Tuyển sinh 2023: Thêm nhiều kỳ thi năng lực, thêm cơ hội cũng là tăng thêm áp lực

Đinh Thảo
Tuyển sinh năm 2023 cho thấy xu hướng các trường đại học năm nay tiếp tục đa dạng hóa phương thức, thêm các kỳ thi riêng. Điều này mở rộng thêm cơ hội trúng tuyển đại học cho thí sinh, nhưng cũng đặt các em trước áp lực bởi nhiều kỳ thi.
mua-thi-1676878094.jpg
Thay vì đăng ký quá nhiều kỳ thi riêng các thí sinh nên chỉ đăng kí một kỳ thi theo khả năng của mình (Ảnh: TTXVN)

Thêm các kỳ thi riêng

Số kỳ thi riêng năm 2023 tăng lên 9 kỳ thi được tổ chức bởi các đơn vị gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Việt Đức, Đại học Bách khoa Hà Nội và Cục Đào tạo, Bộ Công an (tuyển sinh vào khối trường của Bộ Công an), Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh.

Bên cạnh các kỳ thi riêng, các trường tiếp tục xét tuyển dựa trên những chứng chỉ quốc tế như: SAT, ACT; chứng chỉ tiếng Anh như: TOEIC, TOEFL, IELTS, xét tuyển dựa trên điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, điểm học bạ... Việc đa dạng phương thức tuyển sinh đồng nghĩa với việc thí sinh có thể mở nhiều “cánh cửa” khác nhau để vào đại học, nhưng đồng thời cũng gia tăng áp lực khi phải cùng lúc ôn luyện cho nhiều kỳ thi, mỗi kỳ thi lại có phương thức, định hướng khác nhau.

Áp lực học ngày đêm cho kỳ thi riêng

Em Nguyễn Hồng Minh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, từ sau Tết, em hầu như không còn thời gian nghỉ ngơi. Cả tuần em học thêm kín lịch, có nhiều ca học tới 9h tối. Khi ngồi vào bàn tự học cũng phải 11h đêm. Nhiều đêm em phải học tới 1-2 giờ sáng. Hôm sau lại tiếp tục một guồng quay như vậy. Ngoài kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, Minh còn đăng ký thêm kỳ thi riêng của ĐH Sư phạm Hà Nội.

Em Trần Anh Huy, học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội) cho biết: “Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội gồm 3 phần: Tư duy định tính, tư duy định lượng và khoa học xã hội. Còn bài thi kiểm tra tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội lại tư duy nặng về toán học và logic. Em cảm thấy căng thẳng khi phải ôn kiến thức rộng, gồm cả những môn không phải sở trường của mình".

6h hàng ngày, Phúc Dương (học sinh lớp 12 tại Nghệ An) lật đật trở dậy, bắt đầu một ngày mới. Cuối buổi chiều, sau khi kết thúc thời gian học ở trường, em lại vội vàng đến lớp luyện thi IELTS hoặc lớp học thêm Toán, Vật lý. Lịch trình này đến nay đã kéo dài 6 tháng.

Cách giảm áp lực cho học sinh

TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết: “Bài thi đánh giá năng lực của đơn vị này đòi hỏi thí sinh phải trình bày kiến thức, thậm chí đề còn cung cấp dữ kiện, nhưng đòi hỏi thí sinh phải tư duy để giải quyết vấn đề. Do đó, thí sinh thay vì đi luyện thi thì cần có cách học tập khoa học, toàn diện, không học lệch, học tủ”.

GS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, thí sinh không cần đi học thêm, chỉ cần học ở trường là có thể làm tốt bài thi đánh giá năng lực của trường này. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị tổ chức thi đều công bố đề thi tham khảo. Để làm quen với định dạng cũng như kỹ năng làm bài thi, thí sinh nên tập dượt làm thử theo đề thi này trước ngày thi.

Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ - Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh cho rằng, bài thi của trường có định dạng thi quen thuộc, thời gian tổ chức, phương thức sử dụng kết qua thi linh hoạt, qua đó sẽ giảm áp lực thi cử cho thí sinh. Với nội dung thi bám sát chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, thí sinh không cần ôn tập hay luyện thi thêm bất cứ nội dung gì mà chỉ cần sử dụng đúng các nội dung mình đã học tại trường phổ thông để tham gia thi. Mặt khác, việc thí sinh được thi nhiều môn, tham gia nhiều đợt thi và được sử dụng tổ hợp môn, kết quả của lần thi có điểm cao nhất để đăng ký xét tuyển, giúp thí sinh có thể lựa chọn thời gian thi thoải mái nhất, thoát khỏi áp lực của một kỳ thi quan trọng duy nhất trong năm, thoát khỏi nỗi sợ hãi và rủi ro “học tài thi phận”.

Theo thầy giáo Đinh Đức Hiền (giáo viên Hệ thống giáo dục HOCMAI), tâm lý của thí sinh là lo lắng, muốn tăng cơ hội trúng tuyển, cho nên, dù có quyền chọn có hoặc không thi riêng, nhưng các em sẽ vẫn tham gia. Trong khi, đề thi của các kỳ thi riêng có cấu trúc và phạm vi kiến thức khác với đề thi tốt nghiệp THPT, nên thí sinh vẫn phải ôn tập riêng cho kỳ thi đánh giá năng lực này. Điều đó sẽ tăng thêm mệt mỏi, áp lực cho các em.

Lãnh đạo các đơn vị có tổ chức thi riêng đều nhấn mạnh việc thí sinh không cần đi luyện thi, chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản là có thể làm tốt bài thi.

Tỉnh táo lựa chọn đăng ký tham gia kỳ thi riêng

Cô Trần Thị Xuân Hà - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Văn (Tam Nông, Phú Thọ) cho rằng, học sinh nên lựa chọn, đăng ký thi theo nguyện vọng và khả năng của mình để tăng cơ hội trúng tuyển vào đại học.

Tuy nhiên, mỗi kỳ thi có cấu trúc đề và cách đặt câu hỏi khác nhau. Vì vậy, nếu đăng ký tham gia nhiều kỳ thi, đồng nghĩa áp lực sẽ gia tăng vì các em phải học, ôn tập nhiều hơn; trong khi học trò vẫn phải ôn thi tốt nghiệp THPT.

Từ thực tế trên, cô Hà khuyến cáo, sĩ tử không nên đăng ký tràn lan các kỳ thi riêng, tránh những áp lực không đáng có. Nên chỉ đăng ký một kỳ thi và thi trong 1 - 2 đợt. “Quan trọng là, các em cần ôn thi thật tốt để đủ điều kiện tốt nghiệp THPT – tấm vé thông hành để có thể bước chân vào giảng đường đại học”.

Đồng quan điểm, thầy Trần Văn Toản - Trường THPT Chuyên Quốc học Huế (Thừa Thiên – Huế) chia sẻ: Năm ngoái, nhiều học sinh đạt điểm cao trong các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy nên trúng tuyển vào trường đại học top đầu. Tuy nhiên, điểm thi tốt nghiệp THPT của những học sinh này không được như mong muốn. Lý do là các em dành quá nhiều thời gian ôn thi, luyện đề để tham gia các kỳ thi riêng nên không toàn tâm, toàn lực vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Theo thầy Toản, để đáp ứng các kỳ thi riêng, học sinh phải học gấp nhiều lần bình thường. Theo đó, áp lực cũng gia tăng. Vì vậy, nếu đăng ký tham gia kỳ thi riêng, các em chỉ nên lựa chọn một kỳ thi là đủ. Ngoài ra, hiện hầu như các trường THPT đều tổ chức cho học sinh thi thử 1 - 2 lần. Vì thế, các em được làm quen và cọ xát với đề thi nên tự biết sức mình đến đâu.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) khuyến cáo, thí sinh cần tập trung ôn tập để hoàn thành tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT, vì chỉ khi thí sinh tốt nghiệp THPT mới đủ điều kiện xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Ngoài ra, các em muốn đăng ký xét tuyển vào cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công an bắt buộc phải tham gia kỳ thi do Bộ Công an tổ chức để lấy kết quả xét tuyển.

Phương Thảo - TH