Sáng 6/6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội và đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Các ý kiến thảo luận đều bày tỏ thống nhất cao với tờ trình nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo thẩm tra 2 dự án.
Mở không gian phát triển mới
Phát biểu mở đầu phiên thảo luận tại Tổ 2 (Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh), đại biểu Phan Văn Mãi nhấn mạnh, dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh được triển khai và sớm hoàn thành sẽ giúp cho Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh trong khu vực dự án, đặc biệt khu vực kinh tế trọng điểm phía nam, giải điểm nghẽn về giao thông, đồng thời mở ra 1 tuyến giao thông chiến lược xuyên tâm từ Thành phố Hồ Chí Minh tới các địa phương trong vùng dự án, bên cạnh việc tạo ra dòng lưu thông thông suốt, giúp thời gian vận chuyển ngắn hơn và giảm chi phí logistics.
Ngoài ra, tuyến đường này cũng đóng vai trò là hành lang cho đô thị và công nghiệp không chỉ của 4 tỉnh dự án (Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An) mà còn có tác động lan tỏa cho cả khu vực phía nam, là tuyến đầu kết nối của rất nhiều tuyến cao tốc nối Thành phố Hồ Chí Minh với miền đông và tây nam bộ.
“Khi hoàn thành tuyến đường vành đai 3 này, sẽ giải quyết vấn đề không chỉ là giao thông mà còn là kết nối vùng, mở ra không gian phát triển và tạo động lực phát triển mới cho khu vực kinh tế trọng điểm phía nam trong thời gian tới”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất lớn trong việc phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân. Nhấn mạnh đây không những là nhu cầu cần thiết mà lên đến “cấp thiết”, đại biểu nêu rõ, Đông Nam Bộ hiện đóng góp 42% GDP cả nước và 40% ngân sách nhà nước, nếu đầu tư nhanh tuyến đường này sẽ giúp Đông Nam Bộ đóng góp nhiều hơn cho cả nước.
Bày tỏ “chạnh lòng” khi chứng kiến hạ tầng giao thông ở miền nam chưa tương xứng với tiềm lực và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội khu vực này, đại biểu Tô Thị Bích Châu nhất trí với quan điểm khu vực kinh tế trọng điểm phía nam rất cần những tuyến đường rộng 6 làn xe.
“Bản thân tôi đi thăm người dân các vùng khó khăn, sạt lở có khi 10 tiếng mới đến được Sóc Trăng, có nơi chạy được 60-80km/h nhưng chỉ đi được 30km/h. Hẹn dân ra mà để người dân chờ 3-4 tiếng đồng hồ, chúng tôi tới nơi xin lỗi mà vẫn xót xa. Hay đến An Giang đi 12 tiếng là chuyện bình thường vì các con đường tắc nghẽn. Lần này Quốc hội thông qua đầu tư các tuyến đường, tôi hình dung được gương mặt người dân sẽ rất vui mừng nếu chúng tôi đến được đúng giờ, không bị chậm và đi được nhiều nơi, thăm được nhiều người dân hơn”, đại biểu Tô Thị Bích Châu bày tỏ.
Cần cơ chế đặc thù giải tỏa những tắc nghẽn
Trước các băn khoăn về những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm nguồn vốn đầu tư cho dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh triển khai và hoàn thành đúng tiến độ đề ra, nhiều ý kiến các đại biểu đề xuất cần phải có cơ chế đặc thù để giải quyết những vướng mắc.
Dự án được thực hiện dưới hình thức đầu tư công, với ngân sách trung ương chiếm 50%, còn lại là ngân sách địa phương (riêng Long An ngân sách trung ương chiếm 75%, địa phương chiếm 25%).
Theo đại biểu Trần Anh Tuấn, trong quá trình triển khai, các địa phương đã có cam kết tương đối về vốn. Khâu vướng nhất làm quá trình triển khai kéo dài là công tác giải phóng mặt bằng. Dù địa phương đã bỏ ngân sách để phục vụ công tác này, theo đại biểu, Trung ương cũng cần hỗ trợ các địa phương xây dựng các chính sách đền bù thỏa đáng, để làm sao hài lòng, đáp ứng mong muốn của người dân.
Theo đó, đại biểu kiến nghị chính sách đền bù phải theo kịp cơ chế thị trường và Trung ương cần có trách nhiệm hỗ trợ, gỡ khó cho địa phương về công tác giải phóng mặt bằng.
Nêu rõ thời gian triển khai dự án đã chậm mất gần 1 năm, đại biểu Đỗ Đức Hiển đề nghị cơ chế đặc thù cho dự án cần phải được thực hiện xuyên suốt trong cả thời gian dự án, đặc biệt là cơ chế về khai thác mỏ khoáng sản vì còn 1 số dự án cao tốc khác cũng đang được triển khai.
Ngoài ra, theo đại biểu, vì tính chất liên vùng quan trọng, trong công tác giải phóng mặt bằng còn liên quan đến vùng giáp ranh giữa các địa phương, nên cần tính toán chính sách giải phóng cho các vùng này bảo đảm cân đối, tránh gây ra bất bình đẳng.
Nhất trí việc giải phóng mặt bằng rất quan trọng để bảo đảm tiến độ dự án, đại biểu Dương Ngọc Hải cho rằng công tác này không đơn giản song cần phải giải quyết ngay.
Đại biểu nêu rõ, việc giao cho Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án sẽ bảo đảm tính tổng thể đồng bộ, trách nhiệm cao trong thủ tục triển khai.
Đây là trách nhiệm của các địa phương dự án mà Thành phố Hồ Chí Minh có vai trò quyết định nhưng cũng cần hỗ trợ từ Chính phủ, Quốc hội để có những chính sách kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, bảo đảm tiến độ cho dự án, đại biểu Dương Ngọc Hải nhấn mạnh.
Nêu kinh nghiệm từ tuyến đường vành đai 2 dài trên 50km của Hà Nội vốn đã có quyết định phê duyệt triển khai từ 2008 nhưng hiện giờ vẫn còn hơn chục km chưa xong, đại biểu cho rằng, nếu không có quyết tâm cao thì sẽ rất khó để hoàn thành dự án vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đúng thời hạn.
Cũng từ thực tế tuyến đường trên cao chậm tiến độ, đại biểu Nguyễn Minh Đức nêu rõ, cần gắn quyền lợi với trách nhiệm của địa phương trong thực hiện dự án. Đại biểu kiến nghị ngay từ bây giờ, cần rút kinh nghiệm từ các dự án trước chậm tiến độ, tìm ra nguyên nhân, đồng thời ngay từ đấu thầu phải lựa chọn nhà thầu chất lượng, đủ năng lực để bảo đảm thống nhất trong triển khai dự án. Ngoài ra, việc liên kết với các tỉnh cũng cần thống nhất, ráp nối để tránh các trục trặc phát sinh.