Tục mừng tuổi ngày Tết xưa và nay

Đã từ lâu, phong tục chúc Tết và mừng tuổi trở thành một nét văn hóa mỗi dịp đầu năm mới của người Việt Nam. Người ta mừng tuổi nhau cũng là trao nhau những lời chúc tốt đẹp với hy vọng có một năm mới bình an, may mắn.
li-xi-9224l-1707554853.jpeg
Tục mừng tuổi đầu năm đã lưu truyền từ năm này qua năm khác và cho đến tận bây giờ vẫn được gìn giữ. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Ý nghĩa của phong tục chúc Tết, mừng tuổi

Theo quan niệm, cứ năm mới tới, mỗi người thêm một tuổi, bởi vậy ngày mùng 1 Tết là ngày mở đầu năm mới, con cháu tề tựu “chúc thọ” ông bà và các bậc cao niên (ngày xưa, các cụ thường không nhớ rõ ngày tháng sinh nên chỉ biết Tết đến là thêm một tuổi). Thêm một tuổi tức là trời cho lộc thọ lâu trong đầu có thêm kinh nghiệm đường đời để sống tốt hơn, góp sức cùng gia đình, dòng tộc làm được nhiều điều có ích.

Còn tục mừng tuổi (hay còn gọi là lì xì), theo một số nhà nghiên cứu bắt nguồn từ Trung Quốc. Tương truyền cứ đến đêm giao thừa, tất cả thần tiên đều phải về trời để phân công lại nhiệm vụ, ma quỷ lại có cơ hội tự do, có một loại yêu quái thường xuất hiện vào đêm giao thừa để xoa đầu trẻ con đang ngủ khiến lũ trẻ giật mình, khóc thét lên và sẽ bị bệnh. Một lần, những vị tiên đi ngang một nhà, hóa thành những đồng tiền nằm bên đứa trẻ, khi yêu quái đến, những đồng tiền lóe sáng và chúng sợ hãi bỏ chạy. Phép lạ này cứ thế lan truyền, để rồi cứ Tết đến người ta lại bỏ tiền vào trong những chiếc túi màu đỏ tặng cho trẻ con mong giúp xua đuổi tà ma, mong bình an cho đứa trẻ.

Ở Việt Nam, không ai biết phong tục này có từ bao giờ, chỉ biết là rất lâu rồi, mừng tuổi đã trở thành thông lệ mỗi dịp đầu năm mới của người Việt.

Theo tục lệ xưa, cứ vào sáng mùng một Tết Nguyên đán, tất cả con cháu trong nhà lần lượt nói lời chúc Tết, chúc thọ và tặng quà hoặc một số tiền cho ông bà, cha mẹ mình. Sau đó, con cháu được ông bà, cha mẹ mừng tuổi lại một phong bao màu đỏ, bên trong đựng một ít tiền gọi là lấy may và mang lại niềm vui trong ngày đầu năm mới. Con cháu nhận bao đỏ mừng tuổi như nhận tình yêu thương của ông bà, cha mẹ dành cho mình với lời chúc may mắn và hạnh phúc trong cả năm. Tương tự như vậy, khi khách đến thăm nhà vào những ngày Tết cũng không quên mừng tuổi cho con cháu của gia chủ, kèm theo lời chúc phúc đầu năm, đồng thời đón nhận lại những lời chúc sức khỏe, may mắn, phát đạt.

Tiền mừng tuổi ý nghĩa không nằm ở số tiền nhiều hay ít mà quan trọng là ở thông điệp, con cháu chúc ông bà, bố mẹ sức khỏe, bách niên giai lão. Còn ông bà mong con cháu làm ăn phát đạt, ăn nên làm ra, trẻ em thì hay ăn chóng lớn, ngoan ngoãn và học hành giỏi giang... Vì thế, tiền mừng tuổi khi xưa thường là những món tiền nhỏ, gồm cả tiền lẻ và tiền chẵn. Những chiếc phong bao đỏ mừng tuổi thể hiện sự gắn kết mọi người với nhau hơn, thể hiện tình cảm, sự hy vọng vào một năm mới ấm áp, an lành và may mắn.

Tục mừng tuổi đầu năm đã lưu truyền từ năm này qua năm khác và cho đến tận bây giờ vẫn được gìn giữ. Dù cho thời gian có trôi đi thì sự mong mỏi được nhận chiếc phong bao mừng tuổi trong ngày đầu năm vẫn không thay đổi.

Tục mừng tuổi ở một số nước châu Á

Ở Trung Quốc, phong bao lì xì được gọi là “Hongbao”. Đúng như tên gọi, người dân sẽ dùng những chiếc phong bì màu đỏ để đựng tiền. Người dân Trung Quốc không bao giờ đặt số tiền có mệnh giá liên quan tới số 4, vì con số này được coi là không may mắn. Họ còn có thói quen mang theo bao lì xì trong suốt 16 ngày đầu năm mới. Người Trung Quốc không bao giờ nhận lì xì bằng một tay, cũng không mở nó ra ngay trước mặt người tặng, mà thường để dưới gối khoảng 1 tuần mới mở ra.

Ở Nhật Bản, tục mừng tuổi gọi là “Otoshidama”. Không giống người Trung Quốc, người Nhật Bản thường dùng bao lì xì màu trắng có in hoa văn hoặc những hình trang trí ngộ nghĩnh.

Còn người Hàn Quốc gọi tục mừng tuổi là Sabae với ý nghĩa cầu may mắn, bình an, tài lộc cho người được nhận mừng tuổi. Tuy nhiên, thay vì dùng phong bao màu đỏ, người dân lại ưa chuộng màu trắng. Trên những phong bao này có ghi cả tên của người được nhận.

Người Malaysia thì lại dùng bao mừng tuổi màu xanh lá cây vì nó gắn liền với tín ngưỡng đạo Hồi.