Ông Phạm Chánh Trực - nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP. HCM chia sẻ, từ năm 1982 đến 2022, Bộ Chính trị đã ban hành 4 nghị quyết quan trọng đối với sự phát triển của TP. HCM, lần lượt các nghị quyết 01, 20, 16 và 31. Từ các nghị quyết đó, Quốc hội và Chính phủ có nghị quyết để cụ thể hóa chủ trương, chính sách. Trong đó dấu ấn trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở nghị quyết 16 năm 2012 và nghị quyết 31 đều do chính Tổng Bí thư ký.
Cũng chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký nghị quyết 24 năm 2002 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó TP. HCM là điểm nhấn, đầu tàu cho cả khu vực này. “Các nghị quyết dưới thời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đều có những bước tích cực, phát triển và nhiều điểm mới do bám sát thực tiễn trong nước và thế giới có nhiều biến chuyển nhanh chóng”, ông Trực nhìn nhận.
Phân tích sâu hơn, nguyên phó bí thư Thành ủy Thành phố chia sẻ: “Trong nghị quyết 01 do Tổng Bí thư Lê Duẩn ký xác định phương châm “TP. HCM cùng cả nước, vì cả nước”. Phương châm chỉ đạo Thành phố phấn đấu nỗ lực cùng cả nước chứ không thể là một mình Thành phố mà lên chủ nghĩa xã hội được. Vì cả nước, cái đó rất đúng với Thành phố. Đến nghị quyết 31 đã xác định quan điểm, phương châm “TP. HCM vì cả nước, cả nước vì TP. HCM”. Điều này rất đúng trong điều kiện, hoàn cảnh phát triển cụ thể của TP. HCM.
“Việc đặt trách nhiệm cả nước vì TP. HCM cho thấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận thức rõ nếu như các cơ quan Trung ương, các địa phương khác không đầu tư, giúp đỡ, ủng hộ, hỗ trợ cho Thành phố trở thành một đầu tàu rất mạnh, kéo đoàn tàu cả nước sẽ không có lợi cho cả nước. Do đó việc này phải làm vì cả nước, rất đúng với thành phố như lịch sử đã chứng minh”, ông Trực nói.