Trong ngôi nhà vang “khúc hát người điên”

Trong ngôi nhà “đông người” dưới những tàng cây bập bùng tiếng guitar, và giọng hát đậm chất rock rừng vang lên. Nơi đó, khúc hát tự đáy lòng của những người điên vẫn vang lên, như thể giãi bày nghĩa tình với người tỉnh giữa mênh mông cao nguyên này.

Trong “khúc hát người điên”

Trước khi chia tay để về quê ăn Tết, chàng trai 32 tuổi tên Doan (quê Kon Tum) chỉnh lại dây đàn, rồi cất giọng hát một tình khúc của nhóm nhạc Bức Tường. Cả trăm người trong “ngôi nhà tâm thần” người thì lặng im lắng nghe, người thì giơ tay múa theo điệu nhạc. Doan hát rất hay, ai cũng bảo thế. Doan mang trong mình chất hoang dã của đại ngàn, và ngọn lửa với âm nhạc của miền Tây Nguyên, “người điên hát” đã thổi bùng lên rất nhiều đam mê trong lòng người nơi ấy.

Trong ngôi nhà tâm thần của vợ chồng anh Hà Tư Phước (56 tuổi, Phường Chi Lăng, TP. Pleiku, Gia Lai), nơi ấy, Doan vẫn hát bằng nỗi niềm riêng của mình. Doan hát, những khúc hát của miền cao nguyên đầy gió và nắng hoang hoải, đầy mưa và những nỗi niềm. Chiều cuối năm, gió như van lơn mê mải khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng. Nhưng mỗi khi giọng hát của Doan cất lên, mộc mạc mà đầy mạnh mẽ cùng tiếng guitar thùng thì thời gian như trôi đi nhanh hơn, nhanh như cái vẩy tay kết thúc đoạn điệp khúc đầy hoang dã của một bài hát vùng bazan mà Doan vừa thực hiện.

trong-ngoi-nha-vang-khuc-hat-nguoi-dien-20-1672970772.jpg
Doan (áo xám, người Ba Na quê Kon Tum) là “chàng ca sỹ đặc biệt” với chất giọng hay khiến nhiều người thích thú

Trong thế giới người điên, mấy ai được như thế. Nhìn bề ngoài, những người bệnh tâm thần ở ngôi nhà tâm thần Hà Tư Phước này không khác lắm so với những người bình thường. Họ vẫn cảm nhận được cuộc sống trôi qua từ một lăng kính khác, họ vẫn sống và lặng lẽ với nỗi niềm riêng của mình. Doan kể về chuyện của mình, vì sao mình vào đây, vẫn nhớ rõ vanh vách ngôi nhà của mình, đã ở đây được bao nhiêu năm, đã hát bao nhiêu bài hát. Mới đây, cộng đồng mạng đã sửng sốt với clip ghi lại cảnh chàng trai này hát tặng mẹ một bài hát cùng lời giới thiệu chân chất mộc mạc nhưng đầy tình nghĩa, mà có khi nhiều người tỉnh táo bình thường cũng chẳng thể nhận ra. Anh ấy đã hát ca khúc "Tình mẹ", trong đó có phần rap do anh ấy tự nghĩ ra nghe rất cảm động: "Tôi muốn viết một ca khúc để tặng cho mẹ tôi. Tôi cứ suy nghĩ mãi, nhưng không thể nào tôi viết được. Tôi có thể viết được nhiều ca khúc để tặng cho bạn gái của tôi, nhưng về mẹ thì khó quá, vì giai điệu nốt nhạc thì rất nhiều, nhưng về ngôn từ để nói hết tình cảm của tôi muốn dành cho mẹ tôi thì không thể nào tôi viết được. Thì thôi có một câu thơ đã an ủi tôi, câu thơ ấy viết rằng: “Nếu con thương mẹ thì hãy thương khi mẹ vẫn còn đây!”. Những tâm sự ấy của Doan, chắc hẳn khiến nhiều người cũng phải giật mình để soi ngẫm lại.

trong-ngoi-nha-vang-khuc-hat-nguoi-dien-05-1672970773.jpg
Những người bệnh khi về với vợ chồng anh Hà Tư Phước đều trở nên ngoan hiền và không còn quấy phá như trước

Không chỉ có Doan, mà những người khác như Minh, De, Nam, hay Nghĩa “nhạc sỹ”, nếu không ở nơi này thì chẳng mấy ai nghĩ họ là một người tâm thần. Ở đó, họ vẫn nói chuyện với nhau như những người tỉnh táo. Nhiều người ngày ngày vẫn đi chăn bò, giẫy cỏ cà phê, nấu nướng cho tất cả mọi người. Khi đến giờ ăn, họ biết chờ được phát đồ ăn, họ biết dọn gọn chén bát vào rổ để người khác mang đi rửa. Chiều chiều, họ lại cùng nhau ngồi và ca hát.

Trong câu chuyện với họ, có nhiều người dường như vẫn hết sức bình thường. Khi Doan hát một bài về mẹ, một chàng trai trẻ bỗng dưng thút thít: “Em thấy nhớ má quá”. Chưa hết câu, cậu òa khóc như một đứa trẻ. Rồi kể khá mạch lạc: “Em chỉ mong mình mau hết bệnh, về lo cho gia đình, lo cho má. Người ta cứ nghĩ mình điên là không biết gì. Những lúc tỉnh em nhớ hết chứ, đời ai cũng có những tâm sự buồn mà!”, câu nói nghẹn ngào mà tỉnh táo trong cơn mê của chàng trai trẻ làm nhiều người không khỏi chạnh lòng.

trong-ngoi-nha-vang-khuc-hat-nguoi-dien-12-1672970773.jpg
Những người bệnh sống cùng nhau chan hòa, tự phân chia đồ ăn

Một điều lạ, ấy là những người bệnh ở đây đều rất ngoan, rất biết nghe lời “ba Phước, mẹ Hạc”, như cái cách họ nói về hai vợ chồng anh Tư Phước. Ở nhiều bệnh viện tâm thần, hay các trung tâm điều trị người tâm thần khác, việc người bệnh quậy phá, gây rối hay tự làm tổn thương mình diễn ra thường xuyên. Nhưng ở đây, điều đó đã không còn xảy ra nữa. Dường như, trong thế giới riêng của mỗi người ở đây, họ đều biết và thầm cảm ơn vợ chồng anh Tư Phước. Huy, một chàng trai hơn 30 tuổi rưng rưng: “Bố mẹ (anh Phước, chị Hạc) đã cưu mang, chữa trị bệnh cho em nên mang ơn bố mẹ lắm. Giờ em ở đây với mọi người, phụ giúp mẹ những việc bếp núc, lo bữa cơm cho các anh em. Chỉ có ở đây em mới không bị hắt hủi, được sống hòa đồng mà không bị xa lánh kỳ thị, ở đây có nhiều anh em nên vui vẻ hơn. Được làm việc, em thấy bản thân có ích và cuộc sống có ý nghĩa hơn nhiều!”.

Có lẽ, bằng tất cả tấm lòng và tình yêu thương của mình, vợ chồng anh Tư Phước đã mở ra một cánh cửa mới cho những con người ấy bước vào. Khi mà cuộc đời họ ngỡ như đã bế tắc, đã khép lại, đã bị gạt ra khỏi đời sống sau tất cả những nỗi dày vò của quá khứ, để họ lai một lần nữa như được tái sinh trở lại, sống vui vẻ hơn.

trong-ngoi-nha-vang-khuc-hat-nguoi-dien-13-1672970772.jpg
Trong ngôi nhà tâm thần này, nhiều người bệnh tự chăm sóc lẫn nhau. Chị Ngọc Trinh đang đút thức ăn cho ông cụ 82 tuổi

Người tỉnh giữa những người điên

Trong ngôi nhà tâm thần ấy, có lúc cao điểm lên tới hơn 170 người cùng sống. Bây giờ, số lượng người bệnh xấp xỉ 120 người, và việc chăm sóc cho hơn 120 con người ấy quả là một điều phi thường, mà nếu không bằng tấm lòng yêu thương thật sự thì không ai đủ sức làm nổi. Nhưng, nhìn hai vợ chồng anh Tư Phước, cũng chỉ là những con người bình thường, với sức vóc bình thường, những công việc cũng hết sức bình thường. Tư Phước sinh năm 1966, là con út trong gia đình nghèo có bảy anh chị em ở TP. Pleiku, học đến lớp 5 đã phải nghỉ để bươn chải với cuộc sống. Năm 18 tuổi, Tư Phước học nghề lái xe tải. Trên những chuyến đi dài từ Nam ra Bắc, anh gặp bao cảnh đời, phận người éo le. Giữa xô bồ cuộc sống, Tư Phước luôn nhớ về bài học lòng yêu thương con người mà người mẹ hiền hậu đã răn dạy thuở nhỏ. Anh dáng người thấp đậm, cánh tay chắc khỏe, nụ cười sảng khoái đậm chất dân Tây nguyên, còn vợ anh, chị Huỳnh Thị Hạc cũng lam lũ tảo tần chẳng kém. Đôi mắt chị ánh lên những tia nhìn lo lắng khi những “người con” sống chung nhà đau bệnh, có lúc là những âu lo khi trong nhà không có đủ thức ăn cho mọi người. Cũng có lúc, ánh mắt ấy hân hoan khi mọi người vui vẻ cùng hòa ca trong tiếng guitar.

trong-ngoi-nha-vang-khuc-hat-nguoi-dien-03-1672970773.jpg
Anh Tư Phước gom góp tiền bạc và vay mượn thêm để xây dựng ngôi nhà lớn cho hơn 120 người bệnh cùng sống

Gần 20 năm rồi, khi anh Tư Phước đón người bệnh đầu tiên về nhà mình để nuôi. Khi ấy, căn nhà bằng gỗ ván ọp ẹp là nơi để tình yêu thương vượt mọi ranh giới bắt đầu trỗi dậy. Tình yêu thương ấy đã cảm hóa được người con gái Bình Định là Huỳnh Thị Hạc về làm vợ anh, tình yêu ấy đã khiến những người bệnh không còn phá phách mà dần ngoan ngoan hơn, tình yêu ấy đã khiến những người hàng xóm láng giềng từ nghi ngờ và xa cách đã trở nên hiểu và thông cảm hơn, để rồi khi cơ quan chức năng xuống kiểm tra, phát hiện anh nuôi dưỡng nhiều người bệnh tâm thần đã bắt anh phải dẹp bỏ trại tâm thần tự dựng lên này. Rồi chính những người hàng xóm láng giềng đó đã viết đơn để cho anh được giữ lại trại tâm thần này, khi họ thấy những nỗi lo lắng của anh với những “đứa con không bình thường” của mình níu áo Tư Phước không muốn rời đi. Tình yêu vượt mọi ranh giới trong ngôi nhỏ ấy đã khiến chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng xúc động và cảm kích, để rồi tạo điều kiện cho anh được nuôi dưỡng thêm nhiều người tâm thần khác nữa. Và cũng tình yêu ấy, đã khiến cho những gia đình ở khắc các địa phương từ miền Bắc tới miền Tây, từ xứ Quảng tới miền bazan mang người thân của mình lên gửi nhờ anh chăm nuôi và trị bệnh.

trong-ngoi-nha-vang-khuc-hat-nguoi-dien-01-1672970772.jpg
Anh Tư Phước với nụ cười sáng khoái đầy viên mãn

Gần 20 năm cho một hành trình, đó là chuỗi ngày đầy khốn khó và thử thách. Như anh bảo, thương vợ vì một mình phải quán xuyến tất cả. Anh ngày ngày chạy xe tải chở thuê để kiếm tiền, còn mọi việc ở ngôi nhà tâm thần này đều một tay vợ anh lo liệu. Chị Hạc, sau những ngày bất ngờ cũng đã hiểu và thông cảm với chồng, cùng chồng chăm lo cho những người bệnh. Ngày ngày, chị khi thì lo giặt giũ, nấu ăn cho hơn 120 bệnh nhân, lo cho 2 đứa con đang tuổi ăn tuổi học, chị còn phải làm mấy sào cà phê để lấy tiền nuôi người bệnh. Kể về ngày tháng cũ, chị Hạc không khỏi rơi nước mắt bởi những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua được. Mỗi đêm, chị nhẩm tính xem cần phải mua gì lo cho cả 120 con người. Nhiều lần đi chợ nhưng không có đồng nào, chị lại phải mua nợ để có cái ăn cho người bệnh. Nhiều cái tết hai vợ chồng không dám đi đâu, bởi sợ ở nhà không ai chăm người bệnh và trong túi cũng không có tiền. Có những đêm 29, 30 tết, hai vợ chồng kéo nhau ra chợ đêm. Ở đó, nhiều loại rau củ không bán được, người ta đổ đi. Anh chị nhặt nhạnh về hết, rửa sạch để phục vụ bữa ăn đạm bạc ngày tết cho cả gia đình lẫn người bệnh. Trong 2 năm dịch bệnh vừa qua, nhiều thời điểm vô cùng khó khăn khi không có cái ăn, anh chị vẫn chạy ngược chạy xuôi vay mượn, mua nợ để có thể lo cho người bệnh.

trong-ngoi-nha-vang-khuc-hat-nguoi-dien-17-1672970772.jpg
Chị Hạc chia quà cho mọi người, tất cả đều ngoan ngoan và coi chị như “người mẹ” thứ 2 của mình

Hơn 120 con người này khi chưa vào đây là những bệnh nhân không kiểm soát được hành vi của mình. Có người nặng đến mức tự huỷ hoại thân thể, có người từng là gánh nặng đến nỗi gia đình phải ruồng bỏ. Đặc biệt trong số này còn có 12 người từng là bị can mang án giết người ngoài xã hội. Nhưng tất cả họ khi về với vợ chồng anh Hà Tư Phước đều trở nên ngoan hiền và không còn quấy phá như trước. Những cơn lồng lộn đập phá đồ đạc của Minh đã chẳng còn, thói hung hãn đánh người của Rô dần dịu lại. Những vết thương chi chít tự đốt mình khi buồn của De đã liền sẹo, vết thương tự cắn nát ngón tay mình của Doan đã khỏi, vết lở loét tự gây thương tổn của Nam dần liền da. Hay “Nghĩa nhạc sĩ” không còn suốt ngày khoanh tay chào gió, ngẩn ngơ lẩm bẩm một mình nữa mà biết ôm đàn guitar hát. Anh Tư Phước kiên nhẫn tập cho mọi người biết tự tắm giặt, quét dọn, biết chào hỏi và không xé rách quần áo của mình...

Bây giờ những người tâm thần không còn phải sống cùng vợ chồng Tư Phước trong căn nhà gỗ ọp ẹp nữa. Số tiền hai vợ chồng tích góp được bao nhiêu năm nay, anh vay mượn thêm đem ra xây nhà cho người tâm thần ở. Xây xong nhà, Tư Phước càng làm lụng nhiều hơn để vừa nuôi cả nhà vừa trả nợ. “Tôi không xin ai, nhưng ai cho gì tôi cũng sẽ nhận hết, nhận không phải cho tôi, mà là cho những người bệnh ở đây có thêm sự đủ đầy hơn!”, anh tâm sự khi vừa ăn vội bát cơm buổi tối, giọng nhẹ như gió.

trong-ngoi-nha-vang-khuc-hat-nguoi-dien-08-1672970772.jpg
Ngày ngày, chị Hạc chăm lo từng bữa ăn cho hơn 120 người bệnh

Từ Bắc vào Nam, bất cứ gia đình nào muốn gửi người thân bị tâm thần, hai vợ chồng anh đều dang rộng vòng tay chào đón. Hiện tại, để nuôi hơn 120 miệng ăn, mỗi ngày hết hơn 50kg gạo, hết cả trăm gói mỳ tôm và nhiều thực phẩm khác. Những thứ khác như áo quần, thuốc thang thì không biết bao nhiêu mà kể. Biết được việc làm của vợ chồng anh, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh cũng thường xuyên qua lại hỗ trợ vật chất. Trạm xá xã thì nhận trách nhiệm lên tỉnh xin thuốc về chuyển lại cho vợ chồng anh để người bệnh uống.

Sau mỗi giờ làm mệt mỏi, Tư Phước chỉ kịp lùa vội chén cơm rồi lại vội vã thăm hỏi trò chuyện cùng những người tâm thần. Chị Hạc chia sẻ: “Đối với những người như thế đừng bao giờ xem họ là người bệnh mà hãy xem như anh em ruột thịt của mình. Việc dùng thuốc chỉ có tác dụng để cắt cơn đau, chứ không có tác dụng cảm hóa được con người!”. Để thuyết phục cơ quan quản lý, anh Tư Phước tự giác xin ra Đà Nẵng học những lớp cơ bản về y tế và chăm sóc bệnh nhân tâm thần. Anh cũng được Phòng LĐ-TB-XH TP. Pleiku mời lên, giúp hoàn thành “Đề án thành lập cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc và chữa bệnh cho người tâm thần”. Nhiều năm tiếp nhận và chăm sóc người tâm thần nên vợ chồng Tư Phước rất am hiểu các triệu chứng, nguyên nhân của mỗi bệnh nhân để đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp. Nhờ những nỗ lực của anh, có những người đã được trở về với gia đình, có người xin ở lại tổ ấm này để cùng giúp những người khác làm dịu “cơn bất ổn” bằng trái tim nhân hậu với tình cảm yêu thương không ranh giới giữa cuộc đời.

trong-ngoi-nha-vang-khuc-hat-nguoi-dien-19-1672970772.jpg
Sự khắc khổ, lam lũ của chị Hạc khi một mình phải chăm sóc hơn 120 người tâm thần hằng ngày

Chiều muộn trong ngôi nhà tâm thần ở dưới chân núi Hàm Rồng, tiếng guitar vẫn vang lên cùng những tiếng hát của người tâm thần tỏa đi miên man trong gió cao nguyên. Tôi vẫn nghĩ, chắc chắc số người về với ngôi nhà chung của anh Tư Phước sẽ không dừng lại ở đó. Tất cả họ đều coi anh chị như bố mẹ thứ 2 , những người đã “sinh” ra họ lần thêm lần nữa. Còn anh, như cái tên chắc chắn vẫn sẽ làm phước cho người, không công, không nề hà, suốt đời...

Tiêu Dao