Vì sao kết quả đàm phán Nga – Ukraine sẽ thay đổi cục diện an ninh châu Âu?

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine cho đến nay, hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận chung nào. Một hiệp ước được ký kết giữa hai nước có thể có những tác động sâu rộng vượt ra ngoài quan hệ song phương, làm thay đổi cục diện an ninh châu Âu.

Ngày 28/2, Nga và Ukraine bắt đầu các cuộc đàm phán tập trung vào 4 khía cạnh chính là chính trị, phi quân sự hóa, vấn đề Crimea và Donbass, và việc mở rộng NATO.

Cho đến nay, đàm phán giữa hai bên vẫn chưa đạt được nhiều tiến bộ. Bước đột phá duy nhất là Ukraine cho biết sẽ sẵn sàng từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO. Tuy nhiên, điều này sẽ không xảy ra nếu không có điều kiện.

Chính phủ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố sẽ yêu cầu phương Tây đảm bảo an ninh. Bài viết của nhà báo Alexander Nepogodin đăng trên RT đã xem xét hàm ý của việc Ukraine cam kết không gia nhập NATO và giữ thái độ trung lập, đồng thời chỉ ra cách các cuộc đàm phán hòa bình Nga – Ukraine có thể định hình lại an ninh châu Âu.

vi-sao-ket-qua-dam-phan-nga-ukraine-se-thay-doi-cuc-dien-an-ninh-chau-au-1650029038.jpg
Cuộc đàm phán hòa bình giữa phái đoàn từ Nga và Ukraine tại Văn phòng Tổng thống Dolmabahce ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29/3. Ảnh: Getty Images

Cơ hội thỏa hiệp trong đàm phán Nga - Ukraine

Sau khi NATO từ chối chấp nhận Ukraine là thành viên, Ukraine nhận ra họ sẽ không được hỗ trợ trong trường hợp tranh chấp liên quan đến lãnh thổ hoặc chủ quyền, dù ở thời điểm hiện tại hay trong tương lai gần. Các cuộc đàm phán Nga-Ukraine kéo dài đã đạt được tiến bộ khi Tổng thống Zelensky cho biết đất nước của ông sẵn sàng chấp nhận một quy chế phi hạt nhân hóa và phi NATO.

Về bản chất, thỏa thuận này là việc Ukraine chấp nhận không gia nhập NATO, đổi lại ràng buộc các đảm bảo an ninh từ phương Tây. Chủ tịch Quốc hội Ukraine Ruslan Stefanchuk nói rằng Hiến pháp Ukraine có thể được sửa đổi để loại bỏ điều khoản về nguyện vọng gia nhập NATO. Đây là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ thỏa thuận hòa bình tiềm năng nào với Nga.

“Gia nhập EU và NATO được coi là mục tiêu chúng tôi theo đuổi trong Hiến pháp Ukraine. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tiến trình của các cuộc đàm phán và tìm cách để các thỏa thuận được phản ánh trong hiến pháp bằng cách mở rộng hoặc sửa đổi”, ông Stefanchuk nói.

Giấc mộng NATO của Ukraine

Khi tuyên bố độc lập vào năm 1991, Ukraine đã tự xác định là một quốc gia không liên kết có khả năng bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Ukraine đã thực hiện các nghĩa vụ không liên kết cho đến cuối năm 2014. Năm 2019, Tổng thống Petro Poroshenko đã ký một dự luật đề xuất ghi nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine vào hiến pháp của đất nước. Vào thời điểm đó, cơ hội gia nhập NATO của Ukraine khá thấp vì vị thế địa chính trị và sự bất ổn trong chính trị trong nước.

Tuy nhiên, sau khi Mỹ từ chối thảo luận về đảm bảo an ninh với Nga, Điện Kremlin triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt và yêu cầu Ukraine cam kết thực hiện một quy chế trung lập và không liên kết theo cách ràng buộc pháp lý và được quốc tế công nhận.

Việc gia nhập NATO trong bối cảnh này được các đối tác châu Âu của Ukraine coi là một bước trên con đường trở thành thành viên EU bởi đây là điều mà hầu hết các quốc gia ứng viên khác đã làm trước đây.

Tuy nhiên, gia nhập NATO không phải là điều kiện tiên quyết để trở thành thành viên EU. Ireland và Áo là các quốc gia EU muốn duy trì tình trạng không liên kết. Ngoài ra, mặc dù Serbia từ chối gia nhập NATO, nhưng đó không phải là trở ngại trên con đường gia nhập châu Âu. Do đó, rất có khả năng Ukraine sẽ sớm được trao quy chế quốc gia ứng viên tại EU.

Phó Thủ tướng Ukraine về hội nhập châu Âu và châu Âu-Đại Tây Dương Olga Stefanishina đã đưa ra tuyên bố về vấn đề này. Bằng cách này, cam kết không liên kết của Ukraine, dù với NATO hay bất kỳ liên minh hay khối quân sự nào khác, có thể trở thành một phần của thỏa thuận lớn hơn tập trung vào việc Ukraine gia nhập EU.

Ukraine cần sự đảm bảo an ninh

Tuy nhiên, kịch bản này bị hạn chế bởi các tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết đối với Donbass và Crimea. Khó có thể đạt được thỏa thuận lớn nếu Ukraine không công nhận nền độc lập của hai nước Cộng hòa Donetsk và Lugansk.

Thực tế kịch bản như vậy có thể xảy ra được chứng minh bằng tuyên bố của các thành viên trong phái đoàn Ukraine về sự cần thiết phải ký một thỏa thuận toàn diện về các đảm bảo đối với chủ quyền của Ukraine.

“Phần quan trọng của các thỏa thuận này là đảm bảo an ninh. Đảm bảo an ninh cần ngụ ý sự tồn tại của một nhóm quốc gia sẽ hỗ trợ đất nước chúng tôi”, ông Zelensky nói.

Ukraine nhấn mạnh vào những đảm bảo an ninh phải tương tự như Điều 5 của Hiệp ước NATO, nghĩa là nếu Ukraine trở thành đối tượng của sự can thiệp quân sự, nước này sẽ có quyền yêu cầu tham vấn trong vòng 3 ngày.

Các chuyên gia cho rằng các đảm bảo an ninh sẽ bao gồm cam kết Ukraine không triển khai các căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ của mình hoặc tham gia các liên minh hoặc khối quân sự. Nhưng điều quan trọng là thỏa thuận không được cản trở quyền gia nhập EU của Ukraine.

Trên thực tế, Ukraine vẫn muốn tự bảo vệ với sự trợ giúp của một bên tương tự như NATO với các đảm bảo an ninh được đề xuất giống như các biện pháp đảm bảo hoạt động bên trong khối.

Vấn đề khó khăn nhất có thể là việc thực hiện các thỏa thuận. Ukraine khẳng định để làm được điều này, trước tiên chúng phải được thông qua trong một cuộc trưng cầu dân ý, và sau đó các đảm bảo an ninh phải được quốc hội các nước liên quan phê duyệt./.