Khi chiến sự lan rộng ở Ukraine, Kyiv đã đề nghị một số quốc gia châu Âu chuyển vũ khí cũ từ thời Liên Xô của họ cho nước này, giúp Ukraine chiến đấu chống lại Nga. Ba Lan từng đề xuất chuyển giao số tiêm kích MiG-29 do Liên Xô sản xuất của họ cho Ukraine.
Slovakia cũng sẵn sàng chuyển giao tổ hợp phòng không tầm xa S-300 của họ cho Ukraine, kèm theo điều kiện Mỹ chuyển giao cho họ tổ hợp phòng không Patriot. Một số quốc gia Đông Âu khác cũng sẵn sàng chuyển giao vũ khí từ thời Liên Xô như xe tăng, pháo binh và một số vũ khí khác.
Vũ khí thời Liên Xô vẫn còn nhiều
Khi Hiệp ước Warsaw tan rã, một số quốc gia từng thuộc Liên Xô đã gia nhập Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Năm 1999, Cộng hòa Czech, Hungary, Ba Lan gia nhập NATO. Bulgaria, Estonia, Latvia, Litva, Romania và Slovakia gia nhập NATO tháng 3/2004. Albania trở thành thành viên NATO vào năm 2009.
Dù tham gia NATO, các quốc gia nói trên vẫn sử dụng khá nhiều loại vũ khí từ thời Liên Xô.
Theo Global Fire Power, dù gia nhập NATO 23 năm, Hungary vẫn chưa thể thay thế hết vũ khí từ thời Liên Xô. Quân đội nước này vẫn còn sử dụng xe tăng T-72, xe bọc thép chở quân dòng BTR.
Ba Lan cũng là thành viên của NATO 23 năm, nhưng tiêm kích MiG-29 vẫn là nòng cốt trong sức mạnh chiến đấu của không quân nước này bên cạnh F-16 của Mỹ. Ba Lan đã đặt hàng 32 tiêm kích tàng hình F-35 để thay thế cho MiG-29, nhưng đó vẫn là câu chuyện của tương lai.
Ba Lan vẫn tiếp tục hiện đại hóa xe tăng T-72 để sử dụng song song với xe tăng M1 Abrams của Mỹ. Các loại tên lửa phòng không do Liên Xô sản xuất vẫn là trụ cột trong sức mạnh phòng không của Ba Lan.
Tiêm kích MiG-29, cường kích Su-25 vẫn là trụ cột sức mạnh của không quân Bulgary, dù họ là thành viên NATO được 17 năm. Nòng cốt trong sức mạnh của lực lượng mặt đất nước này vẫn là vũ khí từ thời Liên Xô.
Điểm qua kho vũ khí của quân đội Romania vẫn là vũ khí từ thời Liên Xô. Slovakia vẫn phải dựa vào vũ khí từ thời Liên Xô để bảo vệ đất nước.
Sở dĩ các quốc gia vẫn phải dựa vào vũ khí Liên Xô vì việc thay thế chúng rất tốn kém và mất nhiều thời gian, dù họ đã là thành viên NATO từ rất lâu. Việc thay thế toàn bộ vũ khí Liên Xô bằng vũ khí NATO đòi hỏi khoản ngân sách khổng lồ.
Ngoài ra, để chuyển hoàn toàn sang vũ khí phương Tây, các nước cần thay thế toàn bộ hệ thống bảo trì, đào tạo, hậu cần, thông tin liên lạc. Việc này tiếp tục cần thêm khoản ngân sách khổng lồ nữa.
Những khoản phí trên vượt quá khả năng của nhiều quốc gia. Do đó, họ tiếp tục dựa vào vũ khí Liên Xô và từng bước thay thế dần bằng vũ khí phương Tây Quá trình này có thể mất đến hàng thập kỷ.
Ukraine quen với vũ khí Liên Xô
Sau khi Ukraine tuyên bố độc lập, quân đội nước này tiếp tục hoạt động theo mô hình Liên Xô trước đây.
Trang bị vũ khí của quân đội Ukraine đều là vũ khí do Liên Xô sản xuất. Công nghiệp quốc phòng nước này đã sản xuất một số vũ khí mới, song chúng vẫn được chế tạo trên nền tảng từ thời Liên Xô.
Từ các chỉ huy đến binh lính đều quen với việc sử dụng vũ khí Liên Xô. Do đó, Kyiv đến nay chủ yếu yêu cầu các nước thuộc Liên Xô cũ, hay khối Warsaw cũ chuyển giao vũ khí Liên Xô cho họ.
Kyiv có thể ngay lập tức đưa những vũ khí này vào chiến trường mà không cần phải qua đào tạo, vì họ đã quá quen thuộc với chúng.
Mỹ và một số nước phương Tây đã tăng cường hỗ trợ vũ khí cho Ukraine, song chúng cơ bản là những vũ khí đơn giản như tên lửa chống tăng vác vai, tên lửa phòng không vác vai, những vũ khí này không mất quá nhiều thời gian để làm quen và sử dụng.
Tuy vậy, đến nay Ukraine chủ yếu nhận được vũ khí hạng nhẹ và thiết bị chiến đấu cá nhân. Slovakia đã cam kết chuyển giao tổ hợp phòng không tầm xa S-300 cho Ukraine, nhưng chưa rõ thời gian. Ukraine cũng chưa nhận được bất kỳ vũ khí hạng nặng nào như mong muốn.