Áp lực khủng khiếp của nam sinh học giỏi thi trượt lớp 10!

Huyền Văn
Áp lực học tập, nỗi sợ khi đối mặt với những kỳ thi và những quyết định mang tính bước ngoặt của học sinh cuối cấp cần được lắng nghe, động viên để vượt qua.

Theo lời tâm sự từ một nam sinh học giỏi khi thi trượt lớp 10: Em Đ.V.A hiện là học sinh lớp 11 của một trường THPT tại Hà Nội. Em kể em đã có thời cấp 2 đáng mơ ước với 9 năm học luôn là lớp trưởng, là học sinh suất xắc nhất trường. Do vậy không có lý do gì để em ko tự tin khi đăng ký thi vào một trường điểm trên địa bàn Hà Nội trong kỳ thi vào cấp 3 hai năm trước. Và em đã nghĩ rằng chắc chắn sẽ đỗ vào trường đó.

Thế nhưng, mọi chuyện đã xảy ra không như em nghĩ. Em đã rất nhớ và chắc sẽ ko bao giờ quên vào hôm đó là 8h sáng khi em lên tra điểm thì chiếc bánh mì của em đang ăn dở trên tay rơi lúc nào mà em không biết. Em đã thực sự trượt cấp 3. Lớp em có 46 bạn, 45 bạn đỗ một mình em trượt. Em vẫn cảm thấy rằng lúc đó 9 năm học tập của em gần như bỏ đi. Gia đình em như hỗn loạn, bố mẹ em đóng cửa lại và lời qua tiếng lại. Em có nghe được một phần của cuộc cãi vã đó. Bố hoàn toàn mất niềm tin vào em và nói rằng em không thể theo được con đường học vấn. Khi đó em thực sự cảm thấy hạnh phúc khi vẫn còn có mẹ ở bên, vẫn còn một chút niềm tin ở em. Mẹ đã nói với bố hãy cứ cho em theo một trường tư nào đó để em sẽ sửa sai. Một lần em đã nghe bố nói:"mày không nên học nữa, hãy đi làm một công việc nào đó để sau cho đủ ăn con ạ, mày học cũng chả làm được gì đâu". Khi đó, mọi sự dồn nén, mọi cảm xúc của em nó như bị tuôn trào em đã nhảy lên và cãi nhau với bố, và bố em dường như quá buồn và thất vọng vì đã đặt quá nhiều niềm tin và hy vọng ở em nên đã mắng em một cách thậm tệ. Và 2 bố con em đã mất kiểm soát đến nỗi nhà hàng xóm phải sang can.
Hai ba tháng sau em được vào một trường tư học. Em rơi vào trầm cảm, không nói chuyện với ai, đi học về thẳng nhà. Nhưng may mắn ngay buổi học đầu tiên, chắc cô giáo chủ nhiệm lấy được thông tin từ mẹ em hay trong học bạ mà đã giao cho em làm lớp trưởng tạm thời. Khi đó em hơi sững người và suy nghĩ mình nói ai nghe? mình trượt mà? và lại tự nghĩ thôi kệ mình cứ làm đến đâu tính sau và có việc đã xảy ra trong môn lịch sử có bài thuyết trình em đã vượt qua được nỗi sợ hãi nhờ được sự động viên của cô giáo dạy Sử. Cả lớp lắng nghe em thuyết trình và khâm phục em. Và thực sự sau cái buổi thuyết trình đó em đã tìm lại bản thân mình tự tin tiếp tục học tập. Sau kết quả học kỳ 1 Bố mẹ em đã lấy lại được niềm tin ở em"

nlntv-1c5daf23a34c9a35bd02e9a39640db5f-1649923748.jpg
Ảnh: minh họa

Đây là một tâm sự của em học sinh sau khi đã trải qua cú sốc tâm lý vì thi trượt vào cấp 3, rất trung thực và xúc động. Vậy liệu những người làm cha làm mẹ chúng ta suy nghĩ gì sau khi đọc những dòng tâm sự này của con trẻ. Kỳ thi vào lớp 10 của các con đang đên gần, rất nhiều bậc phụ huynh lo lắng không biết con mình có được đỗ vào một trường công lập như mình mong muốn? Đó là mong ước của con trẻ hay là của các bậc phụ huynh? Hãy luôn động viên các con nỗ lực với những kiến thức thực chất con có đừng quá đặt hy vọng để rồi cả cha mẹ lẫn con rơi vào thất vọng dẫn đến các kết cục không hay mà gần đây liên tiếp xảy ra.
Để bảo vệ trẻ khỏi những tổn thương tâm lý, về phía nhà trường, thầy cô giáo cũng cần tìm sự đa dạng trong công tác giảng dạy, giảm tải về nội dung, có nhiều hoạt động tương tác, gắn kết với học sinh. Thầy cô luôn nhớ rằng, không có học sinh dốt, chỉ có phương pháp giáo dục chưa phù hợp. Việc học tập, đổi mới trong giảng dạy, tìm tòi những phương pháp giáo dục mới là việc làm thường xuyên của người giáo viên thời đại 4.0.

Tự bản thân mỗi học sinh cũng cần có một kế hoạch học tập, nghỉ ngơi khoa học, có mục tiêu cho mỗi môn học và biết các tự tạo động lực trong học tập bằng việc tạo cho mình một không gian học tập yên tĩnh, gọn gàng, thoáng mát, đầy đủ ánh sáng, được trang trí theo sở thích.
Kỳ thi vào lớp 10 diễn ra hàng năm không chỉ là cuộc vượt vũ môn của riêng các sĩ tử. Đi cùng với các em là những ông bố bà mẹ mất ăn mất ngủ vì lo lắng. Kỳ thi vào 10 càng căng thẳng hơn tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Nha Trang,… Khi mà chỉ tiêu vào các trường công lập thấp, chất lượng trường tư chưa đảm bảo. Còn mong muốn và kỳ vọng của cha mẹ vào con cái thì quá lớn.

nlntv-08dade08a1a6c8d5f4fb3209db3097f5-1649923883.jpg
Ảnh: Các con đang học ôn vào kỳ thi lơp 10/2022

Chuẩn bị cho con thi vào lớp 10 – từ những điều nhỏ bé nhất
Để chuẩn bị cho con thi vào lớp 10, trước một thử thách lớn và áp lực như vậy, các con cần được chuẩn bị chu đáo từ những thứ nhỏ nhất. Đơn giản là trang thiết bị học tập của con có đầy đủ và đáp ứng được yêu cầu hay không. Không gian học tập có khiến con thoải mái hay không. Bạn bè, trường lớp hiện tại có giúp con hào hứng với việc học. Thời gian nghỉ ngơi của con có đủ và hợp lý.

Chuẩn bị cho con thi vào lớp 10 cũng giống như chuẩn bị cho con vào mẫu giáo. Con bạn sẽ phải đối mặt với vô vàn những thứ mới mẻ và áp lực. Tuy nhiên, việc thi vào lớp 10 sẽ phải dựa vào nỗ lực của con là chính. Bố mẹ cần hiểu rõ mình có thể làm gì và cần làm gì để giúp con đạt được kết quả thi tốt nhất.
Gia đình nên định hướng chọn trường cho con
Bước vào lứa tuổi 14 – 15, hầu hết các con đều có những suy nghĩ và ước mơ của riêng mình. Nhiều con đã có những sở thích,mong muốn, mục tiêu mà không do sự hướng dẫn của người khác.

Dẫu sao tuổi đời các con vẫn còn non nớt. Còn rất nhiều thứ cần được bố mẹ dẫn dắt và định hướng. Việc chọn trường thi lên THPT cũng vậy. Có rất nhiều yếu tố quyết định đến việc con nên hay không nên thi vào trường A hoặc trường B. Bố mẹ hãy dành thời gian ngồi lại cùng với con, phân tích đánh giá khách quan nhất về thực lực học tập. Với năng lực ấy, con có khả năng thi đỗ vào trường nào. Trường đó có khiến con cảm thấy thích thú hay không. Các vấn đề như kinh phí học, địa điểm, uy tín của nhà trường bố mẹ cũng cần lưu ý.

nlntv-2-1f90bdff687f8335aa47a722a3b6d3a9-1649924023.jpg
Ảnh: Dồn dập ôn luyện

Việc chuẩn bị cho con thi vào lớp 10 không hề đơn giản. Định hướng chọn trường cho con một cách đúng đắn là bước đầu tiên để xây dựng lộ trình ôn luyện hiệu quả.

Luôn là người đồng hành cùng con
Trẻ luôn cần sự quan tâm và dìu dắt của bố mẹ. Ngay cả khi con bạn đã hai mươi, đã tốt nghiệp đại học ra trường, vẫn có lúc cần đến sự đồng hành của bố mẹ. Tình cảm gia đình là điều thiêng liêng và quý giá mà bất cứ ai cũng muốn gìn giữ. Vậy nên, trong giai đoạn quan trọng chuẩn bị cho con thi vào lớp 10, cha mẹ hãy luôn đồng hành cùng con.

Đồng hành cùng con học là như thế nào? Có thể bố mẹ không đủ khả năng để kèm cặp con trong các môn học. Vậy thì hãy tạo điều kiện tốt nhất để con có thể học tốt lên, nhờ tự học hay theo học gia sư, học tại trung tâm. Bố mẹ cũng cần theo sát kết quả học tập của con tại trường lớp. Hãy thường xuyên có sự tương tác i với giáo viên chủ nhiệm, các giáo viên bộ môn và các phụ huynh cùng lơp để biết con mình đang học như thế nào.

Kịp thời khích lệ tinh thần, động viên và tránh gây áp lực cho con
Đồng hành cùng con là việc nên làm, nhưng bố mẹ cần tránh gây áp lực cho con. Nếu không, sự theo sát con của bạn sẽ khiến con thêm áp lực mà mất đi sự tự do. Hãy cho con được nghỉ ngơi những khi con mệt. Hãy biết khen thưởng con đúng lúc khi con đạt được kết quả tốt. Và nếu con bị điểm kém, bố mẹ hãy biết khích lệ tinh thần cho con.
Áp lực học tập khiến cho rất nhiều thế hệ học sinh bị rơi vào căng thẳng và trầm cảm. Chuẩn bị cho con thi vào lớp 10 không chỉ là về vật chất, mà còn cần chuẩn bị về tâm lý. Sự mong manh và dễ tổn thương của lứa tuổi 15 rất dễ khiến các con chán nản và bi quan về tương lai phía trước. Khi đó, bố mẹ hãy là chỗ dựa tinh thần vững chãi cho các con. Tránh và hạn chế tối đa những hệ lụy xấu xảy đến với con.

Huyền Anh