Hoạt động ngoại giao phong phú, đa dạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chia sẻ tại tọa đàm "Vận dụng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh trong triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII” do Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 18-5, GS, TS, Đại sứ Vũ Dương Huân, nguyên Giám đốc Học viện Quan hệ Quốc tế, Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử ngoại giao cho biết, trong 30 năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước (1911-1941), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt chân đến 56 quốc gia và vùng lãnh thổ. Có nơi Người chỉ đi dừng chân một thời gian ngắn, song Người sống, làm việc, học tập trong thời gian dài ở Pháp, Mỹ, Anh, Liên Xô và Trung Quốc. “Người tiếp xúc với nhiều dân tộc từ da trắng, da vàng đến da đen; từ chính khách, nhà hoạt động chính trị, tướng lĩnh, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội đến binh lính, người lao động. Đây là hoạt động ngoại giao nhân dân vô cùng sôi động của Người”, Đại sứ Vũ Dương Huân nhấn mạnh.
Khi trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Nhà nước Việt Nam mới (1945-1969) cùng hai lần trực tiếp làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, hoạt động ngoại giao nhà nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng trở nên phong phú, đa dạng. Trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống thực dân Pháp, Người đã bí mật thăm Trung Quốc, Liên Xô, tiến hành ngoại giao phá vây. Trung Quốc, Liên Xô không chỉ công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà còn cam kết dành cho Việt Nam sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn cả về vật chất và tinh thần cho cuộc kháng chiến, dẫn đến đại thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và ký kết Hiệp định Geneva năm 1954 về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương...
Với tư cách là người đứng đầu Nhà nước Việt Nam, Người đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao nước ta đi thăm các nước xã hội chủ nghĩa, góp phần củng cố quan hệ của nước ta với các nước đồng minh xã hội chủ nghĩa. Người cũng dẫn đầu Đoàn đại biểu của Đảng ta dự Hội nghị 64 đảng cộng sản và công nhân tại Moscow (11-1957) và Hội nghị 81 đảng năm 1961 (11-1960) tại Liên Xô, góp phần khắc phục một số bất đồng và củng cố sự lớn mạnh của phong trào và quan hệ của Đảng ta với các đảng anh em.
Để tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ mọi mặt giữa nước ta và các nước xã hội chủ nghĩa anh em, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì đón tiếp nhiều đoàn đại biểu cấp cao các nước xã hội chủ nghĩa thăm hữu nghị, chính thức Việt Nam...
Những đặc trưng trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh
Theo quan điểm của Đại sứ Vũ Dương Huân, trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh có 8 đặc trưng cơ bản. Trước hết, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là một trong những bản sắc của ngoại giao Hồ Chí Minh. Đó cũng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối cách mạng Việt Nam, phản ảnh bản chất của ngoại giao Việt Nam. Hai là, tư tưởng hòa hiếu không chỉ là truyền thống của cha ông mà cũng là bản sắc của ngoại giao Hồ Chí Minh. Phong cách ứng xử chủ đạo người Việt Nam là hòa bình, hữu nghị với các dân tộc khác, trước hết là các nước láng giềng, khu vực. Truyền thống đó được củng cố, phát huy cao độ trong thời đại Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm mọi cơ hội ngăn chặn chiến tranh với Pháp để có được hòa bình và Người cũng sẵn sàng trải “thảm đỏ”, “nối nhịp cầu vàng” cho Mỹ rút quân, chấm dứt chiến tranh xâm lược. Bên cạnh nền tảng là tư tưởng hòa hiếu, chính sách đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là rộng mở: “thêm bạn bớt thử”, “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”. Trong quan hệ với thế giới, Người đặc biệt coi trọng quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn.
Ba là, kiên quyết bảo vệ độc lập chủ quyền, phối hợp "đánh" kết hợp với "đàm" khi độc lập dân tộc bị vi phạm. Đó chính là chất “thép” trong ngoại giao Việt Nam.
Bốn là, “gắn dân tộc với quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo thành sức mạnh tổng hợp để có thế lấy yếu mà thắng mạnh, lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn”.
Năm là, độc lập tự chủ, tự lực tự cường đi liền với đoàn kết và hợp tác quốc tế, hội nhập quốc tế là tư tưởng chủ đạo trong chính sách kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Cái gốc, cái điểm mấu chốt về chính trị, quân sự, kinh tế, nội chính, ngoại giao của ta là tự lực cánh sinh”. Độc lập tự chủ, song không đóng cửa, khép kín mà tăng cường tiếp xúc, giao lưu với bên ngoài để tranh thủ ngoại lực; nội lực là quyết định song ngoại lực lại rất quan trọng.
Sáu là, chân thành, tình nghĩa, thủy chung, “giúp bạn là giúp mình”, tôn trọng đạo lý trong quan hệ đối ngoại. Đó chính là nhân tố tâm công trong trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh. Nhân dân Việt Nam mãi mãi ghi lòng tạc dạ sự ủng hộ to lớn sự giúp đỡ quý báu của Liên Xô, Trung Quốc, Lào, Campuchia và nhân các nước khác đã dành cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập tự do và xây dựng đất nước, kể cả nhân dân Pháp và Mỹ... Việt Nam cũng là nước có ý thức trách nhiệm cao trong các cam kết quốc tế, tôn trọng đạo lý trong quan hệ quốc tế.
Bảy là, cứng rắn về nguyên tắc, lợi ích quốc gia-dân tộc, song rất linh hoạt, uyển chuyển các vấn đề sách lược là nét đặc thù của ngoại giao Hồ Chí Minh. Đó chính là phương pháp “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tám là, luôn có sự chân thành, tế nhị, khéo léo, linh hoạt, uyển chuyển, thuyết phục, có sức cảm hóa lớn đối với người đối thoại, dù người đó là bạn hay là thù.
“Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng hiện nay, tham gia vào “làng ngoại giao thế giới”, Trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh càng khẳng định được vị thế của mình, góp phần nâng cao vị thế đất nước”, Đại sứ Vũ Dương Huân nhấn mạnh.