Tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật hiện nay rất thấp

Dưới tác động của chuyển đổi số, cơ cấu lao động Việt Nam đang có sự thay đổi, đòi hỏi nguồn lao động có kỹ năng tay nghề. Tuy nhiên, theo các khảo sát cho thấy nguồn lao động Việt Nam có chuyên môn kỹ thuật vẫn chiếm tỷ lệ thấp.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) Nguyễn Bá Hoan cho biết, chuyển đổi số tác động đến cơ cấu việc làm, đòi hỏi người lao động phải thay đổi phương thức làm việc, nhằm có thể thích nghi và nắm bắt cơ hội mới trên thị trường. Doanh nghiệp cũng phải thay đổi cách vận hành truyền thống để phù hợp với một xã hội được chuyển đổi số. Việt Nam đang đối mặt với thách thức về chất lượng nguồn nhân lực do tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao chỉ chiếm khoảng 11% tổng lực lượng lao động (theo nghiên cứu của ManpowerGroup); năng suất lao động cũng thấp hơn nhiều nước trong khu vực ASEAN, năng lực ngoại ngữ hạn chế…

“Người lao động có trình độ kỹ năng hạn chế sẽ chịu tác động mạnh hơn và nguy cơ mất việc cũng cao hơn dưới tác động của khoa học và công nghệ mới. Nguồn lao động dồi dào, giá rẻ sẽ không còn là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài. Việt Nam có thể sẽ phải chịu sức ép về việc giải quyết việc làm, và đối mặt với gia tăng tỷ lệ thất nghiệp hoặc thiếu việc làm vì Việt Nam có quy mô dân số lớn nhưng chất lượng lao động chưa cao”, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhận định.

nlntv-image2-1668729907.jpg
Đào tạo nghề kỹ thuật theo tiêu chuẩn là tiêu chí đặt ra của các trường cao đẳng (Ảnh: Internet)

Xét theo thực tế hiện nay có những lo ngại về việc chuyển đổi số tạo ra biến động trong thị trường lao động, đặc biệt ở những quốc gia có năng suất lao động thấp và chủ yếu dựa vào gia công, lắp ráp. Tuy vậy, theo Ngân hàng Thế giới, số lượng việc làm mới do quá trình chuyển đổi số tạo ra sẽ nhiều hơn gấp 7 lần so với số việc làm bị mất đi. Đến năm 2045, ước tính sẽ có khoảng 10 triệu việc làm mới được tạo ra, chủ yếu trong các ngành dịch vụ hiện đại, và một số lượng việc làm mới trong lĩnh vực sản xuất.

Việt Nam phải sớm có cơ chế thu hút lao động kỹ năng nghề cao, công nghệ không ngừng thay đổi đồng nghĩa với yêu cầu liên tục cập nhật kỹ năng số cho người lao động. Doanh nghiệp cần linh hoạt áp dụng các chương trình nâng cao kỹ năng, cũng như xây dựng một chiến lược đào tạo có tầm nhìn dài hạn sao cho người lao động có thể đảm nhiệm tốt những công việc hiện tại và cả những vị trí sẽ xuất hiện trong tương lai - theo một chuyên gia lao động nhận định. 

Theo đó dưới tác động kép của đại dịch COVID-19 và kỷ nguyên số, thế giới việc làm tại Việt Nam trong tương lai sẽ chứng kiến những thay đổi lớn liên quan đến người lao động và địa điểm, cách thức làm việc.

Với tỷ lệ lao động kỹ năng cao chỉ đạt khoảng 11%, lao động Việt Nam được đánh giá là kém cạnh tranh hơn về trình độ kỹ năng so với một số thị trường khác trong khu vực như: Thái Lan, Philippines hay Malaysia.

Bà Nguyễn Thị Nga, chuyên gia việc làm của Ngân hàng Thế giới cho rằng, kỹ năng số bao gồm các kỹ năng, khả năng, kiến thức và thói quen làm việc cho phép con người tiếp cận và sử dụng công nghệ số. Đây là một trong những yếu tố quan trọng đối với người lao động trong bối cảnh các hình thái công việc và tính chất công việc không ngừng thay đổi. Theo thống kê tại Việt Nam, 68% công việc hiện đòi hòi kiến thức về kỹ năng số với những kỹ năng số cơ bản trong khi đó 1/5 công việc cần các kỹ năng số đặc biệt chuyên sâu. Bên cạnh đó, việc sử dụng kỹ năng số ở các mức độ khác nhau tại Việt Nam cũng có sự khác biệt so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

nlntv-banner-32-nganha-01-scaled-1668730007.jpg
Các ngành nghề đòi hỏi sinh viên, người lao động phải có kỹ năng làm việc trong các phòng nghiên cứu (Ảnh: Internet)

Bà Lê Thu Huyền, đại diện Trung tâm Nghiên cứu Dân số, Lao động - Việc làm, Viện Khoa học, Lao động - Xã hội (ILSSA - thuộc Bộ LĐ,TB&XH) cho biết, nghiên cứu về một số việc làm sử dụng nền tảng kỹ thuật số để kết nối lao động tự do với khách hàng nhằm cung cấp các dịch vụ ngắn hạn - ví dụ như tài xế công nghệ hay giúp việc gia đình cũng cần có sự quản lý hiệu quả hơn để đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động. Để làm được tốt những điều này đòi hỏi sự quan tâm và phối hợp của cả Nhà nước, người sử dụng doanh nghiệp và các đơn vị liên quan.

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng lớn từ cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức về chất lượng nguồn nhân lực như tỉ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao chỉ chiếm hơn 11% tổng lực lượng lao động (theo nghiên cứu của ManpowerGroup); năng suất lao động thấp hơn nhiều nước trong khu vực ASEAN; năng lực ngoại ngữ rất hạn chế… Như vậy, dưới ảnh hưởng kép của hai yếu tố trên, người lao động có trình độ kỹ năng càng đơn giản sẽ càng chịu tác động lớn và nguy cơ mất việc càng cao.

Với sự phát triển và ứng dụng ngày càng cao của kỹ thuật số, công nghệ sinh học, robot, vật liệu mới…, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới và ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam. Dưới ảnh hưởng kép của nền công nghiệp 4.0 và đại dịch COVID-19, các chuyên gia dự báo những thay đổi lớn về cung - cầu lao động sẽ diễn ra trong vòng 3-5 năm tới.

Trước những bối cảnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho rằng, lao động phải là một đầu vào của nền kinh tế, và muốn có những ngành công nghiệp phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, sở hữu những phát minh, sáng chế mới, những công nghệ tiên tiến nhất thì phải có được lao động chất lượng cao, được đào tạo bài bản, bền vững, làm chủ được công nghệ và có kỹ năng nghề.

Theo chia sẻ của Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan : "Các doanh nghiệp, đơn vị sớm có cơ chế kiến tạo, thu hút, giữ chân những lao động có trình độ, kỹ năng tay nghề cao nhất để chính họ trở thành nguồn động lực phát triển nền kinh tế nhanh, bền vững".

Trong bối cảnh chuyển đổi số và đại dịch COVID-19 ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu, thị trường lao động trong nước sẽ cần những giải pháp toàn diện từ tất cả các bên liên quan để hướng tới nâng cao chất lượng tuyển dụng; đào tạo nguồn nhân lực thông qua phát triển kỹ năng và tăng cường tri thức cho người lao động trong tình hình mới. Việc đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động trong bối cảnh tính chất, hình thái công việc và thị trường lao động thay đổi là việc làm song song và cần triển khai gấp.

Trong vài năm trở lại đây, các ngành học liên quan đến chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ, các ngành học về công nghệ thông tin, lắp nối cáp mạng, đồ hoạ 3D…. đang được các nhà tuyển dụng rất quan tâm.