Vai trò của tiếng Anh đối với học sinh trong xu thế toàn cầu hóa

Tiếng Anh được xem là công cụ giao tiếp toàn cầu, là "chìa khóa" để đến với khối lượng tri thức, kiến thức đồ sộ của nền văn minh thế giới. Vì vậy, hiểu biết và sử dụng tiếng Anh một cách thành thạo sẽ giúp học sinh tiếp cận kiến thức và thông tin đa dạng từ các nguồn toàn cầu.
nlntv-screenshot20230724-110123zalo-1690197786031519986017-1690242927.jpg
Trong giáo dục, hiểu biết và sử dụng tiếng Anh một cách thành thạo giúp học sinh tiếp cận kiến thức và thông tin đa dạng từ các nguồn toàn cầu - Ảnh: VGP/Minh Thi

Để góp phần phát triển trình độ, kỹ năng tiếng Anh của người Việt và nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh, từ năm 2006 đến nay, Anh văn Hội Việt Mỹ đã tổ chức thường niên Hội nghị bồi dưỡng năng lực nghiệp vụ cho giáo viên tiếng Anh tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á (VUS TESOL) .

Trải qua 17 năm với 18 kỳ tổ chức, VUS TESOL đã quy tụ hơn hơn 32.600 người tham dự đến từ hơn 40 quốc gia để cùng thảo luận hàng trăm chủ đề xoay quanh việc bám sát sự phát triển của ngành giảng dạy tiếng Anh, đồng thời giới thiệu những chương trình tiên tiến trên thế giới về giảng dạy tiếng Anh nói riêng và giảng dạy nói chung nhằm góp phần nâng cao trình độ và năng lực tiếng Anh cho học sinh nói riêng và cho người Việt nói chung.

nlntv-derek-del-spafford-2-16901978767491092122341-1690242977.jpg
Ông Derek Spafford, Quản lý Phát triển chuyên môn khu vực châu Á của Macmillan Education cho rằng, mục tiêu cao nhất của việc học ngôn ngữ là hoà nhập liên văn hoá và giao tiếp hiệu quả trong mọi hoàn cảnh - Ảnh: VGP/Minh Thi


Bản địa hóa việc giảng dạy tiếng Anh

Tại các VUS TESOL, hàng trăm diễn giả đến từ nhiều nước nói tiếng Anh trên thế giới đã tập trung chia sẻ, giới thiệu, khơi mở những ý tưởng đột phá không chỉ cho tương lai của giảng dạy tiếng Anh mà cả ngành giáo dục nói chung tại Việt Nam và trên thế giới.

Theo các chuyên gia giáo dục và giảng dạy tiếng Anh, trước tiên chúng ta phải hiểu bản địa hóa là quá trình biến đổi sao cho phù hợp với văn hóa, xã hội tại địa phương. Do đó, bản địa hóa không chỉ là đưa ra và áp dụng lý thuyết một chiều, mà còn phải dựa vào khả năng thích nghi và phản hồi của quốc gia đó. Giáo dục, trong đó đặc biệt là giảng dạy tiếng Anh, cũng là một lĩnh vực đi theo xu hướng bản địa hóa trong những năm gần đây.

Theo ông Derek Spafford, Quản lý Phát triển chuyên môn khu vực châu Á của Macmillan Education (ELT) thì khái niệm ngôn ngữ bao hàm và rộng hơn một chứng chỉ IELTS band điểm cao. Một chứng chỉ IELTS dường như chưa đủ để hội nhập trong môi trường quốc tế, mà còn cần đến sự thấu hiểu văn hoá, điều chỉnh phong cách sống và cách mà chúng ta thích ứng với những điều mới. Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi thái độ về việc học ngôn ngữ, không chỉ dừng lại ở việc chinh phục những chứng chỉ hay cải thiện điểm số. Mục tiêu cao nhất của việc học ngôn ngữ là hoà nhập liên văn hoá và giao tiếp hiệu quả trong mọi hoàn cảnh. 

Ông Steven Happel, Cố vấn chuyên môn của VUS nhận định, khuynh hướng toàn cầu hóa hiện nay nhấn mạnh vào việc dạy và học tiếng Anh sao cho Anh ngữ trở thành một ngôn ngữ giao tiếp chung cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra chính là các nhà giáo dục phải làm sao để phối hợp giữa nội dung và phương pháp giảng dạy từ các quốc gia sử dụng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ với cách học của học viên và đặc trưng văn hóa tại các quốc gia mà tiếng Anh là một ngôn ngữ thứ hai, điển hình như Việt Nam.

nlntv-toan-canh-16901979302971143890335-1690243032.jpg
Các hội nghị VUS TESOL góp phần chia sẻ trách nhiệm phát triển cộng đồng và xã hội trong việc nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên Anh ngữ trên toàn quốc - Ảnh: VGP/Minh Thi

VUS TESOL nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên Anh ngữ

Bà Trần Thị Kim Thanh, Phó trưởng phòng Phòng Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết, từ khi triển khai chương trình mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2018, học sinh được học tiếng Anh từ lớp 3 dẫn đến nhu cầu học tiếng Anh của học sinh ngày càng gia tăng. Vì thế, Nhà nước chủ trương đào tạo giáo viên tiếng Anh để đáp ứng nhu cầu và cập nhật phương pháp giảng dạy mới cho giáo viên mới. 

Theo bà Thanh, VUS không chỉ dừng lại ở một trung tâm tiếng Anh mà còn mang lại cho giáo dục thành phố nhiều đóng góp. Việc tổ chức những hội thảo có tính chuyên môn cao cùng ý nghĩa xã hội lớn như VUS TESOL sẽ góp phần giúp giáo viên học hỏi, trao đổi phương pháp và kinh nghiệm giảng dạy. Đặc biệt, với sự tham gia từ những diễn giả nước ngoài đã tạo điều kiện cho giáo viên có cơ hội tiếp cận những phương pháp giảng dạy tiếng Anh quốc tế. Đây là đề tài phù hợp với chủ trương của chương trình mới, đặt ra mục tiêu cho học sinh tăng cường khả năng giao tiếp, trình bày suy nghĩ, ý tưởng của mình.

Chuyên gia Allen Davenport, Chuyên viên tập huấn (khu vực châu Á) của NXB Đại học Cambridge cho rằng, với sự đa dạng trong các chủ đề nhưng mục đích chính vẫn là giới thiệu những phương pháp giảng dạy mới, hiệu quả góp phần thiết thực và quan trọng vào việc cải thiện cách giáo viên tiếp cận học sinh của mình, VUS TESOL thực sự là một "sân chơi" giúp nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên Anh ngữ.