Không bàn luận về thế dáng, hoa Mai rất đa dạng và có nhiều chủng loại khác nhau từ hoa đến lá như: Mai 5 cánh tự nhiên, Mai núi hồng diệp, Mai chủy, Mai động, Mai sẽ, Mai cúc, Mai ngự (Hoàng Mai Huế), Mai tứ quý, Mai giảo…
Đặc tả về 2 giống Mai vàng thông dụng: Mai lá xanh và Mai lá đỏ. Mai lá xanh là giống Mai có lá non màu xanh, thường gọi là thanh diệp, được trồng phổ biến ở Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Mai lá đỏ là giống Mai có lá non màu đỏ, thường gọi là hồng diệp, nguồn gốc từ Mai rừng tự nhiên ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Đặc trưng của hoa Mai lá xanh thuần chủng có 5 cánh phảng phất hương thơm dịu ngày trước thường trồng tại Cung đình Huế gọi là Mai ngự.
Mai lá đỏ khác nhau về lá như: Lá dày, lá mỏng, lá nhỏ, lá to; hoa cũng khác nhau về cánh và sắc màu: Hoa cánh lớn, hoa cánh nhỏ; hoa 5 cánh, hoa nhiều cánh xếp thành 1 tầng hoặc 2 tầng (tác giả đã được chiêm ngưỡng hoa 12 cánh ở Đăk Lăk); sắc hoa màu vàng mơ, vàng mỡ gà…
Thanh kỳ cốt cách: Người xưa không ngớt lời tán tụng hoa Mai. Nhưng có lẽ, tựu trung rồi cũng không ra ngoài 4 chữ “thanh kỳ cốt cách”. Đó chính là mỹ hiệu ngắn nhất, hội ý nhất mà người xưa dành tặng cho hoa Mai. Trong thi ca, điển tích và cổ truyện phương Đông; hoa Mai có một vị trí đặc biệt và lâu đời, điển hình Việt Nam có tác phẩm khuyết danh Nhị Độ Mai (hoa Mai nở 2 lần). Trong truyện Kiều, Nguyễn Du (1766 - 1820) nhà thi ca lỗi lạc đã ý tứ biết bao khi phóng bút những dòng đầu đã mô tả tài sắc hai chị em vườn Thúy:
“Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”
Cụ Tố Như đã phóng bút khởi đầu về “cái đẹp” bằng “cốt cách và tinh thần”, hai biểu tượng được cân nhắc lựa chọn để trưng bày qua bút pháp thăng hoa. Nhiên hậu rồi mới đến những diễn tả về hình thức, dung nhan…
Nguyễn Du thâm cảm hoa Mai đã không ngần ngại đưa loài hoa ấy lên hàng đầu! Đó là một cách nói kín đáo và cao diệu, ẩn tàng nhiều ý nghĩa nằm sâu trong 2 câu lục bát đã dẫn… Người đọc, với tinh thần văn hóa phương Đông tất nhiên cảm nhận được điều sâu lắng của Cụ Tố Như. “Nét đẹp trước tiên của truyện Kiều được chọn phải là nét đẹp của hoa Mai”.
Còn Cao Bá Quát (1809 - 1855), một thi nhân ngạo nghễ trên thi đàn thời Vương triều Nguyễn nổi tiếng văn hay, chữ tốt (văn như Siêu, Quát vô tiền Hán) được người đời tôn vinh là Thánh Quát vẫn phải “đê thủ” (cúi đầu) trước hoa Mai - Nhất sinh đê thủ bái Mai hoa. Loài hoa ấy hiển hiện trên thế gian mang những nét đặc trưng đến nỗi Cao Chu Thần mặc nhiên tự nhận “suốt đời phải chiêm bái và cúi đầu trước nó”.
Thực ra, hoa Mai thì ai cũng biết, không phải thuộc hàng “kỳ hoa, dị thảo” quý hiếm ở đời. Nhưng, đại đa số những tài hoa kiệt xuất, danh sĩ đều dành sự ưu ái cho hoa Mai. Cho đến giới bình dân, nhất là những nơi có vườn rộng cũng yêu thích hoa Mai. Tất nhiên, loài hoa ấy phải hòa hợp nhiều nét đặc thù không thể có ở một loài hoa khác. Qua đó, hoa mai mới kết hợp được một điều tưởng chừng như mâu thuẫn vừa nói là được sự ưu ái của đại đa số quần chúng lẫn giới tài hoa: Danh sĩ, văn gia, tao nhân mặc khách…
Biểu tượng của hoa Mai toát lên nhiều hiện thực chung cùng trong xã hội dẫn đến những bài học cho triết lý hành động, sự phấn đấu với những trở lực muôn thuở cản ngăn từ những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc đời đưa đến. Nhưng, tự thân hoa Mai vẫn gìn giữ được sự thanh cao. Và điều đặc biệt là nó đã chuẩn bị cho sự bừng nở tinh hoa mỗi độ Xuân về ngay từ trong thời kỳ giá đông, lạnh lẽo, thời kỳ mà gần như vạn vật triền miên ngủ đông.
Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258 - 1308) đã xướng lên phẩm chất và khí khái của hoa Mai trong bài Vịnh Mai:
“Thiết đảm thạch can lăng hiểu tuyết
Cảo quần luyện thuế nhạ đông phong”
Ý là: Gan dạ, sắt đá vượt lên sương tuyết buổi sớm; quần lụa mộc, khăn lụa trắng đón gió đông.
Bài thơ này từ trong sâu thẳm đã toát ra khẩu khí của bậc Đế Vương. Nội hàm Ngài ca ngợi phẩm chất thanh cao, đẹp đẽ vượt trội, nội lực mạnh mẽ, ngạo tuyết lăng sương mà lại ưu việt xuất quần. Hoa Mai trong bài thơ vịnh của Ngài đã đương đầu với tuyết, tự thân gan dạ sắt đá, giản dị thanh nhã mà đón gió đông về. Mai vàng còn có một sợi dây liên hệ với cốt cách tinh thần của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Sinh thời, Ngài rất yêu hoa, tinh thần đó được biểu hiện rất rõ trong những trước tác mà Ngài để lại cho đời. Ngài có 3 bài vịnh hoa Mai là “Mai, Tảo Mai kỳ nhất và Tảo Mai kỳ nhị”.
Mai vàng cũng biểu tượng cho sự thanh bạch, sức sống bền bỉ, hướng thiện của người Việt theo triết lý “nhập thế” của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Sắc vàng của Mai gợi ra nhiều liên tưởng đến đạo Phật. Xưa nay, người con Phật coi sắc vàng là biểu tướng “sắc kim thân” của Phật.
Mai thường biểu tượng cho khí tiết người sĩ phu quân tử, không chịu sự chi phối của hoàn cảnh nên được xưng tụng là “Quân tử mai”. Mai chiếm một vị trí quan trọng trong thơ Mãn Giác Thiền sư, Cao Bá Quát, Nguyễn Trãi… và nhiều nhất là trong thi ca thời Lý, Trần.
Cây mai quý nhất là nơi ra hoa. Có 2 điểm quý là: Nhất xương hoa, nhì đỉnh hoa. Hoa như thế nào mới được gọi là “xương hoa”? Hoa nở ở thân, đó chính là “xương hoa”. Đỉnh hoa là hoa nở ở trên chóp đỉnh cành cao nhất của cây Mai.
Hình tượng hoa Mai không những được tụng ca trong văn chương mà còn phô bày bằng hiện vật thông qua bộ đồ uống trà, một thú vui tao nhã thanh cao của người đời. Theo sử liệu, Cụ Đặng Huy Trứ (1825 - 1874) quê làng Thanh Lương, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế (chức quan Bình Chuẩn sứ dưới triều vua Tự Đức). Sinh thời, Cụ Đặng khi đến xứ Quảng Đông bên Tàu đã đặt làm nhiều đồ sứ vào năm Mậu Thìn 1868 về dâng tặng cho nhà thờ họ Đặng tại làng Thanh Lương. Những đồ sứ ấy, mỗi thứ chỉ đặt một bộ vẽ tích riêng, dưới đáy đều có hiệu đề chữ Hán viết thành vòng tròn giống nhau ở 12 chữ đầu: Tự Đức Mậu Thìn Trung thu Đặng quý từ đường tế khí… riêng mấy chữ cuối là tên điển tích vẽ trên món đồ thì khác nhau. Tiếc thay, những đồ sứ này về sau đều tứ tán cả.
Được biết, nay còn chiếc đĩa trà trang trí đồ án “đạp tuyết tầm Mai” (giẫm lên tuyết đi tìm hoa Mai) có đường kính 16,5cm, cao 2,5cm do ông Trần Đình Sơn ở TP Hồ Chí Minh đang sở hữu. Đây là chiếc đĩa bàn trong bộ đồ uống trà được dùng như chiếc khay để đựng những chiếc chén uống trà nhỏ. Lòng đĩa trang trí phong cảnh sơn thủy – nhân vật, vẽ hình một người cưỡi lừa, sau lưng là tiểu đồng đang vác cành Mai đi theo. Phía trên có 2 câu thơ chữ Hán: “Tuyết trung vị vấn điều canh sự. Tiên cú bách hoa đầu thượng khai” (trong tuyết giá chưa hỏi đến công nhà vua giao phó. Câu đầu tiên là để thưởng thức hoa Mai nở trước trăm hoa). Dưới đáy đĩa có hiệu đề gồm 14 chữ Hán viết thành hình vòng tròn: “Tự Đức Mậu Thìn Trung thu Đặng quý từ đường tế khí Mai tuyết”. Đây là chiếc đĩa trong bộ đồ trà có tên Mai tuyết do Cụ Đặng Huy Trứ đặt làm ở Quảng Đông.
Sẽ không đầy đủ ý nghĩa nếu thiếu đi bạn đồng hành của Mai là “gió và tuyết”, hai hình tượng này chính là trở lực lớn lao nhất đối với sự mỏng manh của hoa Mai. Thế nhưng, khát vọng cao nhất của Mai là dựa vào nội lực tiềm tàng để vượt qua trở lực “gió tuyết” nhằm mãn khai vào độ Xuân về. Mùa này, tuyết tan dần dưới ánh dương quang, đây chính là khải hoàn ca của Mai hòa sắc cùng muôn loài trong tiết Xuân.
Sau thời gian vạn vật bị bào mòn bởi mùa Đông – mùa Xuân, mùa của sự sống trỗi dậy thức tỉnh lại trở về! Giữa không gian bàng bạc tĩnh tại không kém phần thâm nghiêm, giữa thời khắc chuyển mùa theo vận hành đúng độ đi – về của tạo hóa; những nụ hoa hàm tiếu lẫn mãn khai của Mai như điểm xuyết thêm sắc màu bình an, kỳ vọng vươn lên cho mọi loài giữa đất trời mênh mông vô tận!