dưỡng lão hay trung tâm phục hồi chức năng, chuyên viên này giúp người bệnh lấy lại hình ảnh tích cực về bản thân thông qua các liệu pháp làm đẹp phù hợp.
Nghề này yêu cầu tốt nghiệp CAP thẩm mỹ và thêm khóa đào tạo chuyên biệt về thẩm mỹ xã hội.
Chuyên gia trang điểm xác chết (Thanatopracteur)
Đóng vai trò thầm lặng nhưng quan trọng trong ngành tang lễ, Thanatopracteur là người chuẩn bị thi thể người đã khuất trước khi đưa vào quan tài. Họ tiến hành vệ sinh, bảo quản, trang điểm để giữ nguyên hình ảnh thanh thản, tôn trọng nghi lễ và nguyện vọng của gia đình. Nghề đòi hỏi kỹ thuật cao, sự chỉn chu và lòng nhân ái sâu sắc, giúp thân nhân nói lời vĩnh biệt trong sự bình yên.
Trong thế giới nghề nghiệp đang không ngừng biến chuyển, những lựa chọn mới mẻ và tưởng chừng "dị biệt" lại có thể là lối thoát – hoặc cánh cửa dẫn tới một sự nghiệp thăng hoa. Quan trọng là bạn dám bước ra khỏi vùng an toàn, thử sức với điều chưa từng nghĩ tới. Biết đâu, công việc trong mơ của bạn... lại là một trong những nghề tưởng chừng “lạ đời” này?