Làm rõ trường hợp cấp bách được huy động người, phương tiện, thiết bị
Phát biểu tại phiên họp, bày tỏ tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự của Ủy ban Thường vụ QH, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) cho rằng, dự thảo Luật đảm bảo tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc luật hóa các quy định về quyền con người, quyền công dân, thống nhất với các quy định liên quan đến chức năng nhiệm vụ và xây dựng lực lượng cảnh sát cơ động, tạo cơ sở vững chắc để lực lượng cảnh sát cơ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phù hợp với yêu cầu xây dựng, bảo vệ nhà nước pháp quyền XHCN.
Để hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 5 về vấn đề xây dựng Cảnh sát cơ động theo hướng quy định “Nhà nước xây dựng Cảnh sát cơ động trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; ưu tiên nguồn lực phát triển Cảnh sát cơ động” để đảm bảo thống nhất với Khoản 1 Điều 9 về nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động.
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn TP Hà Nội) đề cập đến quy định về trường hợp cấp bách được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự quy định tại Điều 16 dự thảo Luật.
Theo đại biểu, đây là nội dung quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân và quyền tài sản. Do đó, cần có quy định chặt chẽ nội dung này hoặc sau khi luật được ban hành phải có văn bản hướng dẫn dưới luật, quy định rõ các trường hợp cấp bách để tránh sự lạm quyền của người thi hành công vụ, tránh làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức đồng thời giúp cảnh sát cơ động thuận tiện cho việc thực hiện nhiệm vụ này.
Đồng quan điểm, đại biểu Bế Minh Đức (đoàn Cao Bằng) cho rằng, việc quy định trong một số trường hợp đặc biệt, cảnh sát cơ động được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự và người đang sử dụng điều khiển thiết bị, phương tiện đó để đảm bảo khả năng hoàn thành nhiệm vụ là cần thiết.
Tuy nhiên, theo đại biểu, cần cân nhắc, xem xét kỹ để đưa ra các quy định chặt chẽ về phạm vi và thẩm quyền về việc huy động nói trên.
Để tránh việc lạm dụng quyền trên một cách rộng rãi cũng như tránh xảy ra những hệ lụy không đáng có, đại biểu Bế Minh Đức nêu rõ, về phạm vi, trường hợp được huy động người và thiết bị dân sự bao gồm cả trường hợp trong khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự tại điểm d, khoản 3, Điều 9 là chưa hợp lý.
Cho rằng hoạt động tuần tra, kiểm soát, đảm bảo an ninh trật tự là hoạt động thường xuyên, không mang tính cấp bách, đại biểu nhận định, quy định quyền huy động trong trường hợp này là không phù hợp.
Vẫn theo đại biểu Bế Minh Đức, quy định về thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự như dự thảo Luật là quá rộng.
Nhấn mạnh, trường hợp lạm dụng quyền huy động vì mục đích cá nhân thì việc xử lý hệ lụy sẽ rất phức tạp, đại biểu Bế Minh Đức đề nghị cân nhắc quy định chỉ những trường hợp đặc biệt, thật sự cần thiết mới là phạm vi để cảnh sát cơ động có thể huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự; đồng thời giới hạn người có thẩm quyền huy động khi thực hiện nhiệm vụ độc lập phải là những người phục vụ lâu dài trong lực lượng hoặc giữ cấp bậc, chức vụ nhất định.
Quy định chi tiết để tránh chồng chéo về quyền hạn
Liên quan đến quyền hạn của Cảnh sát cơ động được quy định tại Điều 10 của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) bày tỏ đồng tình với quy định cảnh sát cơ động có quyền ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm mục tiêu bảo vệ của Cảnh sát cơ động trong phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đại biểu, trong thực tế các loại phương tiện bay siêu nhẹ này tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa với các mục tiêu bảo vệ
Trong khi đó, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) đề nghị cần nghiên cứu quy định cụ thể, rõ ràng hơn nội dung này hoặc giao cho Chính phủ quy định chi tiết nhằm tránh chồng chéo với nhiệm vụ của lực lượng phòng không của Bộ Quốc phòng. Đây cũng là quan điểm của đại biểu Lương Văn Hùng (Đoàn Quảng Ngãi).
Về thiết lập khu vực cấm bay, hạn chế máy bay không người lái hoặc các phương tiện bay siêu nhẹ, đại biểu Dương Khắc Mai cho biết, một số khu vực cấm bay, hạn chế bay do Bộ Quốc phòng quản lý, bảo vệ, lực lượng cảnh sát cơ động không thể tiếp cận và triển khai nhiệm vu.
Do đó, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị cần xác định cụ thể phạm vi số khu vực cấm bay, hạn chế bay mà lực lượng cảnh sát cơ động có thể thực hiện nhiệm vụ để đảm bảo tránh chồng chéo với các đơn vị của Bộ Quốc phòng.
Có cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) đề nghị quy định cụ thể, rõ ràng việc phối hợp giữa Bộ Quốc phòng với cảnh sát cơ động trong việc thực hiện nhiệm vụ này.
Đưa ra ý kiến tranh luận tại phiên họp, đại biểu Quản Minh Cường (đoàn Đồng Nai) cho rằng, việc quy định về đường bay, quản lý không lưu, quản lý hoạt động phương tiện bay đã được quy định tại Luật Hàng không dân dụng Việt Nam; Công ước Chicago về Hàng không Dân dụng quốc tế cũng quy định rõ về vấn đề này.
Vì vậy, theo đại biểu, quy định nội dung này trong dự thảo Luật là chưa hợp lý, mà cần điều chỉnh bởi luật khác.
Đại biểu đề xuất, trên cơ sở xem xét tính cần thiết, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có thể xây dựng Nghị định về mối quan hệ phối hợp, quy chế phối hợp quản lý phương tiện bay để trình Thủ tướng ký ban hành.
Đại biểu Lại Văn Hoàn (Đoàn Thái Bình) đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục sửa đổi, bổ sung, làm rõ tính đặc thù của cảnh sát cơ động, trong đó cân nhắc bổ sung chức năng đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật của cảnh sát cơ động cho phù hợp với Luật Công an nhân dân và thực tiễn thực hiện nhiệm vụ; làm rõ vai trò chủ trì, phối hợp của cảnh sát cơ động với các lực lượng khác trong thực hiện nhiệm vụ.