Tuyên bố chung Việt Nam - Hàn Quốc về quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước đến Hàn Quốc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, hai bên đã nhất trí ra "Tuyên bố chung Việt Nam - Hàn Quốc về quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện". Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung.
nlntv-tongthongyoonsukyeolvachutichnuocnguyenxuanphucduyetdoidanhdu1-16702315857181434457416-1670283791.jpg
Chiều 5/12, tại Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, Tổng thống Yoon Suk Yeol chủ trì lễ đón trọng thể Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc theo nghi thức cao nhất

Nhận lời mời của Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc Yoon Suk-yeol, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã thăm cấp Nhà nước Đại Hàn Dân Quốc từ ngày 04 đến ngày 06/12/2022. Trong chuyến thăm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Tổng thống Yoon Suk Yeol và hội kiến với các lãnh đạo cấp cao của Hàn Quốc. Lãnh đạo cấp cao hai nước đánh giá cao quan hệ hai nước đã phát triển nhanh chóng, hiệu quả trong 30 năm qua, nhất là từ khi thiết lập quan hệ “Đối tác hợp tác chiến lược” năm 2009, trao đổi ý kiến sâu rộng về phương hướng phát triển quan hệ thời gian tới và về các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.

Chuyến thăm Hàn Quốc lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc diễn ra trong bối cảnh hai nước Việt Nam và Hàn Quốc đang kỷ niệm trọng thể 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (12/12/1992-12/12/2022). Với sự tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của quan hệ hai nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Yoon Suk-yeol đã nhất trí ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc lên mức “Đối tác chiến lược toàn diện”, nhất trí tăng cường giao lưu, hợp tác hai nước theo những hướng cụ thể sau:

Sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc

1. Hai bên đánh giá cao sự phát triển thực chất, mạnh mẽ và toàn diện của quan hệ song phương sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đặc biệt là sau khi thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược năm 2009, khẳng định hai nước Việt Nam và Hàn Quốc là đối tác quan trọng hàng đầu của nhau trên tất cả các lĩnh vực; nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ nhằm mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, thịnh vượng của khu vực và thế giới. Phía Hàn Quốc khẳng định tầm quan trọng của Việt Nam trong việc triển khai Sáng kiến quốc gia chủ chốt toàn cầu, Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, hòa bình, thịnh vượng và Sáng kiến đoàn kết ASEAN – Hàn Quốc của Hàn Quốc.

Việt Nam hoan nghênh Hàn Quốc trở thành quốc gia toàn cầu, phát huy vai trò quan trọng tại khu vực và trên thế giới.

2. Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí cho rằng giao lưu, tiếp xúc giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước được tiến hành sôi động thời gian qua không chỉ củng cố tin cậy chính trị giữa hai nước; mà còn góp phần to lớn vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, văn hóa, du lịch, thúc đẩy giao lưu hữu nghị giữa nhân dân hai nước; tăng cường hợp tác trên các diễn đàn quốc tế, khu vực và trong các vấn đề cùng quan tâm.

3. Trên cơ sở những thành tựu phát triển quan hệ 30 năm qua, nhằm củng cố nền tảng quan hệ hợp tác cùng có lợi, hai bên nhất trí đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới. Nhân dịp chuyến thăm cấp Nhà nước Hàn Quốc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo cấp cao hai nước đã tuyên bố nâng cấp quan hệ hai nước lên mức “Đối tác chiến lược toàn diện”, qua đó, hai nước cùng nỗ lực phát triển hợp tác trên các lĩnh vực ở tầm cao mới.

4. Đặc biệt, lãnh đạo cấp cao hai nước đánh giá cao việc thiết lập và hoạt động tích cực của Nhóm các nhân vật uy tín Việt - Hàn nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và việc Nhóm đã hoàn thành báo cáo với nhiều đề xuất đa dạng về phát triển quan hệ hai nước hướng tới tương lai.

Tăng cường hợp tác chính trị, ngoại giao cũng như quốc phòng, an ninh và trị an

5. Hai bên nhất trí thúc đẩy hơn nữa các chuyến thăm, giao lưu tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước thông qua các hình thức linh hoạt, đa dạng như thăm song phương, gặp gỡ tại các hội nghị đa phương, hội đàm trực tuyến, trao đổi thư/điện. Lãnh đạo cấp cao hai nước khẳng định việc tăng cường và làm sâu sắc các cơ chế giao lưu, trao đổi, đối thoại giữa các cơ quan của Chính phủ Trung ương và chính quyền địa phương, giữa Quốc hội, chính đảng, các tổ chức, tầng lớp xã hội hai nước có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước; quyết định mở rộng và phát triển hơn nữa cơ chế đối thoại và hợp tác giữa các bên.

6. Hai bên hoan nghênh việc Bộ Ngoại giao hai nước ký kết thỏa thuận hợp tác mới, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thực chất; nhất trí tiếp tục ủng hộ và hợp tác để các cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự của hai nước hoạt động thuận lợi. Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí xem xét phương án nâng cao hiệu quả và phát triển cơ chế Đối thoại chiến lược ngoại giao, an ninh, quốc phòng cấp Thứ trưởng Ngoại giao cùng với sự tham gia của các Bộ Ngoại giao, Quốc phòng và Công an hai bên.

7. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng, triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác; tăng cường trao đổi đoàn bao gồm cả Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng, hợp tác an ninh hàng hải, hợp tác công nghệ, và đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, giáo dục, đào tạo, qua đó góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ, hợp tác chung giữa hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới.

8. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh, cảnh sát, tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác, đối thoại, giao lưu giữa các cơ quan của Chính phủ. Lãnh đạo hai nước cũng nhất trí tăng cường chia sẻ thông tin, phối hợp đánh giá, dự báo về các vấn đề chiến lược có liên quan đến lợi ích, an ninh quốc gia hai nước; mở rộng và làm phong phú các nội dung về hợp tác an ninh, cảnh sát nhất là trong phòng chống tội phạm, hợp tác đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ thực thi pháp luật; tăng cường các hoạt động trao đổi đoàn ở các cấp, qua đó giúp tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai bên ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn. Mặt khác, hai bên nhất trí hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình; đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật nước sở tại cho công dân hai nước để hạn chế tối đa tình trạng vi phạm pháp luật.

nlntv-thamhq-1670283921.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol

Mở rộng và làm sâu sắc hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và hợp tác phát triển

9. Hai bên nhất trí thúc đẩy đưa kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng ổn định theo hướng cân bằng, giữ vững vị trí là đối tác thương mại hàng đầu của nhau, trước mắt phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 100 tỷ USD vào năm 2023, hướng tới mục tiêu đạt 150 tỷ USD vào năm 2030; nhất trí góp phần tăng cường mở rộng liên kết kinh tế và thương mại tự do dựa trên luật lệ trong khu vực thông qua việc gỡ bỏ các quy định nhập khẩu và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thuế quan trong đó có việc trao đổi điện tử chứng nhận xuất xứ trên cơ sở Hiệp định tương trợ hải quan để thực hiện hiệu quả các cơ chế hợp tác kinh tế song phương và đa phương như Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

10. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác đầu tư, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm xây dựng cơ chế, chính sách và pháp luật thúc đẩy hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hợp tác trong các diễn đàn, cơ chế liên kết kinh tế đa phương. Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư mới và mở rộng quy mô đầu tư vào lĩnh vực điện tử, năng lượng tái tạo, phát triển cơ sở hạ tầng, du lịch, xây dựng các Khu tổ hợp chuyên sâu, khu công nghiệp - nông nghiệp chất lượng cao, khu công nghiệp xanh, đô thị thông minh; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hàn Quốc khẳng định sự phát triển của lĩnh vực tài chính, ngân hàng là yếu tố cần thiết cho sự phát triển toàn diện của nền kinh tế, đề nghị Việt Nam hỗ trợ tích cực để các tổ chức tài chính của Hàn Quốc vào Việt Nam, qua đó hỗ trợ mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam. Phía Việt Nam ghi nhận và sẽ xem xét tích cực vấn đề này.

11. Phía Việt Nam đánh giá cao các khoản viện trợ phát triển của Chính phủ Hàn Quốc góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, mong muốn Hàn Quốc mở rộng hơn nữa các khoản viện trợ hoàn lại và không hoàn lại cho Việt Nam. Phía Hàn Quốc khẳng định tiếp tục coi Việt Nam là đối tác trọng tâm về hợp tác phát triển của Hàn Quốc, cho biết sẽ tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực hợp tác trọng điểm của hai nước như hành chính công, trong đó có chính phủ điện tử và giáo dục, quản lý nước, vệ sinh y tế, giao thông và sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Thỏa thuận hợp tác tài chính và Hiệp định khung về các khoản tín dụng quỹ EDCF. Lãnh đạo cấp cao hai nước hoan nghênh việc Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam và Bộ Kế hoạch Tài chính Hàn Quốc đã ký kết Khung hợp tác viện trợ hoàn lại trong các lĩnh vực giao thông, y tế và đối phó với biến đổi khí hậu; đặc biệt đã nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đường sắt cao tốc, đường sắt hạng nhẹ, tàu điện ngầm.

Hợp tác về phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và nông nghiệp, năng lượng

12. Lãnh đạo cấp cao hai nước chia sẻ tầm quan trọng của việc duy trì hợp tác vì mục tiêu quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên trong đó có phát triển bền vững, giảm rủi ro thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh và quản lý tài nguyên nước xuyên biên giới; quản lý, bảo tồn và bảo vệ bền vững tài nguyên rừng. Lãnh đạo cấp cao hai nước đánh giá cao việc ký Thỏa thuận khung hợp tác về biến đổi khí hậu và Kế hoạch hợp tác chung về biến đổi khí hậu hướng tới trung hòa carbon vào năm 2050 giữa hai Chính phủ năm 2021, nhất trí hợp tác để hoàn thành các nhiệm vụ chiến lược nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực lâm nghiệp như dự án phục hồi rừng ngập mặn ở khu vực Nam Định, Ninh Bình và hợp tác thông qua tổ chức hợp tác rừng Châu Á (AFOCO).

13. Lãnh đạo hai nước khẳng định tầm quan trọng của ngành nông nghiệp trong nền kinh tế quốc dân; nhất trí mở rộng hợp tác phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn thông qua nâng cao năng lực ngành nông nghiệp, nông thôn; nghiên cứu và chia sẻ kinh nghiệm về cải thiện môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, nông nghiệp; nghiên cứu trao đổi kinh nghiệm, thiết lập hợp tác nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh.

14. Hai bên đánh giá cao sự tham gia của các doanh nghiệp Hàn Quốc trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành năng lượng Việt Nam; nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí, xây dựng nhà máy điện, hợp tác trong lĩnh vực an toàn, tiết kiệm năng lượng. Phía Hàn Quốc đề nghị phía Việt Nam hỗ trợ để các dự án điện tại Việt Nam mà các doanh nghiệp Hàn Quốc đang xúc tiến tham gia được triển khai thuận lợi, phía Việt Nam nhất trí sẽ xem xét tích cực nội dung này.

nlntv-chutichnuoc-1670284034.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol

Hợp tác khoa học công nghệ, thông tin truyền thông

15. Hai bên khẳng định vai trò và tầm quan trọng của khoa học và công nghệ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước, nhất trí đẩy mạnh hợp tác khoa học và công nghệ phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của mỗi quốc gia và môi trường kinh tế quốc tế mới, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác nghiên cứu công nghệ khí hậu, công nghệ sinh học, công nghệ nano, công nghệ thông tin; nhất là hợp tác nghiên cứu công nghệ ứng phó biển đổi khí hậu và công nghệ nguồn của cách mạng công nghiệp 4.0. Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí cùng nỗ lực để  Viện VKIST là biểu tượng hợp tác về khoa học công nghệ giữa hai nước có thể vận hành một cách thành công. Phía Hàn Quốc khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ vận hành của VKIST trong thời gian tới.

16. Hai bên chia sẻ nhận thức rằng trong bối cảnh kỹ thuật số đã đổi mới cơ cấu kinh tế xã hội, tác động to lớn tới cuộc sống thường ngày của nhân loại thì công nghệ kỹ thuật số cần phải góp phần thúc đẩy tự do, hòa bình, thịnh vượng của hai nước. Theo đó, hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác thông tin truyền thông phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của mỗi nước và môi trường kinh tế quốc tế mới, thúc đẩy hợp tác về thiết lập trật tự kỹ thuật số mới, chuyển đổi số, công nghệ thông tin, an toàn an ninh thông tin, nền tảng kỹ thuật số; hợp tác đầu tư sản xuất, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Hợp tác lao động, y tế, giáo dục

17. Lãnh đạo cấp cao hai nước đánh giá hợp tác lao động đã mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên; nhất trí mở rộng lĩnh vực và hình thức hợp tác lao động mới. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường phối hợp hỗ trợ để người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc có thể làm việc an toàn và khỏe mạnh đồng thời tuân thủ luật pháp của hai nước, bao gồm cả về thời hạn lưu trú. Phía Hàn Quốc cam kết, sẽ cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt cũng như bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động Việt Nam. Phía Việt Nam cam kết tạo điều kiện thuận lợi trong việc đơn giản hóa thủ tục đăng ký cư trú và cấp phép lao động cho người lao động Hàn Quốc tại Việt Nam.

18. Lãnh đạo cấp cao hai nước hoan nghênh việc Bộ Y tế hai bên ký sửa đổi Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực sức khỏe và y khoa; nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực y tế đặc biệt là kiểm soát và phòng chống dịch bệnh, hợp tác về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực phòng chống và kiểm soát bệnh tật, y dược, vaccine, thiết bị y tế, an toàn thực phẩm, đối phó với già hóa dân số, chăm sóc sức khỏe cũng như về đào tạo nguồn nhân lực, tay nghề cao cho cán bộ Bộ Y tế. Phía Hàn Quốc đề nghị phía Việt Nam khi sửa đổi các quy định, bao gồm quy định về đấu thầu, sẽ xem xét về mặt chính sách để có thêm nhiều trang thiết bị y tế của Hàn Quốc được sử dụng tại Việt Nam, và cho biết sẽ tích cực hỗ trợ xây dựng Trung tâm kiểm soát bệnh tật tại Việt Nam theo đề nghị của phía Việt Nam.

19. Lãnh đạo cấp cao hai nước đánh giá hợp tác giáo dục thời gian qua đã góp phần thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, xã hội giữa hai nước. Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí tiếp tục mở rộng hợp tác giáo dục, Bộ Giáo dục hai nước sẽ định kỳ tổ chức hiệu quả Diễn đàn nguồn nhân lực Việt Nam - Hàn Quốc. Hàn Quốc quyết định hỗ trợ biên soạn sách giáo khoa giảng dạy tiếng Hàn Quốc dùng cho các cấp học phổ thông tại Việt Nam.

Hợp tác cơ sở hạ tầng và phát triển đô thị

20. Lãnh đạo hai nước nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và phát triển đô thị tại Việt Nam. Việt Nam hoan nghênh doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào hạ tầng giao thông vận tải theo hình thức như đối tác công tư (PPP). Hàn Quốc nhất trí tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm như: giao thông, quy hoạch đô thị, kiến trúc, nhà ở, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật…

Hợp tác văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân

21. Lãnh đạo cấp cao hai bên đánh giá giao lưu văn hóa thể thao và du lịch giữa hai nước đã đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hiểu biết, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước; nhất trí tăng cường và tạo môi trường thuận lợi cho giao lưu nhân dân, hợp tác văn hóa và ngoại giao công chúng giữa hai nước. Lãnh đạo cấp cao hai nước cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ quan nghiên cứu hai nước bao gồm thực hiện các chuyến thăm trao đổi chuyên gia nghiên cứu hai nước. Việt Nam đang xem xét thành lập Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc, phía Hàn Quốc nhất trí hợp tác tích cực về việc này.

22. Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí tạo thuận lợi hơn nữa cho giao lưu hữu nghị nhân dân, nhất là nỗ lực mở rộng hợp tác về du lịch cũng như tăng cường hoạt động giao lưu du lịch hai nước. Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí dành nhiều quan tâm, hỗ trợ để cộng đồng hai nước ổn định sinh hoạt, học tập và làm việc tại mỗi nước cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ. Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí cùng cố gắng để các thế hệ tương lai của các gia đình đa văn hóa có thể đóng vai trò tích cực hơn trong giao lưu thanh thiếu niên giữa hai nước. Phía Hàn Quốc khẳng định sẽ tăng cường sự quan tâm và hỗ trợ đối với các gia đình đa văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc. Phía Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục quan tâm và hỗ trợ cho sự phát triển của cộng đồng người Hàn Quốc tại Việt Nam. Ngoài ra, Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí nỗ lực để Hiệp định Bảo hiểm xã hội Việt - Hàn đã được ký kết sớm đưa vào thực hiện nhằm giảm gánh nặng kinh tế cho người dân hai nước, đẩy nhanh quá trình trao đổi giữa các cơ quan hữu quan của hai nước để ký kết Thỏa thuận hành chính nhằm thực hiện Hiệp định trên một cách thuận lợi.

nlntv-vnapotalchutichnuocnguyenxuanphucvatongthonghanquocyoonsuk-yeolchutrihopbaostand-167024321948918954946-1670284147.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol chủ trì họp báo

Các vấn đề khu vực và quốc tế

23. Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí hợp tác chặt chẽ nhằm ứng phó với các thách thức mang tính toàn cầu, các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế, hợp tác bảo vệ môi trường biển; đồng thời, nhất trí tăng cường năng lực ứng phó chung đối với các tình huống khẩn cấp, tiếp tục phối hợp lập trường trên các vấn đề quốc tế cùng quan tâm, chung lợi ích. Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí phối hợp chặt chẽ trong các diễn đàn, cơ chế của quốc tế và khu vực mà hai bên cùng tham gia, cùng quan tâm như Liên Hợp Quốc, Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Hàn Quốc, Hợp tác Mekong- Hàn Quốc và các cơ chế hợp tác Mekong mà Hàn Quốc là đối tác, Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G), Chương trình Đông Nam Á (SEARP) của Tổ chức phát triển hợp tác kinh tế (OECD)... Phía Hàn Quốc đã giới thiệu Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Sáng kiến đoàn kết ASEAN - Hàn Quốc của Chính phủ Hàn Quốc, nhấn mạnh Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất trong quá trình triển khai thời gian tới; phía Việt Nam hoan nghênh việc này. Phía Hàn Quốc đề nghị Việt Nam ủng hộ Hàn Quốc đăng cai tổ chức Triển lãm thế giới Busan 2030 với chủ đề “đại chuyển đổi thế giới, hướng tới tương lai tươi sáng hơn”, phía Việt Nam cho biết sẽ xem xét tích cực vấn đề này. Hàn Quốc cho biết sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam đăng cai Diễn đàn cấp cao đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) vào năm 2025.

24. Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, nhất trí phối hợp chặt chẽ phát huy vai trò của các cơ chế khu vực, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội hậu COVID-19, tăng trưởng bền vững, phát triển xanh và tăng cường liên kết quốc tế. Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao các đóng góp thực chất, hiệu quả của Hàn Quốc và sẵn sàng phối hợp chặt chẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững và có thể tự phục hồi  của Tiểu vùng Mekong thông qua hai khuôn khổ hợp tác ASEAN - Hàn Quốc và Mekong - Hàn Quốc.

25. Lãnh đạo cấp cao hai nước tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông; nhất là khẳng định nguyên tắc giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). Lãnh đạo cấp cao hai nước đề nghị các bên liên quan kiềm chế, không có hành động đơn phương nhằm quân sự hóa, thay đổi nguyên trạng hoặc làm phức tạp tình hình ở Biển Đông; thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sớm đạt một Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là với UNCLOS.

26. Lãnh đạo cấp cao hai nước nhắc lại lập trường chung liên quan đến vấn đề Bán đảo Triều Tiên được nêu tại Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hàn Quốc lần thứ 23; nhất trí cho rằng việc phát triển vũ khí hạt nhân đe dọa hòa bình và ổn định của Bán đảo Triều Tiên, khu vực Đông Á cũng như thế giới. Hai bên kêu gọi Triều Tiên thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ và các cam kết quốc tế bao gồm các Nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Tuyên bố chung 19/9; đồng thời, khẳng định tầm quan trọng của các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm thực hiện đầy đủ các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Phía Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ nỗ lực của Chính phủ Hàn Quốc để giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân Triều Tiên trong đó có Sáng kiến táo bạo.

27. Hai bên chia sẻ quan ngại về tình hình tại Myanmar, mong muốn tình hình Myanmar sớm trở lại ổn định vì lợi ích của nhân dân Myanmar, vì hòa bình và ổn định ở khu vực. Phía Hàn Quốc bày tỏ sẵn sàng tiếp tục phối hợp với các nước ASEAN trong việc thúc đẩy tìm giải pháp đưa đến ổn định tình hình, chấm dứt bạo lực, đối thoại giữa các bên ở Myanmar, ủng hộ việc triển khai có hiệu quả “đồng thuận 5 điểm” của ASEAN. Phía Việt Nam cảm ơn Hàn Quốc ủng hộ nỗ lực của ASEAN trong việc giải quyết vấn đề Myanmar, bao gồm hoạt động viện trợ nhân đạo.

28. Các hiệp định và Bản ghi nhớ bao gồm Phụ lục đã được ký kết trước sự chứng kiến của Lãnh đạo cấp cao hai nước.

29. Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí cho rằng, chuyến thăm cấp Nhà nước Hàn Quốc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thành công tốt đẹp, góp phần quan trọng tăng cường và phát triển hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chân thành cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, nồng hậu của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol dành cho Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc và trân trọng mời Tổng thống Yoon Suk-yeol và Phu nhân thăm Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Tổng thống Yoon Suk-yeol chân thành cảm ơn và vui vẻ nhận lời.

PHỤ LỤC VĂN KIỆN KÝ KẾT

Hiệp định Chính phủ:

1. Nghị định thư sửa đổi Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc về hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan.

2. Công hàm Trao đổi giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc để triển khai nguyên tắc cộng gộp xuất xứ theo Hiệp định thương mại tự do giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland.

Bản ghi nhớ hợp tác giữa các cơ quan

1. Khung hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ Kinh tế và Tài chính Đại Hàn Dân Quốc về sử dụng viện trợ phát triển chính thức của Hàn Quốc trong khuôn khổ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) và Quỹ xúc tiến phát triển kinh tế (EDPF).

2. Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác trên cơ sở quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” giữa Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Ngoại giao Đại Hàn Dân Quốc.

3. Bản ghi nhớ hợp tác về văn hóa giữa Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đại Hàn Dân Quốc giai đoạn 2023-2025.

4. Bản ghi nhớ hợp tác khai thác khoáng chất thiết yếu giữa Bộ Công Thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Thương mai, Công nghiệp và Năng lượng Đại Hàn Dân Quốc.

5. Bản ghi nhớ hợp tác công nghiệp điện lực và năng lượng sạch giữa Bộ Công Thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Thương mai, Công nghiệp và Năng lượng Đại Hàn Dân Quốc.

6. Bản ghi nhớ giữa Bộ Y tế nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Y tế và Phúc lợi Đại Hàn Dân Quốc về hợp tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe

7. Bản ghi nhớ hợp tác công nghệ thông tin và truyền thống giữa Bộ Thông tin Truyền thông nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Khoa học Công nghệ - Thông tin và Truyền thông Đại Hàn Dân Quốc./.