Nét đẹp Tết của người Thái ở miền Tây xứ Nghệ

Đinh Thảo
Chúng tôi đến huyện miền núi Tương Dương, tỉnh Nghệ An vào một ngày cuối đông, nhưng dường như sắc xuân đã bắt đầu “gõ cửa” miền đất sơn thuỷ hữu tình này. Từ bao đời nay, người Thái nơi đây vẫn giữ gìn phong tục đón Tết cổ truyền mang đậm bản sắc riêng.
nguoi-thai-1-1707536543.png
Người phụ nữ Thái ở huyện Tương Dương gói bánh để chuẩn bị cho mâm cơm ngày Tết Nguyên đán (Ảnh: Đình Tuân)

Nền văn hóa bề dày truyền thống của người Thái ở Tương Dương

Người Thái ở Tương Dương chiếm trên 80% dân số cả huyện, trong đó, nhóm Thái Tày Mường chiếm hơn 73% người Thái trên địa bàn, sau đó mới đến Tày Thanh và Tày Mười.

Theo các nhà nghiên cứu, người Thái thiên di vào huyện Tương Dương từ đầu thế kỷ XI theo 2 hướng từ các tỉnh phía Bắc vào và từ Lào sang. Nhóm đến sớm nhất và có dân số đông nhất chính là nhóm Tày Mường, tiếp đến là nhóm Tày Thanh và sau cùng là nhóm Tày Mười. Không chỉ có nên kinh tế phát triển hơn só với các dân tộc khác như Mông, Khơ Mú… nền văn hóa của người Thái ở Tương Dương có bề dày truyền thống và rất đặc sắc. Đặc biệt, nhờ có chữ viết riêng (chữ Lai Pao), người Thái ở Tương Dương đã lưu trữ được kho tàng văn học dân gian đồ sộ, những phong tục, tập quan được lưu giữ qua những văn bản cổ, được viết trên lá cây, thanh tre, hoặc giấy bản.

nguoi-thai-2-1707536505.png
Với đồng bào người Thái, Tết đến xuân về nhà nào cũng đều làm cỗ mời họ hàng đến ăn Tết (Ảnh: Đình Tuân)

Độc lạ tục đón Tết của người Thái

Chuyện vui xuân, đón Tết của người Thái luôn đi liền với những phong tục, tập quán độc đáo. Trước đây, người Thái không ăn Tết Nguyên đán như người Kinh mà họ có Tết riêng của mình. Trong năm, người Thái có đến 3 cái Tết. Đầu tiên là Tết “Bươn Chiêng” (1/1 Âm lịch) trùng với Tết Nguyên đán; sau đó là Tết “Chiêng Xám” (Tết Thanh Minh, 3/3 Âm lịch). Thứ đến là Tết “Xíp Xí” (14/7 Âm lịch). Mỗi Tết có một ý nghĩa đặc biệt và mang nét văn hóa riêng. Ngày nay, người Thái ở Tương Dương hầu như đã bỏ Tết Chiêng Xám và Tết Xíp Xí, chỉ ăn một cái Tết Bươn Chiêng cùng với Tết Nguyên đán như bây giờ.

Đồng bào Thái nơi đây quan niệm rằng, phải chuẩn bị Tết từ sớm. Một già làng (thầy mo) ở huyện Tương Dương chia sẻ, để chuẩn bị đón xuân mới, vui Tết cổ truyền, ngay từ tháng 9 Âm lịch hàng năm, đồng bào Thái đã chuẩn bị lợn, gà, gạo nếp để dành. Nhà nào khá giả thì chuẩn bị 1 con trâu hoặc 1 con lợn to, còn thông thường 2-3 nhà chung nhau 1 con lợn để mổ ăn Tết. Đặc biệt, không thể thiếu những bộ quần áo mới để mặc vào ngày đầu năm.

Công việc đầu tiên với họ là giải quyết việc ruộng đồng, nương rẫy xong mới chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa đón Tết. Vào ngày 23 tháng Chạp, họ không cúng ông Công ông Táo bằng các lễ vật như cá, mũ táo quân… mà chỉ rót chén rượu và thắp hương báo cáo với tổ tiên về việc dọn dẹp nhà cửa. Bởi vì người Thái rất kiêng kỵ khi làm gì liên quan đến nhà cửa, vì vậy muốn dọn dẹp, trang trí nhà phải báo cáo với tổ tiên cho phép. Trước đó, bà con thường lên nương tổ chức lễ tạ ơn thần linh đã cho mùa màng bội thu và rước hồn lúa về nhà. Sau khi rước hồn lúa về, người ta dọn dẹp nhà cửa, đường làng ngõ xóm sạch sẽ. Xong xuôi những công việc đó, bà con mới đi chợ phiên để mua sắm phục vụ cho sinh hoạt ngày Tết… Kết thúc tất cả mọi công việc chuẩn bị họ mới thực sự nghỉ ngơi để chơi Tết.

Sáng 29 tháng Chạp, người Thái mổ lợn, nhà nào cũng làm vài mâm cơm mời tất cả anh em, họ hàng, thông gia, con cháu đến ăn tất niên “xổng pí cẩu, tòn pí mở” (tiến năm cũ, đón năm mới). Trước khi mời khách ăn cỗ, chủ nhà mang thủ, đuôi, chân, xương sườn lợn đã luộc chín đặt lên bàn thờ thắp hương, mời tổ tiên về ăn Tết, cầu xin tổ tiên phù hộ “khỏe như voi đang độ, khỏe chắc như sắt đá...”, mùa màng tươi tốt, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà đều tốt...

Tối 29 tháng Chạp, nhà nhà bắt đầu gói bánh chưng. Bà con nơi đây thường gói bánh chưng màu đen và màu trắng. Để làm bánh màu đen, họ đốt rơm lên, lấy tro giã lẫn gạo nếp rồi sàng sạch muội tro mà vẫn giữ lại màu đen. Nhiều nơi không cho nhân bánh. Người ta quan niệm hương vị Tết ở trong bánh chưng chủ yếu thể hiện ở hương vị của lá dong, và đó cũng là cái chủ yếu để dâng lên tổ tiên (ma nhà).

Sáng 30 Tết, các nhà luộc bánh chưng và thịt lợn. Tối 30 là bữa cơm tất niên, có sự góp mặt của anh em trong dòng tộc và hàng xóm, rồi cả đêm người ta thức uống rượu, hương không bao giờ tắt. Sau lễ cúng giao thừa bằng thịt, bánh, các đồ thổ cẩm, bạc nén... nhà nào có chiêng hay cồng thì mang ra gõ tại nhà.

Thường vào chiều tối ngày 28, 29 hoặc 30 tháng Chạp, chủ nhà thịt 2 con gà trống, 1 con để cúng tổ tiên, 1 con dùng để gọi hồn cho mọi người trong nhà (nhà có điều kiện khá giả thì làm thịt lợn). “Theo quan niệm, thầy cúng lấy của mỗi người một chiếc áo, bó lại một đầu với nhau, bó vào túi vải thổ cẩm khoác lên vai, tay phải thầy cầm một thanh củi đang cháy, rồi mang ra đầu bản gọi hồn của các thành viên trong gia đình còn mải mê ở đâu đó trên rừng, dưới suối theo thầy về nhà vui Tết, đón xuân”, vị thầy mo kể.

Nhiều cao niên ở các bản làng đồng bào Thái cho biết thêm, vào chiều ngày 30 Tết, bà con người Thái thường tổ chức hội tắm gội giải xui. Phụ nữ Thái thường ra suối để gội đầu, còn đàn ông thì ra sông tắm rửa. Người Thái quan niệm làm vậy để rửa trôi những vất vả, bệnh tật, điều không may của năm cũ, tống tiễn tai ương, bệnh tật xuôi theo dòng nước (sông, suối) đi mãi, đồng thời cầu cho con người có sức khoẻ, năm mới tốt lành, gặp điều hay, làm ăn phát đạt.

Sau khi tắm rửa, gội đầu xong, tất cả mọi người đều trở về bản và tham gia các hoạt động như ném còn, tó má lẹ (một trò chơi dân gian), múa xòe cùng các trò chơi khác. Sau đó, ai về nhà nấy chuẩn bị cho lễ cúng gia tiên. Đàn ông sửa soạn bàn thờ, làm những việc nặng trong nhà, còn đàn bà, phụ nữ sửa soạn lại bát, đũa và chăm lo công tác nội trợ chuẩn bị cho lễ cúng và bữa cơm năm mới.

Tục đón giao thừa của người Thái còn gọi là “Pống cháy, kháy hoọng”. Đêm giao thừa cả nhà từ trẻ đến già không ai được ngủ, đèn và nến trên bàn thờ không được tắt, hương nhang không được tàn. Các thành viên gia đình quây quần bên nhau làm các loại bánh, chế biến một số món ăn như mọc cá, pá nạp… Thỉnh thoảng con cháu lại ra giàn ngoài đánh một hồi trống, chiêng báo thời khắc giao thừa sắp đến. Đúng giờ giao thừa, các loại bánh trái, xôi đồ, cá khô, xôi cốm, hai cơi trầu (mỗi cơi 8 miếng); 1 ấm trà xanh, 8 chén rượu, tất cả được xếp vào thúng. Người vợ mở hòm lấy các loại vải thổ cẩm, khăn váy, quần áo mới, vòng tay, bạc nén... Những đồ đó được đem đặt tại bàn thờ ma nhà. Khăn mũ chỉnh tề, chủ nhà kính cẩn đọc bài cúng “chào đón tổ tiên xuống tề tựu”. Sau bài cúng, con cái trong nhà thay phiên túc trực để tiếp đón tổ tiên. Trong đêm giao thừa, người ta thường lắng nghe có tiếng con gì kêu đầu tiên để đoán được năm mới có thuận buồm xuôi gió hay không. Ví dụ, nếu trong đêm giao thừa mà nghe tiếng hoẵng kêu thì đoán định năm đó sẽ hạn hán…

Bước sang ngày mùng 1 Tết, chủ nhà dọn mâm cơm đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên, mời tổ tiên về “ăn” cơm trước bản, trước mường. Sau khi cúng tổ tiên xong, chủ nhà tiếp tục dọn mâm khác để cúng các vị thần trong nhà mình như thần bếp, thần giữ trẻ con và thần thổ địa ở dưới dưới cầu thang… Bữa cơm Tết của người Thái có một món không thể thiếu đó là cá, với các món nướng, cá chua, cá mọc. Người Thái tối kỵ việc quăng lá dong xuống gầm sàn, họ kiêng quét nhà vào ngày mùng 1 Tết.

Vào sáng mùng 1 Tết, người Thái kiêng không đi chúc Tết hàng xóm, chỉ có con cháu trong gia đình đem rượu, mứt, bánh chưng đến Tết bố mẹ đẻ. Tối mùng 1 Tết, gia đình làm lễ tạ, sau lễ tạ con cái mới được phép đi chơi. Ngày mùng 2 đi Tết bố mẹ bên vợ; từ ngày mùng 3 đến chúc Tết ông mối, sau đó bắt đầu vui chơi cộng đồng với các trò chơi dân gian như ném còn, tó má lẹ, hạn khuống, kéo co, đẩy gậy... được tổ chức sôi nổi.

Đám thanh niên còn đi chơi đến các bản xa hơn, du xuân đối với các nam thanh, nữ tú không chỉ để thưởng thức hương vị Tết mà còn tìm bạn tình trăm năm. Vì thế, có đám đi miết tận ngày mùng 10 mới chịu về.

Khách đến chúc Tết, bước qua “chín bậc tình yêu” (9 bậc thang) lên sàn nhà được gia chủ ra tận cầu thang đón rước, đưa vào gian chính giữa (nọc hóng). Trên những chiếc chiếu hoa mới trải rộng, khách và chủ đưa lời chúc năm mới, cùng nhâm nhi chén rượu ngon và uống nước chè mới. Lúc này, ở dãy lan can quanh nhà bắt đầu diễn ra cảnh gõ sạp mừng khách tới chơi, chúc Tết.

nguoi-thai-3-1707536506.png
Ngày Tết, bà con thường múa lăm vông tại nhà văn hóa thôn bản hoặc sân gia đình (Ảnh: Đình Tuân)

Dưới sàn nhà, lại một tốp khác nhảy múa theo nhịp luống và cồng chiêng. Đón khách từ màn gõ sạp, khắc luống độc đáo này kéo dài tới 15 phút. Khi người nhà bưng cỗ ra, khách đã đông đủ quanh mâm, tiếng gõ sạp mới dừng lại. Sau khi tiệc tàn thì màn xòe, múa lăm vông quanh chum rượu cần cũng bắt đầu. Các cô gái tươi tắn quấn khăn piêu rực rỡ, thắt lưng xanh đỏ, áo còm cúc bạc, họ chia nhau tản ra mời khách cùng xòe hoặc múa lăm vông. Vui Tết không ai từ chối. Kết thúc, khách cảm ơn gia chủ, chúc gia chủ một năm phát đạt, sau đó bước xuống cầu thang, nam thanh nữ tú lại một lần nữa thay nhau cầm những chai rượu rót mời chia tay.

nguoi-thai-4-1707536426.png
Bà con đồng bào Thái đi chơi trong ngày Tết (Ảnh: Đình Tuân)

Đón năm mới, đồng bào Thái ở Tương Dương ăn Tết vui xuân cho đến Rằm tháng Giêng thì lại gói bánh chưng để thắp hương tổ tiên và báo cáo hết Tết. Sau đó, họ mở hội Lồng Tồng (hội xuống đồng), thi đua lao động sản xuất bắt đầu một năm mới, mùa vụ mới với nhiều niềm vui và đầy ước vọng…

Vi Hợi