WB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên 7,5%

Bất chấp những khó khăn, triển vọng của nền kinh tế Việt Nam vẫn thuận lợi. Dự kiến, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 7,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023 - Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo. Đây là con số cao hơn đáng kể so với dự báo hồi tháng 4 là 5,3%.

Chiều 8/8, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức buổi công bố Báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ấn phẩm tháng 8 năm 2022.

Với tựa đề "Giáo dục để tăng trưởng", báo cáo của WB đề cập tới những diễn biến mới nhất của nền kinh tế Việt Nam, đưa ra những dự báo về triển vọng ngắn hạn và trung hạn của nền kinh tế; cũng như những nhận định về rủi ro nội tại và bên ngoài liên quan đến triển vọng tăng trưởng của Việt Nam.

Đáng chú ý, theo báo cáo, WB dự kiến GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 7,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023. Đây là con số cao hơn đáng kể so với mức dự báo trong báo cáo Cập nhật Tình hình Kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương kỳ tháng 4 của WB (tăng trưởng 5,3%).

Báo cáo của WB chỉ ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế toàn cầu sau 2 năm khủng hoảng của đại dịch COVID-19 như cuộc xung đột Nga - Ukraine, việc kiểm soát sự lây lan biến thể Omicron của COVID-19 tại Trung Quốc... Với những trở ngại đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 được dự báo chỉ đạt 2,9%.

wb-nang-du-bao-tang-truong-kinh-te-viet-nam-len-75-1659961699.jpg
WB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên 7,5% (Ảnh minh họa: Internet)

Theo WB, kinh tế Việt Nam bắt đầu hồi phục trở lại từ mùa thu năm 2021 nhờ tỷ lệ tiêm vaccine cao tạo điều kiện cho quốc gia mở cửa trở lại. Nền kinh tế đã phục hồi nhanh chóng, tăng trưởng với tốc độ 5,2% trong quý IV/2021, đạt 5,1% trong quý I/2022 và 7,7% trong quý II/2022.

Tuy nhiên, quá trình phục hồi vẫn chưa đầy đủ và đồng đều, đặc biệt là các ngành dịch vụ mới chỉ đang hồi phục. Các động lực tăng trưởng dự kiến sẽ hướng chuyển từ dựa vào nhu cầu bên ngoài sang dựa vào nhu cầu trong nước, từ khu vực chế tạo chế biến sang khu vực dịch vụ. Quá trình phục hồi của khu vực dịch vụ dự kiến sẽ được đẩy mạnh do người tiêu dùng trong nước tăng chi tiêu và số lượt khách du lịch quốc tế phục hồi.

Ngược lại, sản xuất công nghiệp dự kiến sẽ chững lại do sức cầu bên ngoài yếu đi. Lạm phát được dự báo sẽ tăng đến 4% vào năm 2023, trước khi chững lại còn 3,3% trong năm 2024. Về kinh tế đối ngoại, tài khoản vãng lai dự kiến quay lại mức thặng dư nhỏ (0,2 - 0,6% GDP) trong trung hạn nhờ xuất khẩu hàng hóa vẫn đứng vững, du lịch quốc tế phục hồi và nguồn kiều hối dồi dào.

WB khuyến cáo các cấp có thẩm quyền phải chủ động có những biện pháp và chính sách để cân bằng giữa nhu cầu tiếp tục chính sách hỗ trợ nhằm củng cố quá trình phục hồi với nhu cầu kiềm chế lạm phát và rủi ro tài chính đang phát sinh, để nền kinh tế duy trì được triển vọng tích cực trước sự gia tăng của rất nhiều rủi ro hiện hữu.

Trọng Huyền