Theo công bố báo cáo đánh giá sơ bộ về tác động của cuộc khủng hoảng ở Ukraine đối với việc làm từ Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đăng tải ngày 11/5, ước tính có khoảng 4,8 triệu việc làm đã bị mất ở Ukraine kể từ khi xảy ra cuộc xung đột tại đây.
Nghiên cứu cho thấy nếu xung đột leo thang, số việc làm bị mất có thể sẽ tăng lên 7 triệu, tương đương 43,5%. Trong trường hợp cuộc xung đột sớm chấm dứt, khoảng 3,4 triệu việc làm sẽ được phục hồi, giúp tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 8,9%.
Nền kinh tế Ukraine đã bị ảnh hưởng nặng nề kể từ khi xung đột xảy ra hồi cuối tháng 2 với hơn 5,23 triệu người đi sơ tán sang các nước láng giềng. Những người đi sơ tán chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và những người trên 60 tuổi, trong đó có khoảng 2,75 triệu người trong độ tuổi lao động.
Trước tình hình này, Chính phủ Ukraine đã nỗ lực để duy trì hoạt động của hệ thống bảo trợ xã hội quốc gia bằng cách đảm bảo việc chi trả các quyền lợi, bao gồm cả những người phải di dời trong nước, thông qua việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số.
ILO cũng nhanh chóng đưa ra những khuyến nghị một số biện pháp tức thời nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng đối với thị trường lao động Ukraine, bao gồm tạo điều kiện thuận lợi cho các sáng kiến của các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động để họ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo và đảm bảo tiếp tục công việc, nếu có thể. Những nỗ lực cá nhân và tập thể của các đối tác xã hội có thể đóng góp tích cực vào việc gắn kết và thúc đẩy sự phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội và chính trị.
Trước đó vào ngày 10/5, Ngân hàng Phát triển và Tái thiết châu Âu (EBRD) cho biết nền kinh tế Ukraine dự kiến sẽ giảm gần 30% trong năm nay sau khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt tại nước này.
Xung đột Nga - Ukraine đã gây tổn hại nghiêm trọng đến ngành nông nghiệp chủ chốt của Ukraine vì nước này là nước xuất khẩu lúa mỳ và dầu hướng dương lớn. Xung đột cũng đã làm cản trở hoạt động cung cấp các loại cáp từ Ukraine cho các nhà sản xuất ô tô châu Âu.
EBRD cho biết thêm rằng nền kinh tế của Nga, sau khi hứng chịu các lệnh trừng phạt, sẽ giảm 10% trong năm 2022 và tăng trưởng bằng 0 vào năm 2023, không thay đổi so với ước tính đưa ra trong tháng 3/2022.
Văn phòng Tổng thống Ukraine mới đây cho biết, 50% công ty của nước này đã ngừng hoạt động, số còn lại duy trì kinh doanh ở mức hạn chế. Một số nhà máy luyện kim lớn nhất, trong đó có hai nhà máy ở Mariupol, các nhà máy ở Kryvyi Rih và Zaporizhia đã ngừng sản xuất vì không thể xuất khẩu do các cảng bị phong tỏa.
Hoạt động kinh tế cũng bị tê liệt do một số lượng lớn người sơ tán. Hơn 2,7 triệu người đã rời Ukraine. Hiện chưa rõ số người phải di dời ở trong nước, nhưng chắc chắn con số lên tới vài triệu người (khoảng 2 triệu người rời Kiev). Chính quyền đã phải kêu gọi các doanh nghiệp vừa và nhỏ quay trở lại làm việc, nếu hoàn cảnh cho phép.